Phú Lâm chuyển mình

(Baohatinh.vn) - Ở huyện miền núi Hương Khê, thôn Phú Lâm (xã Phú Gia) được biết đến là một trong những vùng khó khăn. Đây còn là nơi “giữ chân” hơn 60 hộ dân thuộc dân tộc Lào sinh sống. Dẫu vậy, người Phú Lâm vẫn không chịu khuất phục trước thiên nhiên, từng ngày vươn lên xây dựng cuộc sống mới. Tình Việt – Lào anh em cũng gắn kết hơn từ cuộc sống lao động sản xuất.

phu lam chuyen minh

Nhờ có các chính sách hỗ trợ, người dân Phú Lâm mạnh dạn phát triển trang trại. Trong ảnh: Trang trại của trưởng bản Lê Văn Hòe.

Đường về bản xa

Tháng 7, mặc cái nắng đến “khê trời, khê đất” của Hương Khê, chúng tôi tìm về thôn Phú Lâm. Con đường từ trung tâm xã về với Phú Lâm như đo lòng người. Hơn 20 km đường đồi núi, uốn lượn, vượt qua những vực sâu thăm thẳm, chúng tôi mới đến được ngôi nhà đầu tiên của thôn và theo người dân ở đây, từ đầu thôn đến cuối thôn cũng còn phải hơn chục cây số, qua mấy ngọn đồi và 2 con suối. “Đã đến đây rồi thì đi cho hết, qua cầu Cây Trồ vào mãi trong rừng, đi để biết dân bản sống như răng” - lời người dân bên đường càng khiến chúng tôi quyết tâm “vượt suối, băng đồi”. Ừ thì đi!

Lại vượt qua thêm mấy ngọn đồi không rõ tên, lội bộ qua một khe suối, đá lởm chởm, hỏi thăm mãi, chúng tôi cũng đến được nhà Trưởng thôn - Trưởng bản Lê Văn Hòe. Đón khách lạ khi trên tay đang cầm cuốc làm cỏ vườn cam, sau một lúc chuyện trò, giới thiệu, ông Hòe phấn khởi: Thế thì đi, mình dẫn nhà báo đi thăm vườn nhà mình trước đã.

Cơ ngơi của trưởng thôn Phú Lâm khiến nhiều người mơ ước. “Trang trại có tổng diện tích 19 ha, trước tập trung trồng keo tràm, nhưng mấy năm gần đây khi có chủ trương của Nhà nước khuyến khích trồng cây ăn quả, nhận thấy đây là hướng đi mới cho thu nhập nên mình theo. Đến nay đã trồng được hơn 500 gốc cam, bưởi. Ngoài ra, mình nuôi thêm 20 con lợn rừng, 20 con bò, 7 con trâu và một đàn gà; đất rộng nên nhà tự trồng cỏ nuôi bò luôn” - ông Hòe tâm sự.

Cùng với nhà ông trưởng thôn, toàn thôn đã xây dựng được 7 trang trại chăn nuôi quy mô 20 con trở lên; mô hình trồng cây ăn quả phát triển mạnh với hơn 15 mô hình có diện tích trên 500 m2. Từ chính sách hỗ trợ của địa phương và Nhà nước, người dân được vay vốn để sản xuất, phát triển mô hình vườn rừng, chăn nuôi, trồng cây ăn quả; hệ thống đường giao thông được quan tâm xây dựng, cuộc sống dân bản Phú Lâm ngày càng đổi thay, nhà cửa khang trang. Do đặc thù về đất đai, chỉ một phần ít diện tích đất nông nghiệp được sản xuất thường xuyên, người dân Phú Lâm chủ yếu làm trang trại. Hoặc tùy mùa, người dân vào rừng kiếm mật ong, hái cây thiên liên kiện (một loại cây để làm thuốc), lấy lá nón… bán kiếm thêm thu nhập.

phu lam chuyen minh

Thiếu nước, ngày hè mọi sinh hoạt đều nhờ vào con sông Rào Rải.

Sôi nổi phong trào xây dựng nông thôn mới

Phú Lâm có 120 hộ, 431 nhân khẩu, trong đó, dân tộc Lào chiếm đến hơn 50% với 61 hộ, 230 nhân khẩu. Đầu những năm 40 của thế kỷ trước, vì nhiều nguyên nhân nên nhiều người Lào sang đây làm ăn, về sau, họ lấy vợ, sinh con rồi định cư và trở thành công dân Việt Nam. Đến nay, những người dân tộc Lào ở Phú Lâm vẫn qua lại, thăm người thân bên kia biên giới. Mỗi lần sang bản Triều, bản Vạng Chạng, người Phú Lâm phải đi bộ, vượt rừng ròng rã 2-3 ngày đường. Ngược lại, người Lào cũng thường sang Phú Lâm thăm thân mỗi dịp lễ lạt, ma chay… Họ sống thuận hòa, giúp nhau cùng phát triển kinh tế.

Hòa cùng không khí toàn xã phấn đấu về đích nông thôn mới vào cuối năm nay, người dân trong thôn không kể Lào hay Việt đều ra sức thi đua xây dựng bộ mặt mới cho toàn thôn. Bà con tích cực làm vườn, dọn dẹp nhà cửa, đảm bảo nhà “3 cứng”. Bên cạnh đó, tích cực trồng cây ăn quả, chỉnh trang vườn hộ, di dời chuồng trại theo đúng quy hoạch, trồng hàng rào xanh. Hội phụ nữ thành lập tổ giúp nhau xây dựng phong trào “5 không, 3 sạch”. Ngày cuối tuần, bà con tập trung tổng vệ sinh môi trường đường làng. Hiện nay, mỗi nhà đào hố để xử lý rác thải tại gia đảm bảo vệ sinh. Từ đầu năm đến nay, thôn đã hoàn thành 250m đường bê tông, nhà văn hóa thôn được sửa sang theo đúng quy chuẩn.

Chị Trần Thị Hợi - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: Mặc dù địa bàn xa trung tâm nhưng các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở thôn rất sôi nổi, nhiều chị trong thôn là lực lượng hạt nhân trong các phong trào của xã. Có thể nói, Phú Lâm nay đã thực sự đổi thay và có được sự thay đổi đó không thể không kể đến sự giúp đỡ của những người lính biên phòng.

Trung tá Lê Hữu Công - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phú Gia cho hay: “Chúng tôi như những người con của thôn cùng bà con xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, đồn đã phối hợp tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phong trào quần chúng bảo vệ lãnh thổ; kiểm soát các hoạt động tội phạm trên khu vực biên giới; tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân. Bên cạnh đó, chúng tôi còn cử hơn 40 lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia làm đường giao thông nông thôn cùng bà con. Hơn nữa, Trạm Quân dân y Đồn Biên phòng 571 là địa chỉ khám, chữa bệnh miễn phí. Thời gian tới, chúng tôi sẽ hỗ trợ đường điện thắp sáng làng quê dài 3 km để bà con đi lại thuận tiện và an toàn”.

Tinh thần sôi nổi là vậy, nhưng quá trình xây dựng nông thôn mới nơi đây cũng gặp không ít khó khăn. Do địa bàn rộng, địa hình đồi núi, dốc cao nên mùa mưa lũ gây ra hiện tượng xói mòn. Mùa nắng lại chịu ảnh hưởng rất lớn từ gió lào gây khô hạn nghiêm trọng; người dân phải sử dụng nước khe để phục vụ sinh hoạt. Hệ thống đường tuần tra biên giới dài 18 km từ xã vào thôn nay đã xuống cấp, xuất hiệu nhiều “ổ voi”, điểm sạt lở. Không chỉ thế, vườn tạp chưa xây dựng được tường bao quanh; hệ thống truyền thanh cơ sở yếu. Đặc biệt, một cây cầu để mùa mưa lũ người dân không lo sợ bị cô lập dường như vẫn chỉ là ao ước. Cầu Cây Trồ bắc qua sông Rào Rải, bên kia cầu là cuộc sống, sinh mạng của 10 hộ dân, thế nhưng, đã bao năm nay hỏng cầu tạm này thì làm cầu tạm khác.

Chủ tịch UBND xã Phú Gia Nguyễn Văn Nhân chia sẻ: “Hiện nay, với các chủ trương hỗ trợ của Nhà nước, sự giúp đỡ của Đồn Biên phòng 571 và nỗ lực của bà con, thôn đã phát triển tương đối đồng đều cùng 11 thôn còn lại. Về phía địa phương, chúng tôi cử 2 cán bộ xã bám từng tiêu chí, từng việc làm của thôn để kịp thời có những thay đổi hợp lý. Hiện, xã đã có kế hoạch làm điểm phát triển mô hình kinh tế vườn rừng ở thôn Phú Lâm, vừa giúp bà con phát triển kinh tế, vừa phát huy tối đa tiềm năng của địa phương”.

Rời thôn Phú Lâm khi trời chạng vạng tối, khuất sau những điệp trùng đồi núi là cuộc sống, là niềm tin của hàng trăm con người. Mong sao, ước mơ về cây cầu, về con đường được xây mới, sửa sang của người dân sớm được các cấp chính quyền quan tâm, biến thành hiện thực để Phú Lâm sẽ không còn xa xôi, cách trở. Rồi nguồn nước sạch sớm được về với dân bản và họ sẽ có chắc trong tay cái nghề để phát triển ổn định. Những dự định về du lịch sẽ đưa Phú Lâm phát triển lớn mạnh hơn nữa…

Đọc thêm

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.