Cùng với hình ảnh cây đa, sân đình, thì giếng nước (giếng làng) là một biểu tượng truyền thống của làng quê Việt Nam. Những hình ảnh ấy đã đi sâu vào tiềm thức của người dân và trở thành biểu tượng mang giá trị tinh thần ở nhiều làng xã.
Để góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa đó, những năm qua, người dân huyện Lộc Hà đã huy động nguồn lực, góp ngày công, hiến đất, hiến cây, chung tay phục dựng, tôn tạo các giếng làng, tạo nên một nét riêng trong bức tranh nông thôn mới huyện nhà.
Theo chân cán bộ văn hóa tới tham quan khuôn viên cây đa, giếng làng tại thôn 3, xã Bình An, chúng tôi cảm nhận được một không gian chan hòa, gần gũi, bình dị và thân thương của làng quê.
Người dân nơi đây cho biết, giếng làng này đã tồn tại nhiều trăm năm và không bao giờ cạn. Vì vậy mà những ngày khô hạn, người dân từ các vùng lân cận cũng tìm đến để gánh nước về dùng. Trải qua bao năm tháng, bao thế hệ, vết chân của người đi lấy nước hằn rõ lên những viên gạch thẻ xung quanh miệng giếng, trở thành dấu tích của thời gian, minh chứng cho sự cổ xưa của giếng làng.
Tuy nhiên, sự khắc nghiệt của thời gian, chiến tranh, khu vực này dần trở nên hoang sơ, cây cối um tùm, hoang vắng. Việc phục dựng giếng làng trở thành niềm trăn trở của những người con sinh ra trên mảnh đất này.
“Từ nguồn kinh phí xã hội hóa và đóng góp của con em xa quê, sự hỗ trợ, động viên của địa phương, công trình phục dựng giếng làng chính thức được khởi công năm 2016 và hoàn thành năm 2018 với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng. Quá trình phục dựng chúng tôi cố gắng gìn giữ những nét nguyên sơ của công trình, đồng thời xây dựng thêm các hạng mục như lối đi, tường bao, sân bãi… trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương”, ông Nguyễn Đình Bá - một người dân địa phương chia sẻ.
Tại thôn 7, xã Bình An, công trình tôn tạo khuôn viên Giếng Truông với tổng kinh phí gần 600 triệu đồng trở thành một điểm nhấn trong không gian văn hóa vùng quê nơi đây. Theo người dân, rất khó để xác định “tuổi” của giếng làng, chỉ biết rằng tuổi thơ của những người cao niên nhất cũng đã gắn liền với dòng nước mát lành này.
Tới nay, với nguồn lực xã hội hóa, giếng được trùng tu, xây dựng lại và nằm trong khuôn viên với các công trình cây đa, hồ sen, núi đá, công viên cây xanh… tạo nên hình ảnh làng quê nông thôn vừa tươi mới nhưng vẫn giữ được nét mộc mạc, thân quen.
Được biết, trên địa bàn xã Bình An đã có 3/7 giếng được phục dựng và phong trào ngày càng được bà con đồng tình hưởng ứng cao.
Tại xã Hộ Độ, có 3/4 giếng cổ đã được tôn tạo và đã trở thành điểm giao lưu, vui chơi, sinh hoạt cộng đồng bổ ích cho bà con.
Đứng bên cạnh giếng làng thôn Đồng Xuân (xã Hộ Độ), ông Lê Doãn Nông cho biết: "Từ đầu những năm 90, khi đời sống phát triển, người dân trong thôn đều đào, khoan giếng để thuận tiện hơn trong sinh hoạt cũng như có nhiều nguồn nước sạch khác nên giếng làng ngày một xuống cấp, bỏ hoang. Sau thời gian tích cực vận động, thôn đã huy động được 200 triệu đồng để phục dựng giếng làng trong niềm mong mỏi của bà con nhân dân".
Với những người sinh ra từ làng quê, giếng làng đã trở thành một hình ảnh rất đỗi thân quen, gắn bó trong cuộc sống. Vì vậy, khi nhìn khung cảnh người dân quây quần trong khuôn viên giếng làng, mỗi người đều cảm thấy vui và ấm áp, bởi những giá trị văn hóa làng vẫn được gìn giữ và phát huy bởi các thế hệ mai sau.
Phó Chủ tịch UBND xã Hộ Độ Hoàng Hải Đường thông tin: “Gắn liền với phong trào xây dựng nông thôn mới, khu dân cư kiểu mẫu, việc tôn tạo giếng làng đã hình thành nên không gian giao lưu, vui chơi, sinh hoạt cộng đồng, nâng cao đời sống văn hóa cho người dân, đồng thời góp phần giáo dục cho thế hệ sau về những nét đẹp văn hóa của quê hương”.
Dẫu không còn phát huy công năng, mục đích như vốn có, song phong trào phục dựng giếng làng đã trở thành nhu cầu của người dân Lộc Hà. Đó là mong muốn khôi phục giá trị tinh thần, gìn giữ truyền thống, phát huy nét đẹp xưa. Quá trình tôn tạo đã xây dựng được nét đẹp văn hóa làng quê, tạo điểm sinh hoạt, giao lưu kết nối, tạo điều kiện để người dân tham gia nhiều hơn vào các hoạt động văn hóa, góp phần bảo tồn các giá trị truyền thống của làng Việt.
Gắn liền với thực hiện tiêu chí nông thôn mới ở địa phương, 20/29 giếng làng tại huyện Lộc Hà đã được trùng tu với nguồn lực xã hội hóa chiếm 95%. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, kêu gọi xã hội hóa, đồng hành với người dân tôn tạo giếng làng, từ đó xây dựng nét đẹp làng quê, duy trì và phát huy giá trị văn hóa, đưa đời sống tinh thần của người dân ngày một nâng cao.