Quà Tết: Cấp trên không nhận, cấp dưới sao dám biếu?

Phỏng vấn Cục trưởng Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt: “Tết này cấp dưới biếu quà, ông có nhận không?”.

qua tet cap tren khong nhan cap duoi sao dam bieu

Ông Phạm Trọng Đạt

Tặng quà Tết thế nào là trái quy định? Đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh việc tặng quà trái quy định hoạt động thế nào, có thực chất hay chỉ hình thức? Đây là những nội dung Báo Giao thông đã thẳng thắn đặt ra trong cuộc trao đổi với ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ, người trực tiếp giữ 2/3 số điện thoại của đường dây nóng.

Giải tỏa “gánh nặng” cho cấp dưới

-Vài năm trở lại đây, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ đã quán triệt rất nghiêm khắc tinh thần cấm tặng quà Tết cấp trên, cấp trên “tranh thủ” cấp dưới. Ông đánh giá hiệu quả của việc này thế nào?

Việc T.Ư ra chỉ đạo quán triệt tinh thần cấm tặng quà Tết, cấm cấp dưới đi Tết cấp trên, địa phương đi Tết T.Ư đã có những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, vài năm nay, đã không còn tình trạng cứ gần Tết là xe biển xanh của các địa phương rầm rập kéo về Hà Nội.

Đây cũng là chỉ đạo có ý nghĩa rất lớn, bởi nó giải tỏa được tâm lý nặng nề cho cấp dưới. Lâu nay, chúng ta có lệ cứ đến Tết là tặng quà, biếu xén như một “nghĩa vụ”, nếu không biếu xén lại lo sợ cấp trên “để ý”. Thậm chí, tôi biết có những cán bộ công chức cứ Tết đến là lo “toát mồ hôi” vì phải thống kê danh sách đi biếu quà sếp này, tặng quà sếp kia. Nhiều người lo sợ và coi đây như “gánh nặng”, nhưng vì đã thành nếp nên vẫn phải theo. Vì thế, khi Ban Bí thư và Thủ tướng có chỉ thị này, tôi cho rằng, đó là một chỉ thị hợp lòng dân, giải tỏa gánh nặng cho không ít cán bộ cấp dưới.

-Đường dây nóng tiếp nhận tin báo phản ánh về tham nhũng, tặng quà Tết đã có từ năm 2014 nhưng đến nay, vẫn có những ý kiến đánh giá hoạt động của đường dây nóng còn “hình thức”. Là người trực tiếp giữ 2/3 số điện thoại đường dây nóng ấy, ông nhận định thế nào?

Sau vài năm, đường dây nóng có những hiệu quả nhất định. Đã có rất nhiều tin báo về tình trạng tiêu cực, tham nhũng, về việc biếu quà Tết sai quy định được phản ánh đến đường dây nóng.

Ngoài ra, nhiều người dân gọi điện không phản ánh thông tin mà “hiến kế” với chúng tôi về các phương án phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đó đều là những thông tin quý giá và chúng tôi rất ghi nhận.

Trong các nguồn tin được phản ánh đến đường dây nóng, với những tin có dấu hiệu tham nhũng rõ ràng, chúng tôi đề nghị người dân cung cấp chứng cứ để trực tiếp kiểm tra, cần thiết thanh tra thì phải thanh tra, có những vụ trực tiếp Thủ tướng Chính phủ phê vào đơn tố cáo yêu cầu thanh tra, làm rõ. Nhưng việc kiểm tra để đi đến kết luận cần cả một quá trình chứ không thể nghe tin phản ánh, kiểm tra rồi kết luận ngay. Có lẽ vì thế, nhiều người không nhìn thấy ngay hiệu quả những việc chúng tôi đang làm.

-Nhưng cũng có những ý kiến phản ánh không gọi được đến đường dây nóng vì không ai nghe máy, hoặc có khi người nghe lại hướng dẫn người báo tin phản ánh với cơ quan có thẩm quyền khác?

Thanh tra Chính phủ vừa mở 3 đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của người dân, doanh nghiệp tố cáo về tham nhũng, tiêu cực và tặng quà trái quy định dịp Tết Nguyên đán 2018. Theo đó, các số điện thoại đường dây nóng mà Cục Chống tham nhũng mở để nhận phản ánh tặng quà Tết bao gồm: 08.048228, 0902.386.999, 0125.698.6688 và email: [email protected].

Đường dây nóng có 3 số điện thoại, trong đó có 2 số di động do tôi trực tiếp nắm giữ và tiếp nhận thông tin, còn một số máy bàn do văn phòng phụ trách. Nhưng thực tế, nhiều người không thích gọi vào số máy bàn mà chỉ thích gọi vào số di động để phản ánh trực tiếp thông tin với cục trưởng.

Chúng tôi ghi nhận điều đó, nhưng nhân lực và sức lực không thể đáp ứng hết được. Bản thân tôi nhiều khi bận rất nhiều việc không thể nghe. Có những khi tôi yêu cầu người báo tin gửi thông tin qua tin nhắn để tiếp nhận, vì vừa đảm nhận công việc ở cơ quan, vừa cầm số đường dây nóng nên cũng rất vất vả.

Hơn nữa, một số người nghĩ cái gì ông cục trưởng cũng giải quyết được. Thực tế, tôi chỉ là đầu mối tiếp nhận thông tin, sau đó vẫn phải xử lý theo đúng quy trình, phối hợp với các cơ quan chức năng khác. Vì thế, nếu tin báo về lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của mình, tôi sẽ hướng dẫn người dân phản ánh thông tin đến đúng địa chỉ.

Năm nay, dự kiến có một tổ độc lập xử lý tin phản ánh nhận được từ đường dây nóng, như vậy sẽ hiệu quả hơn, vì nếu như hiện tại sẽ không đủ sức để làm.

Làm sao kiểm tra việc xe “xếp hàng” trước cửa nhà Bí thư, chủ tịch?

-Vậy, nếu có người dân gọi điện cho ông báo nhà của một bí thư, chủ tịch nào đó đang có rất nhiều xe “xếp hàng” vào ngày sát Tết hoặc ông bí thư, chủ tịch nào đó đang nhận rất nhiều quà biếu dịp Tết, ông sẽ xử lý tình huống đó thế nào? Cục Chống tham nhũng có cử người đi xác minh ngay?

Việc tiếp nhận thông tin, xử lý theo quy định pháp luật đối với các hành vi tiêu cực, trái pháp luật là không có vùng cấm. Chỉ có vấn đề là các đối tượng khác nhau, chúng tôi phải áp dụng quy trình khác nhau.

Ví dụ, nếu có người phản ánh một ông bí thư, chủ tịch nhận nhiều quà Tết, chúng tôi ghi nhận nhưng phải bằng nhiều nguồn khác nữa để đánh giá, xử lý theo đúng quy trình. Trường hợp này, trước hết phải xác nhận người dân đó ở đâu, có gần nhà vị Bộ trưởng đó không hay chỉ nghe kể lại. Tiếp đến, nếu có bằng chứng về hình ảnh hay video, chúng tôi sẽ đề nghị người dân cung cấp. Với những thông tin rõ ràng, có cơ sở, chúng tôi sẽ đề nghị địa phương phối hợp kiểm tra, xác minh. Và việc này chắc chắn không thể làm và ra kết luận ngay được, vẫn phải có quá trình.

Thực tế, những năm qua, mọi người nói đường dây nóng hình thức vì không thấy ngay hiệu quả của nó, nhưng sau mỗi đợt chúng tôi vẫn tổng kết và thấy được những kết quả. Có những trường hợp bộ, ngành, địa phương đã phối hợp kiểm tra, xác minh và kết luận có vi phạm, cũng đã có trường hợp cán bộ bị xử lý từ những nguồn tin đó.

-Đường dây nóng là để tiếp nhận những tin phản ánh về việc biếu, nhận quà Tết sai quy định. Ông có thể lý giải rõ, quà thế nào là sai quy định?

Quà sai quy định là quà vượt quá mức quy định của pháp luật. Theo Quyết định 64, quà tặng chỉ có giá trị không quá 500 nghìn đồng, nếu vượt quá là sai. Bên cạnh đó, nếu quà mà dùng tiền ngân sách Nhà nước, tiền của tập thể để đi tặng, biếu xén với động cơ cá nhân không trong sáng, hay vì lợi ích nhóm… thì dù là một đồng cũng vi phạm.

Trong những năm trước, chúng tôi nhận được không ít tin báo về việc biếu, nhận quà Tết, nhưng rất nhiều tin mơ hồ, không có cơ sở để xác minh. Cũng bởi vì đây là lĩnh vực không dễ, khó phát hiện và khó trong cả kiểm tra, giám sát, mà lâu nay quy định của ta chưa thể bao quát được.

Xử lý hình sự những vụ nghiêm trọng

-Như ông nói, việc phát hiện hay kiểm tra tặng quà Tết trái quy định rất khó, bởi không dễ gì phân biệt được quà tặng vì tình cảm hay quà tặng vì mục đích khác. Có phải do vậy mà việc biếu quà Tết đang ngày càng biến tướng?

Đó là một thực tế. Lâu nay, người Việt Nam vốn trọng tình nghĩa, mỗi dịp Tết đến vẫn thường tặng quà nhau thể hiện tình cảm. Việc tặng quà trong giới hạn cho phép là nét văn hóa đẹp chứ không xấu, nhưng cũng chính từ đó mới biến t ướng ra các kiểu biếu quà Tết để nịnh nọt, chạy chọt vì những mục đích cá nhân.

Nếu có động cơ xấu, tôi nghĩ không cần chờ đến dịp Tết. Người ta có thể tặng quà bất cứ khi nào. Nhưng người ta lại đang lợi dụng dịp Tết vui vẻ, cũng là dịp mà người ta dễ thông cảm, xuề xòa cho nhau hơn, nên mới có chuyện nhiều người cứ chờ đến Tết để biếu, tặng quà.

Về hình thức rất khó nhận biết, vì làm sao vào nhà người ta mà biết họ tặng nhau cái gì. Người ta tặng cành đào thôi, nhưng song song với đó chuyển khoản cả trăm triệu đồng thì ai biết? Nhưng nói gì thì nói, tặng quà vì tình cảm hay vì động cơ cá nhân thì người được tặng sẽ nhận ra ngay thôi, bởi họ thừa biết nếu có người tặng mình cả trăm triệu đồng thì không thể vì tình cảm mà tặng số tiền lớn thế được.

Biết là thế nhưng để xử lý, giải quyết thế nào là cả một vấn đề. Bởi vì giữa hiện tượng và bản chất nó chằng chịt lẫn nhau, biến tướng che đậy lẫn nhau nên để làm rõ rất khó khăn.

-Như vậy có nghĩa, chúng ta trông chờ vào sự tự giác của người được tặng quà, thưa ông?

Bước đầu phải thế thôi. Phải thừa nhận rằng, việc giám sát và xử lý không thể đem lại hiệu quả triệt để nên quan trọng nhất là phải ngăn chặn thông qua việc tuyên truyền, nêu gương của chính những người đứng đầu. Cùng với đó, phải tuyên truyền tốt cho đội ngũ cán bộ công chức, đảng viên để người ta hiểu rõ việc này là sai và không làm.

Nhưng quan trọng hơn vẫn nằm ở người đứng đầu, nếu người đứng đầu nêu gương, nhất quyết không nhận quà thì chắc chắn chẳng cấp dưới nào dám tặng cả. Chỉ khi người đứng đầu “trong sạch” mới nghiêm khắc kiểm tra, giám sát được cấp dưới.

Chúng ta cũng phải thẳng thắn với quan điểm dù cấp nào sai cũng sẽ bị xử lý, thậm chí cán bộ cấp cao vi phạm phải xử lý nặng hơn cấp dưới. Hiện nay, chúng ta mới chỉ có cơ chế nộp lại quà tặng và xử phạt hành chính nên chưa nghiêm khắc và hiệu quả, chưa có tính răn đe. Tôi vẫn cho rằng, phải xử lý những trường hợp vi phạm nghiêm trọng việc biếu, nhận quà Tết sai quy định.

-Dịp Tết sắp tới, nếu cấp dưới hay có người nào đó biếu quà Tết, ông có nhận không?

Nếu là anh em, bạn bè, hay cấp dưới biếu tôi cành đào, con gà hay cái bánh chưng, hoặc một món đồ lưu niệm với giá trị nhỏ vào dịp Tết thì tôi nhận, vì tôi tin đó là tình cảm họ dành cho tôi, rất đáng quý.

Nhưng với những người có liên quan đến công việc, chẳng hạn như ở một doanh nghiệp sắp bị thanh tra, hoặc một cán bộ nào đó tặng những món quà xa xỉ, có giá trị lớn thì tuyệt đối tôi không nhận.

-Cảm ơn ông!

Theo Hoài Thu/Báo Giao Thông

Đọc thêm