Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm: Bất an từ khâu sản xuất...

(Baohatinh.vn) - Chưa lúc nào nỗi lo về thực phẩm bẩn lại “nóng” như giai đoạn hiện nay. Bất an đầu tiên chính là ở khâu sản xuất, khi mà không ít sản phẩm tươi sống được sản xuất từ đồng ruộng, chuồng trại, ao đầm của những người nông dân cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe người tiêu dùng.

quan ly ve sinh an toan thuc pham bat an tu khau san xuat

Cánh đồng sản xuất theo quy trình VietGAP của thôn 6, xã Tượng Sơn (Thạch Hà) đã bị thu hẹp hơn một nửa do sản phẩm không ổn định đầu ra, giá rẻ.

Thuốc bảo vệ thực vật: tùy tiện sử dụng

Một điều rất dễ nhận thấy, bất cứ hộ trồng rau nào ở nông thôn cũng đều có bình phun thuốc trong nhà và đi kèm luôn là một số thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Bà N.T.B, ở xã Cẩm Trung (Cẩm Xuyên) cho biết: “Giờ trồng rau mà không phun thuốc thì không thể có sản phẩm bởi sâu bệnh phá hại ngay”.

Bà B. có hơn 1 sào mướp đắng ngoài đồng, ngoài ra, bà còn cải tạo được khu vườn trồng rau hàng hóa theo phương châm “mùa nào rau nấy”. Tuy nhiên, để có được rau tốt, nhiều quả, bà lại phải sử dụng thuốc BVTV khá thường xuyên. Vấn đề nằm ở chỗ thuốc sẽ phun như thế nào để an toàn cho người tiêu dùng thì chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào chữ tâm của người trồng.

Không chỉ dùng thuốc BVTV, nhiều hộ trồng rau còn dùng cả thuốc kích thích tăng trưởng. Thuốc này thường được người dân dùng vào những giai đoạn đầu để kích thích cây tăng trưởng nhanh hoặc những thời điểm thời tiết không thuận lợi cho cây phát triển. Bà T.T.H., ở Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh) thừa nhận: “Có những thời điểm phải dùng thuốc kích thích tăng trưởng mới có rau bán. Như mùa rét chẳng hạn, không kích thích làm sao cây lên được…”.

Ngay cả trên những cánh đồng lúa, việc sử dụng thuốc BVTV cũng đang bị lạm dụng. Ông N.V.N, ở xã Cẩm Dương (Cẩm Xuyên) cho biết: “Vụ mùa năm nay, không hiểu sao lúa đang thì làm đòng lại xuất hiện rầy nâu dày đặc. Nhà có 5 sào ruộng thì có đến hơn 3 sào bị rầy nâu tấn công. Biết phun thuốc vào thời điểm này là không tốt nhưng nếu không phun thì sẽ bị cháy hoặc bị hạt lép hết, còn gì mà thu hoạch”…

Thực tế, việc sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất được cho phép nhưng phải tuân thủ đúng quy trình. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, không ít người trồng đang sử dụng thuốc BVTV một cách thiếu nguyên tắc. Có nghĩa là, cần thì phun, phun để bảo vệ thành quả của mình chứ không cần quan tâm đến quy trình. Điều lo ngại nữa, nhiều người không tuân thủ hướng dẫn ghi trên bao bì mà phần lớn sử dụng theo thói quen, tự pha tăng nồng độ để diệt tận gốc mà không cần biết dư lượng thuốc sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống và sản phẩm cung cấp cho thị trường.

Ông Phan Văn Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, Sở NN&PTNT cho biết: “Do sản xuất nông nghiệp của chúng ta chủ yếu có quy mô nhỏ, lẻ nên rất khó kiểm soát việc đảm bảo VSATTP. Theo từng đợt, chi cục phân công cán bộ về các vùng sản xuất rau để hướng dẫn bà con sản xuất rau an toàn và lấy các mẫu kiểm tra chất lượng nhưng còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều thuốc BVTV được bà con mua theo đường tiểu ngạch, không rõ nguồn gốc và chúng ta cũng không có test thử để phát hiện hoạt chất gì, do vậy, rất khó để ngăn chặn”.

Khó thay đổi tư duy sản xuất

Phát triển nông nghiệp theo hướng xanh - sạch, an toàn, bền vững là mục tiêu đã và đang được các ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương hướng đến. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp rất nhiều khó khăn do đại bộ phận nông dân vẫn quen với lối sản xuất tự do, chỉ chú trọng đến năng suất, sản lượng, chứ chưa quan tâm đến sức khỏe con người.

Bà P.T.A., một hộ trồng rau lâu năm ở Thạch Kênh (Thạch Hà) kể: “Thi thoảng, chúng tôi có được tập huấn về VietGAP gì đấy, nói chung là quy trình trồng rau sạch. Tuy nhiên, nếu làm như vậy, chúng tôi thấy phiền hà quá mà chắc gì thu nhập đã cao hơn. Hơn nữa, cứ như ri, ưng bán lúc nào thì bán chứ không phải chờ cho đúng quy trình!?”.

Do tư duy sản xuất tự do và lạc hậu là chủ yếu của đại đa số người dân nên việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đến nay còn rất hạn chế. Toàn tỉnh mới chỉ có 2 mô hình sản xuất theo chuẩn VietGAP.

Bà Nguyễn Thị Nhuần - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Cái khó trong xây dựng các mô hình sản xuất sạch hiện nay là về mặt giá các sản phẩm. Để sản xuất đúng quy trình VietGAP, đòi hỏi hộ sản xuất phải có sự đầu tư lớn hơn, ít nhất là về mặt thời gian so với các hộ sản xuất tự do. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay, các sản phẩm khi tung ra thị trường đều có giá ngang nhau, thậm chí, các loại rau được sản xuất tự do có giá rẻ hơn lại dễ bán hơn. Thực tế, Hội Nông dân tỉnh đã rất nỗ lực trong việc giới thiệu sản phẩm sạch cho hội viên nhưng vẫn chưa giải quyết được vấn đề này để khuyến khích bà con.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.