Anh hùng liệt sỹ Phan Đình Giót. Ảnh internet.
Tự hào người con anh hùng
Năm nào cũng vậy, vào dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng lịch sử Điện Biện Phủ (7/5/1954), chúng tôi lại tìm về thôn Vĩnh Phú, xã Cẩm Quan - quê hương của liệt sỹ Phan Đình Giót, người anh hùng cách đây tròn 68 năm đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai, dập tắt hỏa điểm lợi hại nhất của địch. Nhờ vậy, bộ đội ta thừa thắng xông lên tiêu diệt toàn bộ cứ điểm Him Lam, giành thắng lợi trong trận đánh mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trước tượng đài liệt sỹ Phan Đình Giót ở xã Cẩm Quan, học sinh Trường Tiểu học & THCS Phan Đình Giót được nghe cô giáo kể về chiến thắng Điện Biên Phủ.
Anh hùng Phan Đình Giót (1922-1954) sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, bố mất sớm. Thương mẹ tảo tần, từ nhỏ, Phan Đình Giót đã đi ở đợ, làm thuê.
Cách mạng tháng Tám thành công, anh tham gia tự vệ chiến đấu, đến năm 1950, xung phong vào bộ đội chủ lực. Anh đã xông pha trong nhiều chiến dịch lớn như: Trung Du, Hòa Bình, Tây Bắc…
Bà Phan Thị Nhự - cháu gái thắp hương tưởng nhớ người bác liệt sỹ - anh hùng Phan Đình Giót.
Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Lúc ấy, Phan Đình Giót là Tiểu đội phó bộ binh Đại đội 58, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 đã cùng đồng đội hành quân cấp tốc lên Tây Bắc. Ngày 13/3/1954, Đại đoàn 312 đồng loạt tấn công vào cứ điểm Him Lam nhưng bị địch trong lô cốt bắn cản dữ dội.
Phóng viên tìm hiểu về anh hùng Phan Đình Giót qua chuyện kể của người thân.
Với vai trò Tiểu đội phó, Phan Đình Giót nhanh chóng trườn lên dùng tiểu liên, lựu đạn diệt hỏa điểm địch. Đạn hết, hỏa điểm thứ ba vẫn chưa bị diệt, Phan Đình Giót liền lao cả thân mình lên, chèn lấp lỗ châu mai, tạo cơ hội cho đồng đội xông lên tiêu diệt cứ điểm Him Lam.
Anh Phan Đình Giót đã hy sinh anh dũng khi vừa tròn 32 tuổi. Một năm sau đó, năm 1955, anh được Nhà nước truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhì và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Nhớ về những trang sử hào hùng, bên bàn thờ người bác liệt sỹ, bà Phan Thị Nhự (SN 1954) - cháu gái ruột của anh hùng Phan Đình Giót xúc động: “Năm tôi được sinh ra cũng là năm bác Giót mất. Thế nhưng, qua những câu chuyện kể của cha, hình ảnh ngày bác Giót lên đường nhập ngũ khiến tôi nhớ mãi.
VIDEO: Bà Phan Thị Nhự - chia sẻ về người bác ruột Phan Đình Giót.
Tôi được nghe kể rằng, ngày đó, nhà neo người, bà nội tôi không muốn bác Giót nhập ngũ nhưng bác vẫn quyết chí lên đường. Chỉ với một nắm cơm mang theo, bác đi bộ hàng cây số ra đến Quán Kho (nay là xã Cẩm Thành - P.V) để được vào bộ đội, ra chiến trường. Lúc tham gia chiến trận, dẫu nhiều lần bị thương nhưng chưa bao giờ bác khuất phục, ngược lại ý chí chống giặc lại càng mạnh mẽ hơn. Thế nhưng, bác đi rồi đi mãi không về, cả nhà ai cũng nhớ thương…!”.
Những câu chuyện lịch sử về người chiến sỹ trẻ tuổi nhưng kiên cường, gan dạ Phan Đình Giót đã vang vọng đến muôn đời sau, trở thành niềm tự hào, động lực thúc đẩy các thế hệ trên quê hương hôm nay phấn đấu vươn lên.
Quê hương cách mạng vươn mình
Những ngày này, khi cả nước đang hướng về kỷ niệm 68 năm Ngày Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ thì ở Cẩm Quan - quê hương liệt sỹ Phan Đình Giót cũng đang sôi nổi thực hiện các phong trào thi đua.
Xã Cẩm Quan - quê hương anh hùng Phan Đình Giót đang ngày càng đổi thay.
Nơi tượng đài tưởng niệm liệt sỹ Phan Đình Giót, từng tốp học sinh đang quét dọn, vệ sinh khuôn viên sạch sẽ để đón các đoàn khách về dâng hương tưởng nhớ người con anh hùng của quê hương. Để giáo dục thế hệ trẻ, ngôi trường mang tên liệt sỹ Phan Đình Giót (Trường Tiểu học & THCS Phan Đình Giót) cũng đang tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa để ôn lại công lao to lớn của anh.
Đặc biệt, để xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng, Nhân dân xã Cẩm Quan đang ra sức thi đua xây dựng xã NTM nâng cao.
Người dân thôn Chi Quan đổ lề đường bê tông, xây dựng NTM.
Đang cùng bà con trong thôn ra quân đổ lề đường, ông Đặng Thế Hân - Trưởng thôn Chi Quan cho biết: “Thôn phấn đấu xây dựng thành công khu dân cư NTM kiểu mẫu nên từ đầu năm đến nay, bà con nhân dân đang tập trung đổ đường bê tông, chỉnh trang vườn hộ, làm đệm lót và xây dựng hố rác ủ phân vi sinh. Đây là thời điểm nông nhàn nên việc huy động sức dân khá thuận lợi. Trong 3 ngày qua, toàn thôn đã đổ thêm được 700m lề đường bê tông để nâng chất tiêu chí giao thông”.
Cùng với thôn Chi Quan, thôn Mỹ Am cũng đang dồn sức để về đích khu dân cư NTM kiểu mẫu. Bà Lê Thị Phương (thôn Mỹ Am) chia sẻ: “Chúng tôi luôn đoàn kết, quyết tâm tạo diện mạo mới cho thôn, từ đó góp sức xây dựng xã đạt NTM nâng cao vào cuối năm 2022”.
Người dân ở Cẩm Quan tích cực phát triển kinh tế, góp sức xây dựng quê hương.
Ngoài ra, để từng bước hoàn thiện các tiêu chí xã NTM nâng cao, địa phương đang xây dựng nhà học 16 phòng trị giá 12 tỷ đồng ở trường tiểu học & THCS; xây dựng nhà học 10 phòng trị giá gần 15 tỷ đồng ở trường mầm non.
Phó Chủ tịch UBND xã Chu Văn Hoàng thông tin: “Đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân của người dân Cẩm Quan đạt 42 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 5,49%, hộ cận nghèo 3,2%; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 93%; 5/9 thôn được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu; xã có 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Hiện nay, Cẩm Quan đã đạt khoảng 60% các tiêu chí xã NTM nâng cao”.
Cẩm Quan đã hoàn thành khoảng 60% tiêu chí xã NTM nâng cao.
Cùng với thực hiện các tiêu chí, phần việc NTM, Cẩm Quan cũng luôn quan tâm phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa trên địa bàn. Xã đang đề xuất các cấp, ngành quan tâm để đầu tư, nâng cấp tượng đài tưởng niệm liệt sỹ Phan Đình Giót; xây dựng nơi đây thành địa chỉ đỏ giáo dục thế hệ trẻ và điểm đến tâm linh cho du khách thập phương.
Với tinh thần đồng lòng, quyết tâm cao của Nhân dân và khí thế vùng quê cách mạng, tin rằng, Cẩm Quan sẽ ngày càng phát triển vững mạnh, xứng đáng là quê hương của anh hùng liệt sỹ Phan Đình Giót.