“Hai ngày nay, em không ngủ được. Cứ nhắm mắt là thấy Việt Nam, thấy nhà mình, thấy vuông sân nhỏ và con Milu lông trắng muốt, chạy loăng quăng. Tất cả rõ ràng và gần gũi đến nỗi, mở mắt ra, em còn nghe được mùi hương dịu dàng của hoa ngọc lan. Nhớ đến thắt lòng chị ơi!”. Dũ chấm một dọc chấm than dài sọc nghe như nỗi nhớ của nó bật thành tiếng kêu. Giữa trang là mấy tấm hình của nó vừa chụp mới đây. Có tấm, Dũ đứng tựa gốc mận trước sân, mấy trái mận hồng hồng treo tòn teng ngay bên mặt nó. Có tấm, Dũ khoanh hai tay, đứng dạng chân trên cát, phía sau là mặt biển xanh ngắt. Tấm cuối cùng, Dũ chụp chung với con Milu. Con Milu ranh mãnh nhìn vào ống kính, còn Dũ thì tít hai mắt lại cười toe.
Dũ là thằng nhóc hàng xóm của tôi, tôi biết Dũ khi nó mới lẫm chẫm tập đi. Nhà nội của Dũ và nhà tôi chung hàng rào. Ở cái mảnh sân chung đầy nắng ấy, chúng tôi có một tuổi thơ giống nhau. Năm lên hai tuổi, ba bỏ đi, tôi lớn lên cùng mẹ và mấy dì. Trong nhà ngoại, tôi chưa bao giờ cảm thấy mất mát vì thấy mình không có gì khác so với những đứa trẻ có đủ cha, mẹ bên cạnh. Có lẽ, tôi may mắn có được ông bà ngoại và những người chị em tuyệt vời của mẹ. Tôi chỉ cảm thấy sự may mắn này khi anh em Dũ theo cha về sống cùng ông bà nội. Cha mẹ Dũ chia tay nhau, mẹ Dũ theo ông bà ngoại định cư ở nước ngoài. Không biết khi quyết định bỏ nhau, những người lớn có nghĩ đến tâm trạng của bọn trẻ như tôi và Dũ không? Nhìn hai anh em nó lủi thủi bên nhau như hai con gà con mất mẹ mà tôi mủi lòng.
Minh họa của Huy Tùng |
Hằng ngày, hai anh em Dũ được cha gửi sang nhà tôi. Tôi nhớ như in những buổi sáng ấy, bóng nắng lung linh trên sân gạch đỏ và những ngọn gió ban mai nhè nhẹ vừa đủ làm mấy cành lá lao xao trên ngọn cây ngọc lan. Tôi ngồi đong đưa trên võng học bài, còn hai anh em nhà nó ngồi tựa cửa, chống cằm buồn thiu. Hai cái dáng nhỏ bé, cam chịu, làm động lòng tôi. Tôi soạn ra tất cả đồ chơi trong gia tài ít ỏi của mình, đưa cho anh em nó, không ngờ, mấy thứ nồi niêu, xoong chảo bằng nhựa ấy đã làm hai thằng bé vui vẻ trong thời gian chờ đợi cha về. Khi đã quen lâu, tôi nảy ra ý định dạy học cho hai đứa nhỏ. Tôi lục mớ giấy trắng xé ra từ những quyển vở cũ, đóng thành hai quyển vở nhỏ. Tôi ra mấy bài toán cho thằng lớn, viết mấy chữ cho thằng nhỏ tập đồ. Trong khi hai đứa “học trò” đánh vật với mấy con chữ, mấy dòng số thì “cô giáo” học bài. Học bài xong thì tôi chấm bài cho anh em nó. Tôi đành hanh dùng viết đỏ sửa bài cho “học trò”, mấy con điểm chín, mười ấy chẳng để làm gì nhưng hai anh em Dũ cứ mừng rỡ, nhảy cỡn lên rồi năn nỉ tôi ra bài cho chúng nó làm tiếp.
Dũ viết trên blog: “Tự nhiên, sang đây em lại nhớ chuyện ngày xưa. Hồi đó, em còn nhỏ quá nhưng cũng đủ khôn để cảm thấy buồn khi theo mẹ mà bỏ ba lại một mình. Chị còn nhớ không, em khóc tức tưởi như bị đánh đòn, nước mắt nhòe nhoẹt nhưng em vẫn thấy ba đứng lặng nhìn theo. Vậy mà, thời gian thật kỳ diệu khi nó trôi qua và mang theo được nỗi khổ của con người. Em quên dần, quên hết và lớn lên, xem quê người là quê mình, chấp nhận mọi sự thay đổi. Con người đã khác, thói quen đã khác và em khác trước nhiều lắm, cho đến lần trở về này...”.
Anh em Dũ ở với cha được mấy năm thì mẹ về đón đi. Tôi không nhìn thấy anh em nó lớn lên như thế nào. Lâu lâu, ba của Dũ nhận được thư con lại sang nhà tôi để được dịp nói về con mình như là để cho đỡ nhớ. Tôi nghe nói, thằng anh học hành cũng được, điều kiện ở nước ngoài tốt hơn nên nó cao lớn, khỏe mạnh và đẹp trai hơn. Có điều, nó cũng như thanh niên bên đó, thích thì ở nhà, không thích thì vào ký túc xá ở với bạn. Mẹ nó bận bịu với “job” này “job” kia nên cũng chẳng có thời gian để ý đến con nhiều như ở xứ mình. Cũng may là thằng anh biết lo học hành nên không có điều gì xấu xảy ra. Thằng em thì khác, nó đi khi còn rất nhỏ, nên ngoài việc nói và viết được tiếng Việt thì nó là một người Mỹ hoàn toàn. Khi mẹ tôi hỏi: “Hai đứa có thường đi thăm bà ngoại không?”. Dũ trả lời: “Bà ngoại là ai hở cô?”. Tôi mắc cười mà lòng xót xa, thương hại cho nó, có thể là tôi cả nghĩ, có thể là tôi bao đồng. Nhưng tôi vẫn thấy tội nghiệp cho Dũ khi cảm giác nó chẳng biết mình là ai và thuộc về đâu.
Dạo này, tôi thường lên mạng, ở đó, bây giờ, người ta viết blog như là một phong trào. Tôi đọc được nhiều thứ, vui cũng có, buồn cũng có. Nhiều khi tôi tìm được một vài suy nghĩ giống mình nhưng tôi lại không viết được vì tôi không thích chia sẻ với người khác những điều xảy ra trong lòng. Độc thoại mãi với tôi như vậy cũng chán nên Dũ viết như nói một mình: “Cả tháng rồi mà mình chưa trở lại được với nhịp sống cũ. Mọi thói quen cứ đảo lộn cả lên. Hôm qua, thằng Nguyễn hỏi - Mày về Việt Nam có vui không? - Vui chứ! Mình có dịp để kể cho nó nghe vài chuyện ở nhà. Thằng em họ dắt mình ra cái chợ nhỏ gần nhà, nó không giống siêu thị ở bên này, chợ rất nhiều hàng, nhưng hàng nào cũng bán một ít những thứ giống nhau. Khu chợ ồn ào tiếng cười nói, người mua, kẻ bán nhẩn nha như không có gì phải vội vã. Thằng em mua mớ cá, cô bán hàng quen của nó bỏ thêm một con sau khi trả lại tiền dư. Nó cười toe.
Nhà nó chỉ có hai anh em. Cô chú hàng ngày cũng đi làm, hai thằng em tự lo cơm nước. Bọn nó đãi mình món cá kho mà lâu lắm mình mới được ăn. Mấy con cá bóng mỡ và ít lát ớt đỏ, cay đến bỏng cả môi nhưng mình ăn rất ngon miệng. Nhớ đến nỗi, qua bên này không muốn ăn cơm với đồ hộp.
Ngày... tháng...
Mẹ đi làm, dạo này, mẹ làm việc cả buổi tối. Mẹ bảo kiếm tiền bù vào khoản đã chi cho anh em mình về Việt Nam tháng trước. Anh Hai cũng vậy, nhưng là để dành tiền để có dịp thì trở về Việt Nam lần nữa. Cũng có lúc hai anh em mình giống nhau như thế, mình còn nghĩ là vài năm nữa, đủ lớn đi làm ra nhiều tiền để đưa ba sang đây. Ở bên đó, ba chỉ có một mình, tội nghiệp. Cảm giác ở một mình không dễ chịu chút nào, người khác nhìn vào sẽ thấy mình bơ vơ, khốn khổ. Còn mình thì phải gặm nhấm nỗi cô đơn, gặm mãi mà nỗi cô đơn cứ rộng thênh thang, chứ không khuyết đi. Lúc này, mình cũng chỉ có một mình ở nhà, nhưng lạ thay, mình không cảm thấy cô đơn vì bây giờ mình biết những điều mình viết ra đây, ít nhất cũng có vài ba người ở đâu đó đọc được như chị Ngà ở bên nhà, dù chị đọc rồi thỉnh thoảng chỉ gõ lên mạng mấy chữ - “Chào nhỏ, chúc một ngày tốt lành! Em ổn chứ?”. Chị chỉ đọc để hiểu mình. Thế là được.
Ngày... tháng...
Hôm nay, trời đẹp lắm, có một chút nắng vàng ấm áp trải lên mặt cỏ trước nhà. Mình trồng được hai cây chậu hoa hồng vàng, chúng mới nở được vài cái hoa. Những cánh hoa màu vàng, lộng lẫy và kiêu sa. Vậy mà, bị người ta gán tội phản bội rồi ghét bỏ. Mình ra sức bảo vệ nhưng chị Ngà vẫn bảo là rất ghét màu vàng. Chị ấy là con gái mà vẫn cố chấp, không dễ thương như con bé hàng xóm của mình. Con bé người Mễ có đôi mắt đen thẳm nằm dưới đôi mi dày mượt. Đôi mắt đen ấy buồn dịu dàng nhưng mình chỉ thích nụ cười của con bé. Nó cười giống mẹ mình, giống chị Ngà, nụ cười rất Việt Nam, hồn nhiên và thân thiện. Nhưng mình chỉ dám nói với nó mấy câu xã giao mỗi khi ra vào gặp nhau vì bố mẹ nó rất dữ. Mỗi lần họ cãi nhau tưởng như thế giới sắp nổ tung.
Ngày... tháng...
Số tiền của mình để dành nhiều lên thấy rõ, không bỏ công mình những ngày chủ nhật đi làm. Mấy thằng em bên nhà nghe mình đi rửa nhà vệ sinh cho người ta chắc sẽ nhăn mặt. Bọn nó được cha mẹ tưng tiu, bao bọc kỹ quá, chỉ nấu cơm, quét nhà mà cô chú mình đã xót. Mình còn mong làm ra nhiều tiền hơn nhưng phải đợi, số tiền mình có còn lâu lắm mới đủ để đưa ba sang đây sống với mình.
Ngày... tháng...
Chị Ngà báo ở bên nhà vừa bị cơn bão Sangxane rất kinh khủng. Nhà cửa bị sập, người ra biển không về, trẻ con mất cha, mất mẹ. Chưa bao giờ mình xúc động như bây giờ. Dường như, sau lần về Việt Nam, mình đã thay đổi, mình nghĩ nhiều về bên đó để mà nhớ và buồn. Trước đây, mình vô tư hơn, nếu lúc đó mình hay tin bão ở Việt Nam đổ vào thành phố Đà Nẵng thì vẫn dửmg dưng - Đà Nẵng hoặc một nơi nào đó như ở Olean hồi năm trước chẳng hạn, cũng thế thôi. Nhưng bây giờ, mình biết, Đà Nẵng là quê ngoại của mình, ở đó có một ngôi làng mẹ mình đã lớn lên, đã sống thuở mẹ bằng mình bây giờ. Bà ngoại gọi điện cho mẹ, hai người nói chuyện rất lâu. Khi bỏ điện thoại xuống, mẹ quẹt mấy giọt nước mắt rồi ngồi buồn hiu. Ngày hôm sau, mẹ gửi một số tiền về bên nhà để chia sẻ với đồng bào bị bão lụt, trong đó, có một ít là của mình. Chị Ngà biết chắc sẽ không còn mắng mình là kẻ mất gốc, vô tình.
Ngày... tháng...
Mình 15 tuổi ngày hôm qua. Mẹ vẫn đi làm bình thường, chỉ để trên bàn tiền mừng sinh nhật. Anh Hai đêm qua không về nhà, chắc là không nhớ gì. Nhưng chị Ngà không quên, chị gửi lời chúc mừng sinh nhật kèm theo tấm ảnh có vô số ngôi sao đủ màu.
Mình nghĩ ra một điều, cuộc sống vẫn trôi qua với muôn vẻ, đều đặn đến nỗi người ta không ý thức được nó đang trôi đi. Cuộc sống trôi qua và mang theo nhiều thứ vào quên lãng, nhưng có những thứ người ta không bao giờ quên được. Nhớ để buồn hay nhớ để vui thì cũng thế. Dạo này, mình không còn so sánh bên này với bên kia, không còn nhớ đến nỗi không ngủ được như dạo từ Việt Nam sang lại bên này. Nhưng mình vẫn nhớ rõ mọi thứ, nỗi nhớ thật êm đềm đủ để mình dặn lòng là sẽ trở về nơi đó không phải một mà rất nhiều lần. Vì sao, mình chưa hiểu ra và để làm gì mình cũng chưa tính tới. Nhưng rất cần thiết phải trở về.
Hai cây hoa hồng vàng mới nở thêm một bông đúng vào ngày mình 15 tuổi. Mình đã chụp hình bọn nó và sẽ gởi cho chị Ngà. Hôm nay, mình rất vui”.
Trang blog của Dũ đột nhiên không còn chữ nào ngoài tên của nó. Chẳng biết Dũ đang nghĩ gì. Đợi mấy ngày không đọc được chữ nào của Dũ, tôi cảm thấy thiêu thiếu và đâm ra buồn vớ vẩn. Dạo này, Dũ viết thư như một ông già, nó lớn hơn tuổi 15, dù biết rằng, thế nào người ta cũng phải lớn lên, vấn đề là sớm hay muộn mà thôi.
Ngày thứ ba, tôi mừng suýt reo lên khi thấy những dòng chữ đỏ dần dần hiện ra trên nền màu đen của màn hình. Dũ viết: “Chào. Mình nghỉ mấy ngày để về nhà mới. Mình hiểu ra tất cả mọi điều, bà ngoại hứa sẽ đưa mình về Việt Nam vào tết năm tới, vui lắm!”.
Tôi cũng vui, rê chuột để đọc mấy mẩu nho nhỏ mà Dũ sưu tầm ở đâu đó. Cuối trang là hình hai cây hoa hồng nhỏ, có mấy bông màu vàng nở ra thật đẹp trên nền cỏ xanh thắm - tôi định chuyển trang thì dòng chữ thật ngắn hiện ra: “Con bé người Mễ hàng xóm theo bố mẹ dọn nhà đi rồi. Nó chẳng chào mình gì cả”. Xém chút nữa thì tôi bỏ qua thông tin này, câu cuối cùng của Dũ làm tôi bật cười: “Vừa mới vui đó, bây giờ lại buồn. Buồn đến ngẩn ngơ”.
Ôi! Dũ!