Giới lãnh đạo Italy bày đỏ quan điểm phản đối lệnh cấm xe xăng của Liên minh châu Âu. Ảnh: Carscoops
Trang tin Carscoops cho hay Italy là quốc gia châu Âu đầu tiên bày tỏ mong muốn Liên minh châu Âu (EU) sẽ đình chỉ đề xuất cấm bán ôtô động cơ đốt trong (ICE).
Cụ thể, ông Matteo Salvini – Bộ trưởng Giao thông của đất nước hình chiếc ủng – tuyên bố rằng lệnh cấm nói trên không mang bất kỳ ý nghĩa nào về kinh tế, môi trường hay xã hội.
Matteo Salvini, vốn nổi tiếng với lập trường đối nghịch EU, cho rằng lệnh cấm nằm trong lộ trình điện khí hóa giao thông tại châu Âu thực chất không giúp ích gì cho môi trường, thậm chí gọi đó là “chủ nghĩa cơ bản giả tạo về môi trường”.
Chính trị gia này cũng cho rằng hàng chục nghìn công nhân sẽ phải đối diện cảnh thất nghiệp một khi ôtô chạy xăng bị cấm bán tại thị trường lục địa già.
Trước đó vào cuối tháng 10, Liên minh châu Âu chính thức ra tuyên bố sẽ cấm bán ôtô sử dụng động cơ xăng và diesel kể từ năm 2035.
Cụ thể, cơ quan điều hành của EU, quốc hội cùng các quốc gia thành viên đã hoàn tất một thỏa thuận về cơ bản để hướng đến loại bỏ hoàn toàn phương tiện trang bị động cơ đốt trong trong vòng 12 năm tới.
Lãnh đạo Italy phản ứng với lệnh cấm bán xe xăng tại châu Âu. Ảnh: EV Ultimo
Theo Bloomberg, ông Matteo Salvani cũng không đồng tình với kế hoạch giới thiệu tiêu chuẩn khí thải Euro 7 mà EU dự định thực hiện vào năm 2025, với mục đích cắt giảm thêm 25% lượng khí thải oxit nitơ.
Quan điểm này nhận được sự ủng hộ từ ông Carlos Tavaes, CEO của hãng xe Stellantis. Cụ thể, lãnh đạo của hãng ôtô có trụ sở ở Hà Lan cho rằng động thái nói trên sẽ chỉ làm chậm quá trình điện khí hóa trên phạm vi toàn ngành.
Khi giá điện ngày một tăng và gần như sẽ lập đỉnh mới tại châu Âu, người dân tại nhiều vùng khác nhau của lục địa già phải đối mặt với khả năng chịu cảnh mất điện vào mùa đông năm nay. Đi cùng với đó sẽ là hàng loạt câu hỏi được đặt ra về tính bền vững của việc điện khí hóa hoàn toàn hoạt động giao thông vận tải.
Được biết, Thụy Sĩ là quốc gia đầu tiên xem xét các lệnh cấm ôtô điện nếu không thể đáp ứng nhu cầu về điện trong những tháng sắp tới.
Trong khi đó, Italy từ lâu đã bày tỏ sự phản đối dành cho mục tiêu loại bỏ dần các phương tiện giao thông sử dụng động cơ đốt trong mà EU đặt ra.
Đầu năm nay, Italy cùng với Bulgari, Bồ Đào Nha, Romania và Slovakia đã cùng nhau đề xuất Liên minh châu Âu hoãn thời điểm thực hiện ngừng bán các phương tiện sử dụng nguyên liệu hóa thạch đến năm 2040.
Hồi năm 2021, có nguồn tin tiết lộ Italy đã tiến hành đàm phán với Liên minh châu Âu để miễn trừ lệnh cấm xe xăng cho những thương hiệu siêu xe của nước này như Ferrari, Lamborghini hay Pagani, vốn sở hữu sản lượng tương đối thấp so với mặt bằng chung của thị trường.
Riêng Bộ trưởng Matteo Salvini của quốc gia ven biển Địa Trung Hải từng đề xuất EU tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý trước khi chính thức ban hành lệnh cấm. Vị này cho rằng đội ngũ công nhân đang làm việc cho các nhà máy sản xuất ôtô truyền thống là những người cần được trao cơ hội để bày tỏ ý kiến.