Quốc hội Mỹ đang tước đoạt quyền lực của ông Trump

Hóa ra việc các nghị sĩ Cộng hòa chiếm ưu thế ở cả Thượng viện lẫn Hạ viện chưa chắc đã đảm bảo con đường trải sẵn nhung cho Tổng thống Mỹ Donald Trump trong nhiều vấn đề.

quoc hoi my dang tuoc doat quyen luc cua ong trump

Sau cuộc chiến với nhánh tư pháp (vụ sắc lệnh nhập cảnh), tổng thống Trump đang đứng trước sự nghi kị có thể dẫn tới cuộc đối đầu với ngành lập pháp - Ảnh: Reuters

Từ chuyện lớn đến nhỏ, Quốc hội Mỹ đang thể hiện sức mạnh và tước đoạt quyền lực ý chí của tổng thống Trump trong các vấn đề an ninh quốc gia và đối ngoại.

Những người Cộng hòa ở Quốc hội đã trở thành một lực lượng kiểm tra và đối trọng với Nhà Trắng. “Thậm chí, đôi khi trong một số vấn đề, việc họ cần làm chỉ đơn giản là phớt lờ những mong muốn của chính quyền Trump liên quan tới an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại”, đài truyền hình CNN viết.

Dẹp sang một bên những bình luận, tuyên bố của ông Trump về Nga, Thượng viện Mỹ gần đây đã thông qua các biện pháp trừng phạt bổ sung Matxcơva. Bất kỳ quyết định dỡ bỏ cấm vận nào của tổng thống phải cần nhận được sự chấp thuận của Thượng viện. Các ủy ban của Quốc hội Mỹ thông qua 3 gói ngân sách quốc phòng trị giá 30 tỉ USD sau khi đề xuất chi ngân sách của ông Trump bị than phiền là “keo kiệt”.

Nhưng bất ngờ nhất là chuyện Ủy ban Phân bổ ngân sách Hạ viện Mỹ bỏ phiếu chấp thuận việc bãi bỏ Ủy quyền sử dụng quân đội 2001 hồi tuần này. Đây vốn là cơ sở pháp lý cho sự can thiệp của Mỹ vào cuộc chiến ở Iraq, Syria và Afghanistan.

Nói như Mieke Eoyang, chuyên gia phân tích an ninh quốc gia Mỹ, các nghị sĩ Cộng hòa đã bắt đầu nghi ngờ tư chất và tầm nhìn của người đứng đầu nước Mỹ.

“Đó là lý do vì sao Quốc hội đang ngày càng thể hiện vai trò tích cực trong vấn đề an ninh quốc gia, lần đầu tiên sau một thời gian rất dài”, CNN dẫn lời ông Eoyang nhận định.

quoc hoi my dang tuoc doat quyen luc cua ong trump

Đã bắt đầu có những nghi ngờ về tư chất và khả năng nắm bắt những vấn đề phức tạp của ông Trump bên trong Quốc hội Mỹ - Ảnh chụp màn hình

Lập pháp đối đầu Hành pháp

Tất nhiên, Quốc hội Mỹ sẽ không thể tước hết quyền lực của một tổng thống. Tổng thống cũng không có quyền kêu la đang bị o ép bởi Quốc hội đang làm đúng quy định. Điều này xuất phát từ mô hình tam quyền phân lập và cơ chế kiềm tra - đối trọng trong chính trị Mỹ.

Những động thái gần đây từ Quốc hội, như đã nhắc ở trên, mang tính biểu tượng nhiều hơn là thực tế.

“Quốc hội đang muốn xác quyết một số chuyện trong lúc tiến trình liên quan tới an ninh quốc gia còn lộn xộn. Tôi nói thẳng là họ đang muốn kiểm tra-đối trọng với chính quyền này khi từ chối cấp ngân sách cho các đề xuất của chính phủ, hoặc hoãn việc cấp tiền cho các cuộc chiến cho tới khi có một chiến lược rõ ràng”, nhà phân tích quốc phòng Loren DeJonge Schulman thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới nhận định.

Trên thực tế, những nỗ lực gây khó dễ kiểu này đã từng xảy ra dưới thời cựu tổng thống Barack Obama khi ông muốn đóng cửa nhà tù trên vịnh Guantanamo ở Cuba và rút lại thẩm quyền giám sát, theo dõi của các cơ quan Mỹ.

Bước sang thời ông Trump, với nhóm an ninh quốc gia gồm Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Cố vấn an ninh quốc gia H.R McMaster và Giám đốc cơ quan tình báo Dan Coats, những lãnh đạo Cộng hòa tại Quốc hội đã tin tưởng bộ ba dày dặn kinh nghiệm này sẽ giúp ông Trump đi đúng hướng.

Ông Trump được khen ngợi vì quyết định phát động không kích Syria bằng tên lửa Tomahawk, một phản ứng sau cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học bị quy trách nhiệm cho quân đội chính phủ Syria hồi tháng 4. Nhưng trong nhiều trường hợp, nhà lãnh đạo Mỹ dường như đã buông lơi nhóm an ninh quốc gia, và các tuyên bố, hành động hoặc thiếu hành động của ông Trump đã làm dấy lên những phản ứng mạnh mẽ trên đồi Capitol.

Thượng viện và Hạ viện Mỹ gần đây đã lần lượt ra tuyên bố, nhấn mạnh cam kết và trách nhiệm của Washington đối với Điều 5 NATO sau khi tổng thống Trump "quên" không nhắc tới chuyện này trong bài phát biểu tại trụ sở NATO ở Bỉ. Điều 5 quy định về phòng vệ tập thể, một trong những nguyên tắc của NATO khi sáng lập.

Loay hoay giải bài toán chiến lược

quoc hoi my dang tuoc doat quyen luc cua ong trump

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis mập mờ về những mong muốn xây dựng chiến lược lâu dài dưới thời chính quyền Trump - Ảnh: Reuters

Hơn 6 tháng sau khi nhậm chức, chính quyền ông Trump vẫn chưa có được các chiến lược an ninh quốc gia hay chính sách đối ngoại lâu dài và cụ thể. Mọi việc đến giờ vẫn là sự tiếp nối những gì đã có từ chính quyền tiền nhiệm.

Điển hình như vấn đề Triều Tiên. Tuyên bố chiến lược kiên nhẫn của ông Obama đã thất bại và chấm dứt, chính quyền Trump chọn cách phối hợp với Trung Quốc. Chuyện Triều Tiên từ bỏ hạt nhân chưa thấy đâu nhưng đã thấy ông Trump đã bắt đầu buông lơi và vỡ mộng khi hợp tác với Bắc Kinh.

Quay trở lại câu chuyện không kích Syria hồi tháng 4. Dù nó nhận được sự hoan nghênh của nhiều lãnh đạo thế giới và dư luận trong nước, nhưng những gì diễn ra sau đó đã cho thấy đó chỉ là một phản ứng tức thời của ông Trump. Nước Mỹ đã không có một chiến lược mới, rõ ràng nào đối với vấn đề Syria sau đó.

Việc Mỹ thả siêu bom xuống Afghanistan để tiêu diệt các cứ điểm của khủng bố Nhà nước Hồi giáo hơn một tuần sau vụ Syria cũng vậy. Có thể nó đã thành công khi cho thấy sức mạnh răn đe quân sự của Mỹ, nhưng ở mặt khác, nó lại cho thấy sự thiếu gắn kết và thiếu chiến lược trong cuộc chiến chống khủng bố của Washington.

Nói như một số nhà quan sát-bình luận, vụ không kích ở Syria hay ném siêu bom phi hạt nhân xuống Afghanistan là minh chứng nữa cho việc tính chiến thuật đã nuốt chửng chiến lược. Kiểu làm chính sách như thế này là cực kỳ nguy hiểm và có thể dẫn tới thảm họa nếu lặp lại Triều Tiên.

Trên thực tế, nhóm an ninh quốc gia của ông Trump đã cố gắng xây dựng các chiến lược riêng cho chính quyền mới nhưng họ vẫn còn làm theo kiểu thăm dò, chờ tổng thống bật đèn xanh. Bộ trưởng Quốc phòng Mattis, trong một cuộc điều trần mới đây ở Quốc hội, không phủ nhận nhưng cũng chẳng xác nhận chuyện đang xây dựng chiến lược tiếp cận của Washington đối với vấn đề Biển Đông.

"Khi tôi mới tới Lầu Năm Góc, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ gửi cho tôi một bản đề nghị tiến hành một đợt tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông.

Tôi là một trong những người đã từ chối ngay lập tức. Tôi nói tôi muốn thấy trong kế hoạch là chúng ta cần làm gì, như thế nào chứ không phải cứ tiến hành riêng rẽ từng đợt như vậy. Tôi muốn nó trở thành một chiến lược", người đứng đầu Lầu Năm Góc khi đó nhấn mạnh.

Theo Tuổi trẻ

Đọc thêm

Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Chính phủ Mexico hôm 12/11 (giờ địa phương) cho biết đã bắt giữ hơn 3.015 đối tượng và tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong các chiến dịch truy quét tội phạm được triển khai kể từ khi Tổng thống Claudia Sheinbaum nhậm chức ngày 1/10 đến nay.
Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Ngày 12/11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cho biết nước này sẽ tiếp tục dồn toàn lực tấn công phong trào Hezbollah tại Liban và sẽ không có lệnh ngừng bắn.