Quốc hội thảo luận dự án Luật về hội

Sáng 25/10, thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí cao với việc ban hành Luật về hội. Đây là điều được quy định từ Hiến pháp 1946 đến nay, nhằm thể chế hoá các quy định của Hiến pháp và pháp luật về hội của công dân Việt Nam.

quoc hoi thao luan du an luat ve hoi

Hạn chế quyền lập hội với cán bộ, công chức

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật về hội của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày cho biết, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là các trường hợp bị hạn chế quyền lập hội.

Dự thảo trình Quốc hội quy định, một trong các trường hợp bị hạn chế quyền thành lập hội và tham gia hội là “cán bộ, công chức chưa được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức”. Bởi, để thực hiện tốt chức trách của mình thì cán bộ, công chức cũng phải chịu sự hạn chế nhất định khi thực hiện quyền lập hội để không ảnh hưởng đến việc thực thi công vụ, bảo đảm tính độc lập, khách quan hoạt động quản lý Nhà nước.

Đồng thời, để bảo đảm với quy định tương ứng trong Luật Cán bộ, công chức liên quan đến bí mật Nhà nước, dự thảo cũng quy định: Cán bộ, công chức làm việc trong một số ngành, lĩnh vực và những người làm việc trong lực lượng vũ trang liên quan đến bí mật Nhà nước thì sau 5 năm kể từ ngày nghỉ hưu hoặc thôi làm nhiệm vụ đó mới được tham gia sáng lập hội, đăng ký thành lập hội, lãnh đạo, điều hành hoạt động hội.

Về quy định này, đại biểu Cao Đình Thường (Phú Thọ) cho rằng, dự thảo cần quy định rõ hơn là những cán bộ, công chức không được sáng lập, đăng ký thành lập, lãnh đạo hội có liên quan đến lĩnh vực công tác trước đó của cán bộ, công chức. Vì, có những cán bộ, công chức hoạt động lĩnh vực này, sau khi nghỉ hưu họ sáng lập, lãnh đạo hội khác không liên quan đến công việc trước đó, thì không nên hạn chế đến 5 năm.

Về đăng ký thành lập hội, dự thảo đưa ra hai loại hội: Một là hội có đăng ký và có tư cách pháp nhân do Luật về hội điều chỉnh; hai là hội do công dân Việt Nam thành lập nhằm mục đích gặp gỡ, giao lưu không phải đăng ký, không có tư cách pháp nhân và không chịu sự điều chỉnh của Luật về hội.

Giải trình về vấn đề này, UBTVQH cho rằng: Theo quy định tại Điều 25 của Hiến pháp, công dân có quyền lập hội, nhưng việc thực hiện quyền này do pháp luật quy định. Vì vậy, Điều 11 của dự thảo quy định công dân thành lập hội phải đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là phù hợp với Hiến pháp.

Đối với quy định “Lĩnh vực hoạt động chính không trùng lắp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động”, có hai loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, quy định như trên không tạo được cơ chế khuyến khích các hội nâng cao chất lượng hoạt động và sẽ là hạn chế quyền lập hội của công dân. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, quy định như trên là phù hợp nhằm tránh tình trạng thành lập hội tràn lan, phức tạp trong việc huy động nguồn lực xã hội, đồng thời phòng ngừa lợi dụng việc thành lập hội để hoạt động trái tôn chỉ, mục đích của hội, trái pháp luật, gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước.

Theo UBTVQH, cả hai loại ý kiến trên đều cần phải cân nhắc tiếp thu, để bảo đảm đồng thời cả hai yêu cầu là vừa bảo đảm quyền lập hội của công dân, vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, dự thảo có quy định các hành vi bị nghiêm cấm, đồng thời quy định điều kiện thành lập hội là phải có tôn chỉ, mục đích phù hợp với quy định của pháp luật. Phạm vi, lĩnh vực hoạt động của hội được xác định rõ theo ngành, nghề, lĩnh vực quản lý Nhà nước.

‘Cởi trói’ cho hoạt động của các hội nghề nghiệp

Để “cởi trói” cho hoạt động của các hội, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cho rằng, chúng ta cần tin tưởng giao quyền và cơ chế cho hội để bớt gánh nặng cho Nhà nước và tăng cường vai trò của hội và hội viên để phát huy hiệu quả, sức mạnh của hội, chứ không phải chỉ là nơi tập hợp “những người về hưu”.

Đồng thời không nên giới hạn quyền hợp tác quốc tế của các hội chuyên môn, bỏ tư duy không quản được thì cấm, qua đó tập hợp được quần chúng, phát huy sức mạnh và hiệu quả hoạt động của các hội hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương thì cho rằng, cần quy định rõ: Không cho phép các hội làm những việc thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý Nhà nước, mà bài học về việc Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đứng ra công bố về asen trong nước mắm truyền thống vừa qua là ví dụ.

Về quy định không liên kết, gia nhập và nhận tài trợ từ nước ngoài, nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo cần cân nhắc quy định linh hoạt, mềm dẻo cho phù hợp với điều kiện thực tiễn cuộc sống, vì có một số hội vẫn có nhận tài trợ từ nước ngoài như Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các hội chuyên môn khác... Cần cân nhắc kỹ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ, trường hợp nào không được nhận tài trợ từ nước ngoài. Có như vậy mới tạo điều kiện cho các hội chủ động tham gia hội nhập quốc tế trong chuyên môn của mình.

Theo UBTVQH, hiện nay cả nước có khoảng 63.000 hội có đăng ký và đang hoạt động. Số lượng hội có liên kết, gia nhập, nhận tài trợ nước ngoài không nhiều, do đó, đối với các trường hợp đặc biệt này sẽ do Chính phủ quy định cụ thể là hợp lý.

Đề cập đến sự cấp thiết ban hành Luật về hội, các đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi), Võ Đình Tin (Đắk Nông), Lê Xuân Thân (Khánh Hoà) nhất trí cao với việc thông qua dự thảo luật tại kỳ họp này nhằm bảo đảm quyền của công dân, phát huy và tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước với hội.

Đây là đạo luật được nhân dân mong đợi Quốc hội xem xét, thông qua vì đã được quy định trong các bản Hiến pháp của nước ta từ năm 1946 về quyền lập hội của công dân.

Theo chinhphu.vn

Đọc thêm

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải ghi nhận các ý kiến tâm huyết của cử tri và giao các sở, ngành Hà Tĩnh và các địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân

Chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân

Lãnh đạo tỉnh, ngành cấp tỉnh mong muốn bà con nhân dân tiếp tục xây dựng khối đại đoàn kết ngày càng bền vững, cùng nhau góp sức xây dựng đô thị thị xã Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh văn minh, hiện đại.