Trưởng ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, việc kéo dài thêm một giờ 30 phút làm việc của Quốc hội trong khi thảo luận về kinh tế - xã hội, là để đáp ứng nguyện vọng của đại biểu và cử tri về việc có thêm nhiều ý kiến trao đổi, tranh luận trên hội trường.
Phiên làm việc của Quốc hội ngày 9/6 sẽ kéo dài đến 18h30. Ảnh: Gia Linh. |
Về tình hình kinh tế - xã hội, một trong những chủ đề được nhiều đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận tổ ngày 25/5 là chỉ tiêu tăng trưởng.
Theo Uỷ ban kinh tế, tăng trưởng chưa thực sự bền vững, quý I/2017 ước tính tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng thấp nhất so với những năm gần đây. Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7% của cả năm 2017, các quý còn lại phải tăng trung bình trên 7%, nhưng với điều kiện và tình hình thực tế thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3-6,5%.
Cơ quan này cũng cho rằng, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giải pháp thực hiện việc tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô và hoạt động khai khoáng, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng.
Hiện lãnh đạo ngành dầu khí đã khẳng định sẽ phấn đấu khai thác thêm một triệu tấn dầu và một tỷ m3 khí, qua đó phấn đấu cả năm sẽ đạt 13,28 triệu tấn dầu và 10,6 tỷ m3 khí (đóng góp thêm khoảng 0,25% mức tăng GDP).
Ngoài ra, nhiều đại biểu quan tâm đến 12 dự án thất thoát, thua lỗ lớn và xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức liên quan.
Theo báo cáo của Chính phủ, tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án là 43,6 nghìn tỷ đồng, sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên 63,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 22,56%; vốn vay chiếm 74,6%; còn lại 2,84% là từ các nguồn khác.
Tổng số lỗ lũy kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm 31/12/2016 là 16,1 nghìn tỷ đồng, tổng số vốn chủ sở hữu của các nhà máy này còn lại là gần 4 nghìn tỷ đồng. Tổng tài sản của 12 dự án là 57,7 nghìn tỷ đồng; tổng nợ phải trả là 55 nghìn tỷ đồng. Tổng số vốn đã giải ngân của 03 dự án dở dang, đang bị dừng thi công là 8,6 nghìn tỷ đồng, trên tổng nguồn thanh toán dự kiến là 13 nghìn tỷ đồng.
Liên quan đến công tác cán bộ, nhiều đại biểu bày tỏ bức xúc trước việc một số trường hợp bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định. Cụ thể, có 9 địa phương (Hà Giang, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Đắk Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Yên Bái, Đà Nẵng) có 58 trường hợp là người nhà; 10 trường hợp vi phạm về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ nhiệm; hiện tiếp tục có phản ánh tại Hải Dương, Hải Phòng và đang được kiểm tra, làm rõ.
Sở Nông nghiệp Thanh Hóa có 8 phó giám đốc; Sở Tài nguyên Bình Định có 6 Phó giám đốc. Sở Lao động Hải Dương có 44 lãnh đạo trong tổng số 46 công chức; Sở Nông nghiệpThái Nguyên bổ nhiệm thừa 23 lãnh đạo...