Né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, “ngồi im” không còn là cách thức an toàn để “giữ ghế” của cán bộ các cấp sau ngày 23/5/2024. Đây là thời điểm ra đời Quy định số 148-QĐ/TW của Bộ Chính trị về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Các cán bộ “ngồi im” lấy lý do là có sự chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập trong các quy định của pháp luật nên họ rất dễ vô tình phải hứng chịu trách nhiệm hình sự. Họ tự tin cho rằng không làm thì không sai, không sai thì không thể mất chức, cùng lắm là đứng trước cuộc họp kiểm điểm do thiếu nhiệt huyết, còn hơn là đứng trước vành móng ngựa (!). Họ chỉ nghĩ cho bản thân, bo bo giữ chiếc ghế, đẩy khó khăn cho người dân và làm đứt gãy các hoạt động kinh tế, sản xuất.
Lấy ví dụ chuyện giải ngân vốn đầu tư công. Vốn đã được Nhà nước phân bổ, có dự án rồi nhưng cán bộ đùn đẩy trách nhiệm khiến cho vốn không giải ngân được, công trình không hoàn thành, gây hậu quả không thể đo đếm được.
Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo, quy định về tăng cường trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Thủ tướng Chính phủ cũng nhiều lần đôn đốc các cấp, các ngành tích cực, chủ động trong thực thi nhiệm vụ. Kết quả có thể nhìn thấy rõ qua các chỉ số phát triển kinh tế-xã hội của đất nước vẫn tiếp tục có những tiến triển đáng ghi nhận.
Dù “căn bệnh sợ trách nhiệm” mới xuất hiện ở một số cán bộ các cấp nhưng nếu như không kịp thời ngăn chặn, nó sẽ âm thầm lây lan, có nguy cơ trở thành “dịch,” cản trở sự phát triển của đơn vị, địa phương, rộng ra là của cả nước. Bởi vậy, Quy định số 148-QĐ/TW là một giải pháp chủ động của Đảng để ngăn chặn những biểu hiện mới nảy sinh của một bộ phần cán bộ, đảng viên trong quá trình phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước.
Theo Quy định số 148-QĐ/TW của Bộ Chính trị, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị (gọi tắt là người đứng đầu cơ quan) có thẩm quyền tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Khái niệm cán bộ ở đây là cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và đơn vị sự nghiệp công lập.
Nội dung đáng lưu ý trong Quy định số 148-QĐ/TW nằm ở khoản 2, Điều 4, Chương II: Cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao sẽ bị tạm đình chỉ công tác.
Theo quy định mới này, câu thần chú “ngồi im để an toàn” hết thiêng. Trước khi bị cách chức chính thức thì cán bộ “ngồi im” sẽ nhanh chóng bị tạm đình chỉ công tác.
Sự ra đời của Quy định số 148-QĐ/TW là cần thiết nhằm giải quyết ngay lập tức việc ùn tắc, đứt gãy trong các hoạt động dân sự, kinh tế-xã hội. Lý do là quy trình hiện nay về việc giáng chức, cách chức, cho thôi việc đối với cán bộ, công chức, viên chức đòi hỏi nhiều thủ tục và thời gian. Trong khi đó, mỗi giờ, mỗi ngày đều quý giá đối với sự phát triển của đất nước.
Thời hạn để ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ trong trường hợp cần thiết theo Quy định số 148-QĐ/TW rất ngắn - không quá 15 ngày làm việc, nếu phải gia hạn tối đa không quá 15 ngày làm việc.
Thủ tục tạm đình chỉ công tác cũng nhanh chóng: Khi xác định có căn cứ tạm đình chỉ công tác được quy định tại Điều 4, Điều 5 của Quy định này thì chậm nhất sau 2 ngày làm việc, cơ quan (bộ phận) tổ chức cán bộ (nhân sự) có trách nhiệm tham mưu người đứng đầu ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ.
Chậm nhất sau 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề xuất của cơ quan (bộ phận) tổ chức cán bộ (nhân sự), người đứng đầu ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ.
Quyết định tạm đình chỉ công tác được gửi đến cán bộ bị tạm đình chỉ công tác, công bố trong cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ và gửi đến cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.
Dư luận trong và ngoài bộ máy nhà nước đồng tình với Quy định số 148-QĐ/TW bởi không có lý do để bao biện cho “căn bệnh sợ trách nhiệm". Các trường hợp “ngồi im” thường rơi vào ba nguyên nhân: Nhận thức kém về trách nhiệm công vụ; sa sút về đạo đức, thờ ơ trước nhu cầu của người dân và đòi hỏi của xã hội; thiếu bản lĩnh, trình độ chuyên môn nên e ngại, không dám thực thi nhiệm vụ.
Quy định 148-QĐ/TW còn là một cách gián tiếp khuyến khích cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao./.