Công an tỉnh An Giang vừa triệt phá đường dây lưu hành tiền giả do Lê Minh Tuấn (45 tuổi, ngụ huyện Thường Tín, Hà Nội) và đồng bọn thực hiện. Đây là đuờng dây lưu hành tiền giả lớn, liên quan đến nhiều đối tượng, ở nhiều tỉnh, thành khác nhau từ Bắc vào Nam.
Theo điều tra ban đầu, ngày 21/5, tại phường Núi Sam, TP. Châu Đốc (An Giang), lực lượng Công an bắt quả tang 2 đối tượng là Huỳnh Hữu Tâm (25 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang) và Lý Tùng Lâm (29 tuổi, ngụ tỉnh Hậu Giang) đang mang giữ 102 tờ tiền polymer mệnh giá 100.000 đồng giả đi tiêu thụ.
Cơ quan ANĐT Công an An Giang kiểm tra số tiền giả bắt giữ trong vụ án. |
Các đối tượng lưu hành tiền giả trong vụ án bị bắt giữ. |
Tiếp tục mở rộng điều tra, Cơ quan Công an đã bắt giữ các đối tượng, gồm: Lê Minh Tuấn, Lê Thị Minh Hoa, Lưu Lam Sơn, Phạm Văn Thuận, Nguyễn Quốc Hùng, Nguyễn Văn Lập, Trương Hoàng Nhân, Nguyễn Văn Len, Huỳnh Quốc Trung, Huỳnh Thanh Quang, Nguyễn Thanh Tùng, Trần Thị Kim Loan, Nguyễn Thành Thái, Lê Thuý Hằng, Lê Thị Hoàng Oanh, Trần Minh Hợi, Trần Văn Lưu…
Tính đến ngày 8/11, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh An Giang đã khởi tố, bắt tổng cộng 19 đối tượng liên quan đến đường dây lưu hành tiền giả “khủng” này.
Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận: Năm 2007, sau khi chấp hành xong án phạt tù về tội “Lưu hành tiền giả”, Lê Thị Minh Hoa (41 tuổi, em ruột của Lê Minh Tuấn) tiếp tục câu móc với một số đối tượng ở TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh khu vực phía Nam tiêu thụ tiền giả. Trong quá trình đến Hà Nội, các đối tượng ở trong Nam quen biết với Lê Minh Tuấn – là đối tượng đầu nậu, từng có 1 tiền án về tội “Lưu hành tiền giả”.
Tính tới thời điểm bị bắt giữ, đường dây tiêu thụ tiền giả do Lê Minh Tuấn và đồng bọn thực hiện đã lưu hành trót lọt khoảng 500 triệu đồng tiền giả.
Thiếu tá Hoàng Mạnh Thắng, Phó Trưởng phòng ANĐT Công an An Giang, cho biết: Theo lời khai của các đối tượng, thì nguồn gốc tiền giả này được bọn chúng mua từ cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn giáp biên giới Trung Quốc.
Thông thường, sau khi lấy tiền giả về, chúng chia nhỏ cho nhau mang đi khắp nơi tiêu thụ, nhất là ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi người dân ít phân biệt giữa tiền thật và tiền giả. Khi lưu hành chúng không mang theo nhiều tiền giả đề nếu bị phát hiện thì chúng lấy lý do không biết là tiền giả nên nhầm lẫn…