Tàu ngầm USS Georgia (bên phải) đi qua Eo biển Hormuz. Ảnh: U.S. Navy
Đài Sputnik (Nga) đưa tin động thái trên là đòn răn đe mới nhất của Mỹ đối với Iran. Hải quân Mỹ xác nhận tàu USS Georgia còn được hộ tống bởi hai tàu chiến là Port Royal và USS Philippine Sea. USS Georgia thuộc lớp Ohio, có khả năng chở tối đa 154 tên lửa hành trình Tomahawk.
Việc tàu ngầm Georgia tiến vào Vịnh Ba Tư diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Iran đang leo thang, đặc biệt sau khi Ngoại trưởng Mike Pompeo cáo buộc các phiến quân được Iran hậu thuẫn đã phóng rocket vào khu vực Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad hôm 20/12.
Đài NPR (Mỹ) dẫn nguồn tin ngoại giao nước này cho biết vụ tấn công đã làm ít nhất 1 dân thường tử vong. Không có nhân viên đại sứ quán nào bị thương hay thiệt mạng.
Trong thông báo mới đây, Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad đã lên án vụ phóng rocket, coi đây là vụ tấn công vào chủ quyền của Chính phủ Iraq, đồng thời là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế. Cơ quan này hối thúc các nhà lãnh đạo Iraq triển khai kế hoạch ngăn chặn các vụ tấn công tương tự và trừng phạt những kẻ chịu trách nhiệm.
Một quan chức Hải quân Mỹ thừa nhận với kênh Fox News rằng hoạt động điều tàu chiến mới nhất tại Vịnh Ba Tư đã được lên kế hoạch từ lâu do ngày tưởng niệm 1 năm Tướng Qasem Soleimani bị ám sát đang đến gần, chứ không liên quan đến vụ tấn công Đại sứ quán Mỹ hôm 20/12.
Quan hệ giữa Iran với Mỹ và các nước khác đã trở nên đặc biệt căng thẳng sau khi nhà khoa hạt nhân hàng đầu nước này là ông Mohsen Fakhrizadeh bị sát hại hồi tháng trước.
Ông Fakhrizadeh bị ám sát trong một vụ tấn công bằng bom xe và xả súng ở thành phố Absard, gần thủ đô Tehran, hôm 27/11. Theo tình báo phương Tây và Israel, ông Fakhrizadeh là “cha đẻ” của chương trình hạt nhân của Iran. Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei tuyên bố nước này sẽ có hành động đáp trả, đồng thời khẳng định công trình nghiên cứu của ông Fakhrizadeh sẽ tiếp tục được thực hiện.
Iran đã nhiều lần cáo buộc phương Tây và Israel, cụ thể là Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan Tình báo Israel (MOSSAD), đứng sau hàng loạt vụ ám sát các nhà khoa học hạt nhân của nước này kể từ năm 2010.