Rối loạn lo âu - Vấn đề thường gặp trong thi cử

Cho đến nay, không thể không thừa nhận thực tế là có áp lực rất lớn từ các kỳ thi đối với đa số học sinh, sinh viên.

Cho đến nay, không thể không thừa nhận thực tế là có áp lực rất lớn từ các kỳ thi đối với đa số học sinh, sinh viên. Điều này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy như sợ học, rối loạn lo âu... Theo thống kê chưa đầy đủ, có đến 40% số học sinh sinh viên bị ảnh hưởng bởi rối loạn lo âu do thi cử, đặc biệt là trong các kỳ thi quan trọng.

Áp lực từ các kỳ thi

Những kỳ thi căng thẳng thường dẫn đến áp lực và lo lắng. Các triệu chứng thể chất như đau bụng, buồn nôn, tăng nhịp tim, đổ mồ hôi quá mức và nhức đầu nặng là rất phổ biến, cũng như các triệu chứng về nhận thức và tình cảm như thiếu tập trung, không có khả năng tổ chức, lo âu, sợ thất bại và mất lòng tự trọng là hoàn toàn bình thường. Nhưng nếu không được điều chỉnh đúng cách, chúng sẽ dẫn đến tâm trạng buồn bã, giận dữ, trầm cảm, lo âu và các cơn hoảng loạn.

Do tâm lý căng thẳng, lo lắng, nhiều học sinh, sinh viên bị suy nhược về cơ thể, biểu hiện ban đầu có thể là choáng váng, đau đầu mất ngủ, lo âu, chán chường, không thiết tha ăn uống, không vệ sinh tắm rửa, những trường hợp nặng hơn thì thường sợ hãi, khóc lóc, hoang tưởng…, thậm chí còn tự tử. Sự kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô, bạn bè vô hình đã trở thành áp lực đối với các em. Nhiều năm gần đây, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cứ sau mỗi kỳ thi đại học, cao đẳng đều có khoảng 2-3 vụ học sinh tự tử vì trượt đại học. Bên cạnh đó, con số các bệnh nhân đến khám tâm thần vì sốc, hay trầm cảm do trượt đại học cũng tăng đáng kể. Những vụ học sinh tự tử chỉ vì bị mắng do không chuyên tâm học hành, mải chơi, thi không đạt được kết quả như mong đợi…

roi loan lo au van de thuong gap trong thi cu

Việc ôn thi khiến nhiều học sinh mắc bệnh rối loạn lo âu.

Trước và sau kỳ thi đại học, cao đẳng, rất nhiều bệnh nhân tâm thần là các em học sinh đến khám và điều trị bệnh về tâm thần do gặp phải áp lực thi cử, chủ yếu là các em nữ, vì các em vốn có tinh thần, thể chất nhạy cảm, yếu đuối hơn các em nam.

Muốn phát hiện ra bệnh sớm thì gia đình thường phải có một thời gian dài quan sát con em mình, thông qua các biểu hiện ban đầu. Nếu thấy có nhiều triệu chứng bất thường thì cần đưa con đi khám bác sĩ chuyên khoa ngay để có những chẩn đoán, từ đó can thiệp, điều trị sớm. Tuy nhiên, kiến thức y tế của nhiều bậc phụ huynh hiện nay vẫn còn thiếu, họ không thường xuyên theo dõi tâm sinh lý cũng như ít khi hướng dẫn con cái đi kiểm tra sức khỏe và thường kỳ vọng quá lớn, luôn coi con mình là “ngôi sao sáng”. Chính điều này đã vô tình khiến con cái bị bệnh lúc nào không hay.

Rối loạn lo âu là gì?

Rối loạn lo âu là sự sợ hãi quá mức, không có nguyên nhân, do chủ quan của người bệnh và không thể giải thích được do một bệnh tâm thần khác hoặc do một bệnh cơ thể. Rối loạn lo âu là rối loạn mà bệnh nhân không thể kiểm soát, được biểu hiện vững chắc, mạn tính và khuyếch tán dưới dạng kịch phát. Bệnh nhân có rối loạn lo âu, đặc biệt hoảng sợ, thường kèm theo các rối loạn chức năng xã hội và có nguy cơ lạm dụng thuốc cao hơn người bình thường.

Rối loạn lo âu thường có biểu hiện bồn chồn, bứt rứt, khó chịu, đứng ngồi không yên, vã mồ hôi, run tay chân, ngủ kém, cảm giác đau đầu, đau dạ dày, căng đau ở cơ, cảm xúc không ổn định: khóc lóc, lo lắng và phản ứng quá căng thẳng trước những sự việc thường nhật hàng ngày và không thể nào chấm dứt được sự lo lắng đó. Biểu hiện chậm chạp, thường xuyên vắng mặt ở lớp học, ít tham gia vào các hoạt động giao lưu với bạn bè ở lớp. Trẻ lo lắng quá mức để làm thế nào có thể thành công khi tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí ở trường, lớp, luôn luôn mong muốn việc mình làm phải hoàn hảo.

Bệnh nhân rối loạn lo âu có nhịp tim nhanh, cảm giác tim mình đập rất nhanh, đập thình thịch hoặc nhịp tim tăng rất nhanh, vã mồ hôi, run rẩy chân tay hoặc rung tay, cảm giác khó thở, thở rất nông hoặc cảm giác ngột ngạt, sắp chết, cảm giác như là có người bóp cổ mình; cảm giác đau ở ngực, không thoải mái vùng ngực; buồn nôn hoặc đau ở vùng bụng, cảm giác như muốn ngất, đi không vững, đầu nhẹ bẫng hoặc như sắp sửa đột quỵ. Người bệnh có thể có cảm giác như là mình không còn ở môi trường mà mình đang sống nữa, họ thường mất kiểm soát bản thân mình và cảm tưởng như là mình sắp bị điên. Bệnh nhân có cảm giác rất sợ chết, có những cảm giác bất thường ví dụ như cảm thấy trong người mình tê cóng… cảm giác rùng mình, hoặc nóng bừng người. Bệnh nhân có kèm theo những biểu hiện buồn chán bi quan về tương lai, những mặc cảm tự ti…

Làm sao điều trị?

Bệnh rối loạn lo âu là một rối loạn về tâm thần diễn biến dai dẳng và khó điều trị dứt điểm. Hiện nay đang áp dụng hai phương pháp là dùng thuốc và trị liệu về hành vi nhận thức.

Vật lý trị liệu bằng hành vi nhận thức

Việc trị liệu bằng các liệu pháp hành vi nhận thức bao gồm nhiều nội dung khác nhau như là giáo dục về tâm lý, hướng dẫn cho bệnh nhân cách xử lý khi có những biểu hiện của lo âu, hoảng sợ như là tập thư giãn, tập hít thở sâu, hoặc có những liệu pháp phơi nhiễm với những yếu tố gây cho bệnh nhân lo âu và từ đó bệnh nhân sẽ dần dần thích nghi được với những hoàn cảnh gây ra tình trạng lo âu làm cho các triệu chứng sẽ hết dần.

Điều trị bằng thuốc

Nhóm benzodiazepine: Tác động lên các thụ cảm thể GABA tạo ra tác dụng chống rối loạn lo âu. Các loại thuốc có thời gian bán hủy khác nhau, từ 2 giờ với triazolam, đến 30 giờ với diazepam và 200 giờ với flurazepam. Thuốc có thể gây ra trạng thái phụ thuộc thuốc xuất hiện sau một thời gian dùng thuốc từ vài tháng trở lên. Các thuốc benzodiazepine thường dùng là: diazepam, chlordiazepoxide (napoton), oxazepam, alprazolam, nitrazepam, clonazepam (rivotril), tranxen.

Thuốc chống trầm cảm 3 vòng và đa vòng: Thuốc có hiệu quả tốt với các triệu chứng lo âu lan tỏa, ám ảnh, cơn hoảng sợ. Hiệu quả của thuốc thường xuất hiện sau 8-12 tuần. Thời gian điều trị cần kéo dài, tối thiểu từ 18 – 24 tháng. Các thuốc thường dùng là: Doxepin, amitriptylin, prothiaden, anafranil, ludiomil, mianserin.

Các thuốc chống trầm cảm mới: Có tác dụng tốt trên các rối loạn ám ảnh và cơn hoảng sợ kịch phát, ám ảnh - cưỡng bức. Hiệu quả của thuốc xuất hiện sau 8-12 tuần dùng thuốc. Thời gian điều trị kéo dài tối thiểu là 18-24 tháng. Với rối loạn ám ảnh- cưỡng bức có thể phải điều trị kéo dài. Các thuốc thường dùng: fluvoxamin, fluoxetin, paroxetin, venlafaxin, mirtazapin,…

Để không bỏ lỡ các kỳ thi…

Các chuyên gia khuyên các bạn học sinh, sinh viên nên:

Học vừa đủ, đúng thời gian, thời điểm.

Tìm cách thư giãn trước kỳ thi.

Ăn nhiều trái cây và rau quả, uống nhiều nước, tránh thức ăn ngọt, tập thể dục thường xuyên.

Hãy thử hít thở sâu, thiền, yoga... để đối phó với sự căng thẳng của kỳ thi.

Dành thời gian hàng ngày để thư giãn và tạo sự hài hước, vui vẻ, tìm cho mình sự chia sẻ về cảm xúc, chăm sóc cơ thể bạn về chế độ ăn, ngủ.

Giảm bớt áp lực học tập, tìm sự giúp đỡ của mọi người.

Có thời gian biểu, kế hoạch học tập một cách hợp lý, đặc biệt là giai đoạn cuối của những kỳ thi, học dồn ép nhiều, dễ gây ra nhiều bệnh lý do căng thẳng, mất ngủ.

Không nên sử dụng những chất kích thích như chè, café, rượu, các chất kích thích tâm thần để học vì rất dễ gây hưng phấn dẫn đến bệnh lý tâm thần.

Với các bạn học sinh khi có các biểu hiện trên cần đi khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được điều trị kịp thời hiệu quả, tránh những ảnh hưởng tiêu cực của căn bệnh này.

Cuối cùng, các bậc cha mẹ nên thông cảm với con em mình, cần từ bỏ những suy nghĩ áp đặt lên chúng. Cha mẹ cũng không nên đánh giá các em dựa trên điểm số trong các kỳ thi, mà nên nhìn vào tổng thể của đứa trẻ, xem xét những mặt giỏi, tiến bộ của con mình. Tuyệt đối, không bao giờ được chỉ trích, so sánh hoặc bêu xấu một đứa trẻ.

Theo SKĐS

Chủ đề Tư vấn sức khỏe

Đọc thêm

Tin nhanh diễn biến cơn bão số 8

Tin nhanh diễn biến cơn bão số 8

Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh cho biết, vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao 2,0-4,0m.
Dị ứng thời tiết có nguy hiểm không?

Dị ứng thời tiết có nguy hiểm không?

Dị ứng thời tiết xuất hiện quanh năm, đặc biệt là thời điểm giao mùa gây cảm giác rất khó chịu cho người bệnh. Dị ứng thời tiết có nguy hiểm không?
Chế độ ăn cho người bệnh suy giáp bẩm sinh

Chế độ ăn cho người bệnh suy giáp bẩm sinh

Với bệnh nhân suy giáp bẩm sinh, ngoài việc tuân thủ dùng thuốc theo phác đồ điều trị, chế độ dinh dưỡng cũng đóng một vai trò quan trọng đối với chức năng tuyến giáp, giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tin mới nhất về cơn bão Toraji

Tin mới nhất về cơn bão Toraji

Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh cho biết, từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, sau có khả năng đổi hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 5-10km.
Biển Đông sắp xuất hiện cơn bão mới

Biển Đông sắp xuất hiện cơn bão mới

Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, do tác động của Toraji, từ đêm 10/11, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12.
Yoga chệch chuẩn

Yoga chệch chuẩn

Mỗi người tập luyện yoga cần tìm hiểu, tuân thủ các quy tắc sinh hoạt cộng đồng, quy tắc đảm bảo ANTT nơi công cộng để hình ảnh vốn rất đẹp đẽ của yoga không bị méo mó.
Tư thế ngủ tốt nhất và tệ nhất cho sức khỏe

Tư thế ngủ tốt nhất và tệ nhất cho sức khỏe

Việc ngủ đủ 7 đến 9 tiếng mỗi đêm giúp hỗ trợ não bộ, tim mạch, hệ miễn dịch, làn da khỏe mạnh... Và tư thế bạn ngủ cũng rất quan trọng. Vậy đâu là tư thế ngủ tốt nhất và tệ nhất cho sức khỏe?