Hoa chạc quạch thường nở rộ vào tháng 2, tháng 3 và được người miền núi coi như sự khởi đầu tốt đẹp trong năm (Ảnh: Khánh Thành)
Cuối tháng 1, khi mưa xuân rây rây, những dây chạc quạch khô queo bắt đầu sinh chuyển, ươm nụ. Và tháng 2, tháng 3, khi trời đầy nắng, hoa chạc quạch cũng bắt đầu nở rộ tạo nên những mảng màu rực rỡ, sinh động trên những sườn núi miên man xanh. Màu đỏ ấy là lửa cháy trong tâm tư những người con xứ núi. Để dẫu có đi đâu về đâu, hình ảnh hoa chạc quạch luôn là hòn than hồng nồng đượm, ủ giữ những ký ức quê nhà.
Hoa chạc quạch có hình hài rất giống hoa phượng nên còn được gọi là phượng núi (Ảnh: Khánh Thành)
Hoa chạc quạch cũng như cây, như suối… có mặt trong đời sống của người miền núi một cách rất tự nhiên. Khi chúng tôi lớn lên đã thấy chạc quạch ở đó, trên những sườn núi, trong những rặng cây đường. Hoa lẫn vào người và người lẫn vào hoa. Bởi vậy, hoa có mặt trong rất nhiều ước lượng đời sống. Nhớ những đứa con ly hương, mẹ hiền đưa tay nhẩm đếm con đi xa đã bấy nhiêu mùa chạc quạch. Hàng cau trước ngõ cũng được cha được tính tuổi bằng những mùa hoa rực lửa. Bạn bè xa nhau lâu ngày gặp lại ngồi nhắc nhớ kỷ niệm rồi à ồ “đã mấy mùa hoa”… Tôi cũng thế, cũng luôn dành cho chạc quạch một “sổ đỏ” trong tâm tư mà không loài hoa nào có thể thay thế được…
Những rặng hoa chạc quạch đỏ rực ven đường luôn gợi về những ký ức tuổi thơ (Ảnh: Khánh Thành)
Bây giờ, mỗi lần về ngang qua dãy núi Mồng Gà, nơi có một rặng hoa chạc quạch đỏ rực bên sườn đông mái núi, tôi vẫn chưa thôi tự hỏi mình về tên gọi của hoa. Tôi nhớ, bạn bè tôi hồi ấy còn gọi chạc quạch là hoa phượng núi bởi ngoài thân và lá không giống cây phượng, còn lại cánh hoa và nhị hoa đều mang hình hài của hoa phượng. Thuở xưa, mỗi mùa hoa nở, lũ học trò chúng tôi lại cùng nhau lên núi hái hoa mang về ép trong vở và bắt đầu đợi mong kỳ nghỉ hè thơ ấu. Với chúng tôi, đó cũng là loài hoa học trò đặc biệt riêng có.
Hoa chạc quạch khi rụng xuống vương trên rặng cây tựa như những cánh bướm mùa xuân dập dờn (Ảnh: Khánh Thành)
Chạc quạch là loài thân dây, sống bán tầm gửi trên những rặng cây cổ thụ hoặc chen lẫn trong bụi dẻ, chạc chìu, cánh bướm… Không e ấp giấu mình vào thân lá như hoa dẻ, không tinh khôi, dịu dàng như chạc chìu, hoa chạc quạch là hình ảnh của một sơn nữ bạo liệt. Màu đỏ rực như lửa của hoa luôn gợi lên cho người ra nghĩ tới một sơn nữ dám nghĩ, dám tỏ bày và dám cháy cho điều mình theo đuổi.
Những rặng hoa chạc quạch đỏ rực tựa như những chấm đỏ định vị dẫn lối quay về (Ảnh: Khánh Thành)
Hoa chạc quạch có một sự gắn bó đặc biệt đối với những người được sinh ra ở núi, lớn lên ở núi, sống bằng những công việc gắn liền với núi. Những bông hoa đỏ rực như lửa ấy, trong quan niệm của người dân quê tôi là sự khởi đầu tốt đẹp nhất cho năm mới. Bởi thế, nếu trong nương rẫy, trong vườn của gia đình, có một rặng chạc quạch là điều may mắn. Người dân dẫu có lấy thân cây chạc quạch làm nông cụ cũng chỉ chọn những thân xấu nhất chứ không bao giờ phá bỏ rặng cây. Chính vì vậy, những rặng hoa chạc quạch hầu như chưa bao giờ thay đổi vị trí.
Và, mỗi mùa xuân đến, hoa lại cùng nhau thắp lửa. Với những đứa con xa quê, những đám hoa đỏ rực ấy chính là chấm đỏ định vị dẫn lối trở về…