Nhà nghiên cứu văn hóa Võ Hồng Huy sinh ngày 2/5/1925 tại làng Yên Điềm, xã Thịnh Lộc, huyện Can Lộc (nay là huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh); tạ thế ngày 25/3/2016 tại TP Hà Tĩnh. Xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước, cha mẹ mất sớm, ông phải bỏ dở trường lớp, đi dạy học để mưu sinh, vừa tự học thêm và tham gia hoạt động Việt Minh bí mật. Sau 40 năm hoạt động chính trị, từ cấp xã, tổng, lên huyện, ra Khu ủy Khu IV rồi trở lại Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Nghệ Tĩnh, ông đã kiên trì học thêm và lặng lẽ tích góp, thu nhặt vốn tri thức trong dân gian, sách vở, bạn bè. Khi được nghỉ hưu ở tuổi 60 (1984), ông đã “dấn thân” ngay vào “nghiệp” khảo cứu, sưu tầm, biên dịch…
Dù là “tự học” và làm “tay ngang” như nhà nghiên cứu văn hóa Võ Hồng Huy từng tự thuật, nhưng sau hơn 30 năm đam mê, kiên nhẫn, miệt mài, ông đã để lại một di sản hàng ngàn trang viết về địa chí, lịch sử, văn hóa, con người… của vùng đất Nghệ - Tĩnh; đặc biệt đã hình thành, khẳng định một phong cách sống, làm việc vừa khảng khái, cẩn trọng nhưng cũng hết sức khiêm nhường, chia sẻ; nhiều người đã tôn gọi ông là “Kẻ sĩ Ngàn Hống”...
Qua hơn 20 đầu sách đã xuất bản (trong đó có 5 cuốn in riêng) và hàng trăm trang bản thảo ông đã hoàn thành nhưng chưa xuất bản hoặc còn dang dở, có thể phân thành 4 mảng chủ yếu: (1) Khảo cứu, giới thiệu về núi sông, danh thắng, phong thổ, lễ hội, làng xã, dòng họ, danh nhân, sự kiện… tiêu biểu của xứ Nghệ; (2) Địa chí, lịch sử… của các địa phương; (3) Tác phẩm Hán Nôm (viết bằng văn xuôi, thơ, phú, câu đối) về địa chí, phong thổ, núi sông... (sưu tầm, biên dịch và khảo chú); (4) Thơ, câu đối, trướng mừng… bằng Hán, Nôm và quốc ngữ.
Điều dễ nhận biết nhất ở các tác phẩm của ông là sự phong phú, tính phát hiện và sự chính xác của tư liệu, cứ liệu. Ngồn ngộn tư liệu, tri thức về núi sông, sự kiện, văn hóa, làng xã, con người… hiện không còn hoặc đã mai một, biến dạng đã được ông kiểm định, khảo chứng và “trưng bày” qua từng trang viết, trong đó có những tư liệu quý hiếm, độc bản, riêng có. Trong một cuộc gặp để bàn thảo đề cương cuốn sách Đồng vọng tiếng Kiều của “Ba ông đồ Nghệ” (Vũ Ngọc Khánh - Võ Hồng Huy - Thái Kim Đỉnh), Gs. Vũ Ngọc Khánh nói vui: Mình và ông Đỉnh biết gì thì đã viết ra gần hết, còn ông Huy vẫn đang cất riêng cả một “kho” non nước Hồng Lam trong đầu! Quả là rất đáng tiếc vì ông vốn cẩn trọng, cầu toàn nên khá nhiều tư liệu quý về vùng đất, con người Xứ Nghệ được ông nhớ, thuộc lòng hoặc ghi chép tản mát đâu đó chưa kịp giới thiệu đã vĩnh viễn theo ông thoát khỏi cõi trần… Những ai từng và sẽ đọc tác phẩm của ông, có thể cảm nhận được giá trị thực sự của những tư liệu, tri thức được trình bày, thầm đặt giả thiết nếu không có ông và số ít những bạn đồng niên lớp giao thời giữa Nho học - Tây học - Tân học ở Hà Tĩnh, liệu có ai còn biết để viết ra? Khi ông và nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh ra đi, đã có nhiều bài viết nhắc đến hình ảnh những cây cổ thụ ngã xuống để lại cả một khoảng trời trống vắng...
Hầu hết các bài viết của ông đều khúc chiết, gọn ghẽ, có hướng đích khi nêu và giải quyết vấn đề, khác với phong cách thường thấy của người viết địa chí, lịch sử địa phương là tuần tự trình bày, kể chuyện, diễn giải theo tư liệu... Rất nhiều câu hỏi, gợi mở được đặt ra; có những vấn đề ông quả quyết đã “xử lý” cơ bản, có những điều còn tồn nghi chưa thể kết luận được thì để ngỏ cho người khác nhưng vẫn khơi gợi ra những hướng đi có thể. Có lẽ đó cũng là lý do ông viết ít, suy nghĩ rất kỹ trước khi đặt bút, có những bản thảo gạch xóa, sửa chữa hàng chục lần. Ngoài việc phải có đủ hoặc gần đủ tư liệu, chứng cứ, rồi thẩm định qua tàng thư, thực tiễn một cách chính xác, tỉ mỉ, bài viết của ông thường cố gắng lý giải được một vài vấn đề nào đó mà lịch sử để lại, hoặc trả lời được những câu hỏi khó của tự nhiên, quá khứ, hiện tại.
Núi Hồng ai đắp mà cao/ Sông Lam ai xới, ai đào mà sâu? Nhiều khi, những câu hỏi tưởng chừng vu vơ “hỏi để mà hỏi” trong dân gian lại thành những gợi ý cho các bài viết. Gọi lại được bao tên núi, tên sông đã chìm lặn vào ký ức; rửa sáng lại bao sự kiện, gương mặt đã lẩn khuất, lu mờ hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm quả là điều không dễ, vì như ông và một số bè bạn giờ hầu hết đã xa cõi tạm, lúc sinh thời thường nói đùa với nhau: Sao chúng ta lại “lẩn thẩn” đi chọn cái nghề “đáy biển mò kim”, “bắc thang lên hỏi ông trời”…
Văn phong thanh nhã, nhẹ nhàng mà chính xác…, một văn phong khoa học lại đậm chất trữ tình, đọc không thấy ngán - đó là nhận xét của nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh về hành văn của ông. Gần đây, đọc lại các tác phẩm của ông để làm tuyển tập, nhiều lúc tôi cũng ngạc nhiên trước cách lập luận, “lý sự” rất sắc bén và việc dùng câu chữ vừa dung dị, chính xác, nhiều lúc pha chút mượt mà, sinh động, khác hẳn thói quen phải nghiêm cẩn, sang trọng của những người am tường Hán Nôm. Nhớ lại kỷ niệm cách đây gần 20 năm, lúc gia đình chúng tôi còn ở Nghi Xuân, ông đưa một bài viết nhờ tôi gửi báo tỉnh; cậy mình “dân văn chương”, thấy ông viết các địa danh là “Da Lách”, “cầu Dà”, tôi nghĩ chắc viết sai nên chữa lại “Gia Lách”, “cầu Già”; khi báo đăng, ông đọc và tức giận lắm, dứ tờ báo ra trước mặt tôi và lẩm bẩm: Cái bọn biên tập này cứ tưởng người ta dốt, viết sai chính tả chăng… Tôi ngồi im nghe ông giải thích về nguồn gốc và tên gọi các địa danh mới “ngộ” ra sự nông cạn của mình. Mới biết, chữ nghĩa văn chương dù đã được đào tạo bài bản qua khoa cử cũng chỉ đang dừng ở lớp thao tác kỹ thuật bên ngoài; nền tảng, hồn cốt vẫn phải là vốn tri thức dày dặn bên trong, càng “thâm hậu” càng tự tỏa sáng, hay như câu nói của người xưa - hữu xạ tự nhiên hương…
Chắc chắn là một số công trình, bài viết của ông cũng không tránh khỏi những khiếm khuyết; đến cả việc chú giải địa điểm một đền/chùa khi biên dịch sách địa chí cổ đôi lúc còn gây ra những hiểu nhầm khác nhau…
Cách đây khoảng 4-5 năm, sau khi có chủ trương giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh chủ trì thành lập một ban chỉ đạo và ban biên tập làm tuyển tập Thái Kim Đỉnh, một số anh em văn nghệ sỹ cũng đề xuất kế hoạch làm tuyển tập Võ Hồng Huy, ông nói rằng, nên ưu tiên làm cho cụ Đỉnh trước. Cuối năm 2015, cuốn đầu tiên trong Tuyển tập Thái Kim Đỉnh được xuất bản, cụ mang tặng ông và chính thức thảo luận về việc làm tuyển tập Võ Hồng Huy. Đầu năm 2016, ông lặng lẽ về với trời xanh mây trắng núi Hồng... Nhà văn Đức Ban đã trao đổi với cụ Đỉnh về việc nên làm sớm sách tuyển cho ông, cụ đồng ý nhận chủ trì. Không ngờ, đầu năm 2017, cụ Đỉnh cũng đột ngột ra đi…
Được sự cổ vũ, góp ý của nhà văn Đức Ban, tôi tranh thủ mọi thời gian lục tìm, tập hợp các ấn phẩm, bản thảo, tư liệu của ông, nhập từng phần vào máy tính để lưu trữ và xây dựng một đề cương tổng thể - “Võ Hồng Huy - tác phẩm”, gồm khoảng 3 đến 4 tập.
- Tập I: Non nước Hồng Lam, tuyển chọn 45 bài viết, chia làm 2 phần: (1) Núi sông – Danh thắng; (2) Phong thổ - Lễ hội. Đây là các bài khảo cứu về núi, sông, danh thắng, di tích, làng xã, địa danh, lễ hội… tiêu biểu của Xứ Nghệ. Ngoài ra, lược trích một phần trong 2 cuốn Địa chí huyện Can Lộc, Địa chí huyện Đức Thọ đã xuất bản (những phần do tác giả Võ Hồng Huy trực tiếp biên soạn) và cuốn Địa chí xã Cương Gián (chưa xuất bản).
- Tập II: Danh sỹ Hồng Lam, gồm 2 phần: (1) Tuyển chọn khoảng 30 bài nghiên cứu, giới thiệu chân dung một số danh nhân, nhân vật ở Nghệ Tĩnh; (2) Hoa trình tiêu khiển tiền, hậu tập của Hoan Nam sứ giả Nguyễn Đề (tức Quế Hiên công Nguyễn Nễ, anh trai Nguyễn Du) - công trình hiệu đính, phiên dịch, chú thích làm chung cuối cùng của hai ông Võ Hồng Huy - Thái Kim Đỉnh (Võ Hồng Huy chủ biên) nhưng chưa kịp xuất bản.
- Tập III, IV: Tuyển chọn những tác phẩm sưu tầm, biên dịch và khảo chú (chủ yếu là Hán Nôm) đã xuất bản và chưa xuất bản, như Nghi Xuân địa chí, Thơ Bùi Dương Lịch, An Tĩnh sơn thủy vịnh, Thơ núi Hồng (chưa xuất bản), Niên lịch Việt Nam (khảo cứu; chưa xuất bản), Dịch thuật trong văn hóa dân gian Xứ Nghệ (chưa xuất bản)…
Nhân lễ giỗ đại tường của nhà nghiên cứu Võ Hồng Huy, trân trọng giới thiệu Tập I, Non nước Hồng Lam trong bộ sách tuyển Võ Hồng Huy - tác phẩm đến với độc giả xa gần.