Giữa trưa hè đầu tháng 6, dưới những tán cây rừng ngập mặn ven biển ở xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà) thấp thoáng bóng hai người phụ nữ len lỏi qua những lớp cây chằng chịt, lặn ngụp trong bùn lầy để săn cua biển.
Hai “thợ săn” ấy là chị Lê Thị Thủy (SN 1973) và người hàng xóm Nguyễn Thị Quyên (SN 1983), cùng trú thôn Tây Sơn, xã Đỉnh Bàn. Ngày nào cũng vậy, tranh thủ khoảng thời gian thủy triều xuống, họ tìm về các khu rừng ngập mặn để săn cua biển và bắt hàu biển, chìa biển nhằm kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.
Những cánh rừng ngập mặn ở Hà Tĩnh từ bao đời nay là nơi cư trú của nhiều loài thủy hản sản, cung cấp sinh kế cho những người dân ven biển.
Trong trí nhớ của chị Thủy, từ hàng chục năm trước, người dân ven biển xã Thạch Đỉnh và Thạch Bàn (nay sáp nhập thành xã Đỉnh Bàn) đã biết đến nghề săn cua, bắt chìa biển, hàu biển trong rừng ngập mặn. Tuy nhiên, nghề này rất vất vả nên dần dần, đến nay, chỉ còn số ít người theo nghề.
Chị Thủy được xem là một trong những người có kinh nghiệm lâu năm nhất ở xã Đỉnh Bàn với 30 năm làm nghề. Thế nên, đến nay, chị đã thông thuộc từng khoảng rừng hay những thời điểm thủy triều lên, con nước xuống.
Chị Lê Thị Thủy được xem là một trong những người có kinh nghiệm lâu năm nhất ở xã Đỉnh Bàn với 30 năm làm nghề.
“Nghề này đi nhiều thì thành quen, sẽ có kinh nghiệm. Cuộc sống trông vào mấy sào lúa chẳng đủ ăn. Tranh thủ khoảng thời gian nông nhàn nên người dân Đỉnh Bàn rủ nhau vào rừng ngập mặn mưu sinh, kiếm thêm tiền nuôi con ăn học. Công việc không cần vốn, chỉ cần không ốm đau. Mỗi ngày có thể kiếm được 200.000 đồng. Hôm nào may mắn săn được nhiều cua thì có thể kiếm cả triệu đồng. Nhưng, cũng có hôm... phải về tay không” - chị Thủy kể.
Mỗi ngày, những người thợ săn như chị Quyên, chị Thủy thường đi dọc các cánh rừng ngập mặn, len lỏi qua các rễ cây, tìm những hang sâu trong các gốc cây chai, cây vẹt để bắt cua.
Mùa săn cua biển bắt đầu từ tháng 11 dương lịch năm trước đến tháng 6 năm sau, nhưng giai đoạn cua nhiều và dễ săn nhất là khoảng từ tháng 3 đến tháng 6. Công việc phụ thuộc vào sự lên xuống của thủy triều nên thời điểm đi săn cua của người “thợ săn” không cố định - lúc đi từ 11 giờ trưa, khi đi từ 5 giờ sáng.
Hang cua thường nằm sâu dưới các gốc cây sú, cây vẹt. Những người đi săn phải có kinh nghiệm mới biết được hang nào có cua, hang nào không.
Dụng cụ mỗi buổi đi “săn cua” rất đơn giản, gồm một chiếc túi bằng lưới để đựng cua, một ít dây vải để buộc cua, một thanh sắt để đào đất. Tay cầm túi lưới, tay cầm thanh sắt, chị Thủy và chị Quyên bắt đầu hành trình đi dọc cánh rừng, thoăn thoắt tìm những hang sâu trong các gốc cây để bắt cua. Công việc này đã rèn cho họ sự tinh nhanh, dứt khoát, gan dạ với đôi tay liên tục sục sạo dưới lớp bùn.
Cua biển thường nằm sâu trong gốc cây, người săn cua thường mất nhiều thời gian để bắt cua ra, phải thật cẩn thận, khéo léo nếu không sẽ bị cua kẹp tay, hoặc làm gãy càng cua.
Để bắt được cua trong rừng ngập mặn, quả thật không phải là chuyện dễ dàng, đòi hỏi người đi săn phải có kinh nghiệm. Cua biển thường cư trú trong hang dưới các gốc cây nên người mới vào nghề rất khó để phân biệt được hang nào có, hàng nào không.
Niềm vui của chị Thủy, chị Quyên mỗi lần bắt được cua biển. Khi bắt được cua, họ sẽ dùng dây đã chuẩn bị sẵn để buộc cua lại để tránh gãy càng cua làm giảm giá bán.
“Khi thủy triều rút, cua thường ngoi lên tìm thức ăn, không ở trong hang. Người có kinh nghiệm khi nhìn dấu chân cua để lại trước cửa hang sẽ biết cua ở trong hay đã ra ngoài. Có những hang cua nằm sâu trong gốc cây, đưa hết cánh tay cũng không với đến. Chúng tôi phải vừa dùng tay vừa lấy thanh sắt đào đất, tầm 5 đến 10 phút mới bắt được cua ra. Mùa đông, cua thường ra khỏi hang, ẩn mình trong lớp bùn, rất khó để nhìn thấy. Ngoài ra, điều quan trọng nhất khi bắt cua là phải khéo léo, không để cua gãy càng, bởi nếu gãy, giá trị cua sẽ giảm xuống một nửa, thậm chí là không bán được” – chị Quyên chia sẻ.
Công việc săn cua đòi hỏi sức khỏe. Sau quãng thời gian len lỏi qua các rừng cây, chị Thủy, chị Quyên mệt rã rời, mồ hôi ướt đẫm, ngồi sụp xuống đất để nghỉ ngơi lấy lại sức.
Người săn cua không cẩn thẩn sẽ bị cua kẹp tay đến chảy máu. Đôi tất chân của chị Quyên bị vỏ hàu cắt rách sau vài buổi vào rừng ngập mặn bắt cua.
Công việc săn cua đòi hỏi người có sức khỏe tốt. Mỗi ngày, những phụ nữ săn cua đều rải bước trong những cánh rừng ngập mặn suốt 5 giờ đồng hồ, bùn đất ướt nhèm, mồ hôi nhễ nhãi.
Trong mỗi chuyến đi, họ đều trang bị tất tay và tất chân để chống lại những mảnh hàu, mảnh ngao sắc lẹm, hay những cành cây nằm giữa lòng đất. Dẫu vậy, không ít lần họ vẫn bị vỏ hàu cắt vào chân, bị cua kẹp chảy máu, phải chờ cua nhả kẹp gần nửa giờ đồng hồ.
Những lần đi săn, người dân thường bắt được hai loại cua gạch và cua thịt. Tùy theo kích cỡ mà cua có giá khách nhau, từ 3 lạng trở lên giá 600 ngàn đồng/kg, dưới 3 lạng được bán với giá từ 300-400 ngàn đồng/kg.
Những hôm kém may không săn được cua biển, những người phụ nữ tìm bắt hàu biển và chìa biển nằm dưới lớp bùn. Dù giá không đắt như cua nhưng những món hàng này cũng đem lại thu nhập từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng cho mỗi người.
Theo chân những người săn cua biển, chúng tôi biết được nhiều điều về biển, về rừng và nỗi niềm của họ. Những cánh rừng ngập mặn ở Hà Tĩnh từ lâu được ví như bức tường xanh bảo vệ bờ biển, tránh mưa bão, xói mòn.
Cuộc sống của người dân ven biển bao đời vẫn “nhờ cậy” vào rừng ngập mặn nên họ ý thức được rằng, khai thác phải đi đôi với bảo tồn thì mới bền vững.
Chị Thủy chia sẻ: “Cuộc sống của người dân ven biển bao đời vẫn trông mong vào rừng ngập mặn. Dưới tán rừng là nơi trú ngụ của nhiều loài thủy hản sản như: cua, chìa, hàu, tôm..., góp phần tạo sinh kế cho ngư dân chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi ý thức được rằng, phải khai thác có chọn lọc, khai thác phải đi đôi với bảo tồn thì mới bền vững”.
Những hôm kém may mắn, không săn được cua, chị Thủy đi bắt hàu biển, chìa biển đem về bán. Dù giá không cao như cua nhưng nếu chăm chỉ thì một buổi, chị có thể kiếm về 100 - 150 ngàn đồng.
Cuộc sống của người dân ven biển bao đời vẫn “nhờ cậy” vào rừng ngập mặn. Dưới tán rừng là nơi trú ngụ của nhiều loài thủy hải sản, góp phần tạo sinh kế cho người dân.
Hoàng hôn dần buông, thủy triều lên nhấn chìm những thân cây sú, cây vẹt báo hiệu buổi làm việc của hai người phụ nữ đã kết thúc. Họ tất bật trở về nhà, khuôn mặt ai nấy đều lấm lem bùn đất, nhưng vẫn ánh lên nụ cười như xua đi sự mệt mỏi. Thành quả lao động sau những giờ miệt mài săn cua giúp họ có thêm nguồn thu để trang trải cuộc sống.
trình bày: khôi nguyễn