Thị trường XKLĐ tạm thời “đóng cửa”, Phòng XKLĐ thuộc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh trở nên vắng vẻ
Sau hơn 6 tháng học tiếng Nhật, hoàn thiện mọi thủ tục hồ sơ với chi phí hơn 100 triệu đồng để đi XKLĐ ở Nhật Bản, anh Nguyễn Huy Thịnh, thị trấn Nghèn (Can Lộc) vẫn chưa thể bay theo kế hoạch.
"Theo lịch của công ty, giữa tháng 4/2020, tôi sẽ bay sang Nhật để làm việc nhưng do tình hình dịch Covid-19 nên lịch bay bị hoãn lại. Hy vọng, dịch bệnh được khống chế để Nhật mở đường bay, tôi có thể sang làm việc”, anh Thịnh chia sẻ.
Theo ghi nhận từ một số đơn vị tư vấn, cung ứng nhân lực, XKLĐ trên địa bàn Hà Tĩnh, mặc dù từ đầu năm đến nay, nhu cầu tuyển dụng vẫn cao, phong phú ngành nghề như các năm trước, song lượng lao động đến đăng ký tham gia XKLĐ sụt giảm đến 2/3.
Các đơn hàng bị tạm dừng, cán bộ Công ty TNHH Công nghệ tư vấn cho người lao động đăng ký học ngoại ngữ để tạo nguồn khi thị trường XKLĐ hoạt động trở lại
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết: "Từ đầu năm đến nay, trung tâm mới chỉ đưa được 15 lao động đi làm việc tại nước ngoài chỉ bằng 2/3 so với cùng kỳ năm 2019.
Trong thời gian này, cán bộ Trung tâm đang thực hiện khảo sát nhu cầu, tiếp xúc từng lao động, tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng, tư vấn để tạo nguồn lao động sẵn có chờ các thị trường XKLĐ mở cửa trở lại”.
Giống như Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh, Công ty TNHH Công nghệ (Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh) đang tích cực triển khai công tác tạo nguồn. "Công ty đang tập trung triển khai các hoạt động hỗ trợ người lao động tìm kiếm cơ hội XKLĐ như: tìm hiểu thị trường, đào tạo nghề, học tiếng… để tạo nguồn ứng viên”, ông Nguyễn Trọng Tuấn - Giám đốc Công ty cho hay.
Lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh
Mục tiêu của Hà Tĩnh trong năm 2020 là đưa 8.500 lao động đi XKLĐ, nhưng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh chỉ đưa 2.919 người đi làm việc ở nước ngoài, giảm 204 người so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Văn Dũng - Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐ-TB&XH), "Thời điểm hiện nay, tuy khó khăn để lao động xuất cảnh, song lại là “giai đoạn vàng” để tạo nguồn lao động, giúp người lao động có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi các thị trường lao động mở lại”.
Khi dịch bệnh được khống chế, đẩy lùi, nhu cầu lao động từ các thị trường truyền thống như: Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan sẽ tăng cao do nhu cầu phát triển sản xuất khôi phục nền kinh tế.
Bên cạnh đó, khi thị trường lao động ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan mở cửa sẽ hạn chế hoặc không tiếp nhận lao động của một số nước trong khu vực Đông Nam Á do dịch bệnh chưa được khống chế. Trong khi đó, đến thời điểm này, Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch bệnh. Vì vậy, thị trường lao động các nước sẽ ưu tiên tuyển dụng lao động Việt Nam sang làm việc. Đây được coi là cơ hội lớn cho lao động Hà Tĩnh khi tham gia thị trường này sau dịch Covid-19.
Để có nguồn ứng viên đáp ứng nhu cầu tuyển dụng tăng cao của các thị trường lao động sau dịch bệnh, ngay từ bây giờ, các đơn vị, doanh nghiệp cần phải liên kết với các cơ sở đào tạo nghề vừa đào tạo nghề, vừa đào tạo ngoại ngữ. Đồng thời, các địa phương cần tuyên truyền, hướng dẫn cho người lao động có nhu cầu đi XKLĐ chủ động học nghề, ngoại ngữ để có đủ điều kiện, sẵn sàng tham gia dự thi và trúng tuyển vào các đơn hàng đòi hỏi chất lượng cao.
“Có như vậy thì sau khi dịch bệnh được khống chế, lao động Hà Tĩnh sẽ sẵn sàng xuất cảnh sang các nước làm việc và Hà Tĩnh sẽ hoàn thành chỉ tiêu XKLĐ trong năm 2020", ông Đặng Văn Dũng cho biết.