Ngọn gió se lạnh của mùa thu cũng nhuần thấm hương vị... (Ảnh minh họa Internet).
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.
Thu 1977
Hữu Thỉnh
“Hình như thu đã về”. (Ảnh minh họa Internet).
Thể hiện được một cách tự nhiên sự mẫn cảm với thiên nhiên, với thời cuộc nên mấy chục năm rồi bài thơ vẫn mới, vẫn hay, vẫn gợi nhiều liên tưởng mỗi khi đọc lại. Thiên nhiên thời khắc giao mùa lúc sang thu được tác giả tái hiện bằng những nét phác họa tinh tế, mới mẻ, đầy rung cảm qua những dấu hiệu đặc trưng: hương ổi, gió se, sương thu. Tín hiệu đầu tiên là hương ổi, lan tỏa dịu ngọt, khơi gợi nhẹ nhàng, đưa tâm tư con người về hoài niệm. Ngọn gió se lạnh của mùa thu cũng nhuần thấm hương vị. Rồi sương thu “chùng chình”, mơ hồ bảng lảng xóm thôn. Tất cả những tín hiệu khẽ khàng, mong manh ấy xuất hiện đồng thời, đột ngột, không báo trước. Chủ thể trữ tình ngỡ ngàng đón nhận tin thu: “Hình như thu đã về”. “Hình như” là cảm giác thấy, chạm vào, nhận ra ngay đó nhưng bất ngờ quá, chưa dám tin. Chưa dám tin hẳn chỉ vì quá yêu!
Trong tâm trạng vui say ấy, chủ thể trữ tình đắm trôi ngắm nhìn cảnh vật: “Sông được lúc dềnh dàng/ Chim bắt đầu vội vã/ Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu”. Trải qua trạng thái thức nhận ban sơ, nhà thơ giữ nguyên niềm say mê, sự nhạy cảm để tiếp tục thụ hưởng nét đẹp thơ mộng của khoảnh khắc thu đang về. Không gian rộng mở mênh mang với dòng sông, cánh chim, bầu trời... Dòng sông thu êm trôi thong thả, thư thái, bâng khuâng. Những cánh chim đã bắt đầu cho thấy ý thức về sự hối thúc của thời gian. Và kia, đám mây như một nhịp cầu kỳ diệu vắt ngang khoảnh khắc sang mùa. Những chuyển động phong phú, vô hình của tạo vật, của thời gian mong manh qua câu thơ Hữu Thỉnh bỗng hiện hình, không gian hóa thơ mộng.
Thi sĩ nhận thấy được cái mong manh của mùa thu trong mùi hương, trong ngọn gió, trong muôn vàn tín hiệu thu khắp làng mạc, đất trời... và còn nhận thấy nhịp sang thu trong nắng, trong mưa, trong những thanh âm vũ trụ: “Vẫn còn bao nhiêu nắng/ Đã vơi dần cơn mưa/ Sấm cũng bớt bất ngờ/ Trên hàng cây đứng tuổi”.
Nắng đã nhạt, mưa mùa hạ đã vắng, lượng và lực của mưa rơi đã ít đi, tiếng sấm đã quen và nhẹ hơn. Sự tiếp nhận tiếng sấm của sinh vật vô tri cũng được hiển lộ tài tình, ấn tượng. Những biến chuyển nhẹ nhàng, tinh tế nhất của thiên nhiên được nắm bắt. Hữu Thỉnh không chỉ quan sát, cảm nhận mà còn đồng điệu với nhịp chuyển mùa. Phải am hiểu, sống hết mình với thiên nhiên quê nhà, biết gìn giữ những ký ức làng quê trong trẻo mới có được những vần thơ tài hoa, đầy rung cảm về thiên nhiên như thế!
Hương ổi của khoảnh khắc giao mùa thành hương đời giao thời màu nhiệm. (Ảnh minh họa Internet).
Tuy nhiên, “Sang thu” không chỉ là bài thơ “giao mùa” đặc sắc mà còn là bài thơ “giao thời” xuất sắc, gửi gắm những chiêm nghiệm, trăn trở sâu sắc về con người và cuộc đời. Hương ổi của khoảnh khắc giao mùa thành hương đời giao thời màu nhiệm. Những sắc thái trong tín hiệu thu, trong biến đổi tinh vi của tạo vật đều mang tâm trạng con người.
Những biến đổi đa chiều của tạo vật hiện lên như là ảnh hình của cuộc đời nhiều biến động. Thời khắc thiên nhiên sang thu có sự tương liên với thời đoạn con người vào tuổi chớm thu. Sự liên tưởng ấy gợi lên cho ta những suy nghĩ xa rộng hơn về đất nước thời hậu chiến, về cuộc sống trường cửu... Hương ổi, gió se hay là tiếng thở dài của người vừa qua thời tuổi trẻ? Chữ “chùng chình” gợi vẻ thư thái, “được lúc” lại từa tựa như thái độ tận hưởng thanh bình? Trong cánh chim “vội vã” kia thấp thoáng dự cảm lo xa vì điều gì hối thúc. Hay cánh chim kia còn gợi nghĩa gì khác nữa? Đám mây kia nói điều gì về những bước đi lưu luyến? Rồi nắng “vẫn còn”, mưa “vơi dần” liệu có phải rằng còn đó nhiệt huyết, đam mê và đã bớt đi rất nhiều hấp tấp, bồng bột? Thay vào đó có phải là sự bình thản, an nhiên, chín chắn của con người trước cuộc sống?
Cuộc đời con người ai cũng trải qua những thời đoạn khác nhau và có lẽ, những nét tâm trạng kia sớm muộn ai cũng nếm trải. Hình ảnh “hàng cây đứng tuổi” gợi hình ảnh con người, tiếng sấm gợi những chấn động/biến động cuộc đời. Nói đến biến động, lại nghĩ đến chiến tranh, bởi “Sang thu” được viết vào thời điểm cuộc chiến tranh khốc liệt vừa khép lại và thời bình yên ả mới bắt đầu (thu 1977)…
Cái khoảnh khắc giao mùa của tạo hóa nhiều biến suy bao nhiêu thì cái đoạn giao thời của nhân sinh cũng tựa hồ như thế. Những liên tưởng mà bài thơ giao mùa “Sang thu” gợi lên cứ như những lớp sóng, cứ không ngừng cuộn lên và còn có những giao thoa, có những gợn sóng lại lan xa, xa mãi. Có thể khẳng định, chính vì chạm đến những nét tâm trạng điển hình, phổ quát của phận người mới làm nên sức sống của “Sang thu”!