Sau sáp nhập, các cơ quan ở Hà Tĩnh vận hành ra sao?

(Baohatinh.vn) - Bám sát chủ trương của trung ương, Hà Tĩnh đã sáp nhập, hợp nhất một số đơn vị có chức năng tương đồng. Việc ổn định tổ chức, vận hành bộ máy mới đã được triển khai từng bước. Dĩ nhiên, quá trình này nảy sinh những khó khăn nhất định.

Đức Thọ là huyện thực hiện sáp nhập cùng lúc nhiều cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy với cơ quan chuyên môn thuộc UBND có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Đầu tháng 12/2018, các quyết định hợp nhất đã được công bố: Ban Tổ chức Huyện ủy với Phòng Nội vụ huyện thành Cơ quan Tổ chức - Nội vụ huyện; Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Huyện ủy với Thanh tra huyện thành Cơ quan Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra huyện; Văn phòng Huyện ủy với Văn phòng HĐND và UBND huyện thành Văn phòng Cấp ủy chính quyền huyện. Quyết định thành lập Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện trên cơ sở hợp nhất Đài TT-TH huyện và Trung tâm VH-TT&TT huyện cũng đã được thực hiện đồng thời.

Sau sáp nhập, các cơ quan ở Hà Tĩnh vận hành ra sao?

Sáng 1/12/2018, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn trao quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về hợp nhất Ban Tổ chức Huyện ủy Đức Thọ với Phòng Nội vụ huyện Đức Thọ thành Cơ quan Tổ chức - Nội vụ huyện Đức Thọ (Ảnh: Phúc Quang)

Như lẽ tất yếu, sau khi hợp nhất, cơ cấu tổ chức cũng điều chỉnh, đội ngũ cán bộ được sắp xếp lại. Trên cơ sở bộ máy trước khi sáp nhập, Cơ quan UBKT - Thanh tra có 5 người giữ chức vụ cấp phó; Cơ quan Tổ chức - Nội vụ huyện và Văn phòng Cấp ủy chính quyền huyện, mỗi cơ quan có 4 người giữ chức vụ cấp phó. Đương nhiên, các chức vụ cấp trưởng như Chánh Thanh tra, Trưởng phòng Nội vụ, Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện không còn trong cơ cấu. 3 cán bộ giữ chức vụ cấp trưởng trước đó được phân công giữ chức phó cơ quan mới. Riêng Chánh văn phòng HĐND, UBND huyện được phân công giữ chức Phó văn phòng đồng thời là Giám đốc Trung tâm Hành chính công huyện.

Người đứng đầu các cơ quan mới thành lập được cơ cấu theo hướng: Bổ nhiệm cấp trưởng thuộc cơ quan tham mưu cấp ủy trước đó, trong đó có 2 Ủy viên BTV Huyện ủy (Trưởng ban Tổ chức, Chủ nhiệm UBKT) và 1 đồng chí Huyện ủy viên (Chánh văn phòng Huyện ủy).

Để thực hiện nhiệm vụ trôi chảy, Huyện ủy Đức Thọ cũng đã ban hành văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ và phân công nhiệm vụ đối với từng cán bộ. Hiện tại, BTV Huyện ủy đã ban hành quy chế hoạt động của Cơ quan Tổ chức - Nội vụ, Văn phòng Cấp ủy chính quyền huyện; đang xây dựng quy chế hoạt động Cơ quan UBKT - Thanh tra huyện.

Sau sáp nhập, các cơ quan ở Hà Tĩnh vận hành ra sao?

...

Ngày 14/12/2018, lãnh đạo huyện Kỳ Anh trao Quyết định bổ nhiệm trưởng Ban Tuyên giáo – Dân vận Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Truyền thông huyện (Ảnh: Vũ Viễn)

Cùng quyết tâm tinh gọn bộ máy, huyện Kỳ Anh sáp nhập Ban Tuyên giáo Huyện ủy và Ban Dân vận Huyện ủy thành Ban Tuyên giáo - Dân vận Huyện ủy; ra mắt Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện. Hai bài toán sáp nhập này, huyện cũng đã tính toán kỹ phương án cán bộ. Từ chỗ khuyết vị trí Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy do nghỉ hưu, Huyện ủy Kỳ Anh đã thực hiện ngay việc hợp nhất 2 ban xây dựng Đảng, gắn tuyên truyền đi đôi với vận động; Trưởng ban Dân vận Huyện ủy được phân công giữ chức trưởng ban cơ quan mới. Liên quan đến sắp xếp tổ chức, trưởng Đài TT-TH huyện được điều động về công tác tại Ban Tuyên giáo - Dân vận Huyện ủy.

Tương tự cách bổ sung nhân lực tuyên truyền, huyện Nghi Xuân sau khi ra mắt Trung tâm Văn hóa - Truyền thông cũng đã điều động một cán bộ Đài TT-TH về Ban Tuyên giáo Huyện ủy. Riêng tại Đức Thọ, việc kiện toàn sắp xếp Đài TT-TH và Trung tâm VH-TT đã xuất hiện tình huống “thừa” 3 cán bộ hợp đồng lâu năm. Tới đây, 3 cán bộ này sẽ phải chấm dứt hợp đồng vì cơ quan mới được xác định rõ vị trí việc làm, ngân sách không còn cấp chi trả cho hợp đồng.

Sau sáp nhập, các cơ quan ở Hà Tĩnh vận hành ra sao?

Để nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, sau khi sáp nhập các văn phòng, Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện Đức Thọ được phân công giữ chức Phó Văn phòng, Giám đốc Trung tâm Hành chính công huyện Đức Thọ. Trong ảnh: Giao dịch tại Trung tâm Hành chính công huyện Đức Thọ

Bà Trần Thị Thanh Thủy - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện Đức Thọ cho rằng: “Sau khi sáp nhập, trung tâm tập trung làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, nhân viên, xây dựng quy chế hoạt động, các bộ phận cơ bản giữ nguyên nhiệm vụ. Sáp nhập 2 cơ quan có chức năng tương đồng giúp hỗ trợ nhau tốt hơn. Việc tuyên truyền các sự kiện được thực hiện bằng nhiều cách thức: Qua mạng xã hội, cổng thông tin điện tử, loa truyền thanh, phóng sự truyền hình…”.

Theo đánh giá của ông Võ Công Hàm - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ, việc hợp nhất các ban, phòng vừa có thuận lợi, vừa có những khó khăn. Thuận lợi tại Đức Thọ là Bí thư Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch UBND huyện nên việc điều hành không qua khâu trung gian “Huyện ủy - UBND huyện” như các đơn vị khác; bản thân người đứng đầu sẽ chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Huyện ủy và UBND huyện. Chẳng hạn, cùng nhiệm vụ tổ chức - nội vụ, khi triển khai, người đứng đầu “hai vai” sẽ phân công, giao nhiệm vụ nhanh hơn, giảm nấc trung gian.

“Trong điều hành, có những việc, tôi sẽ trực tiếp giao cho cấp phó phụ trách công tác thi đua khen thưởng, có việc lại phải giao cho cấp phó phụ trách chế độ, chính sách công chức, viên chức, có việc giao phó ban phụ trách công tác Đảng” - ông Hàm cho hay. Tuy nhiên, ông Hàm băn khoăn, hiện nay, rào cản của việc thực hiện nhiệm vụ sau sáp nhập là “1 cơ quan 2 con dấu” và cơ chế vẫn chưa nhất quán.

Có thể thấy, cơ chế vận hành vẫn ít nhiều là nỗi băn khoăn chung khi một số nơi đang thí điểm sáp nhập theo các mô hình không giống nhau. Hiệu quả vận hành như thế nào vẫn đang cần thời gian để đánh giá.

Chủ đề Cải cách hành chính

Đọc thêm