Thầy giáo lúc đầu lạnh lùng với Hibiki. |
Sensei! (Thầy ơi... Em yêu anh!) là phim hiếm hoi của điện ảnh Nhật chiếu tại Việt Nam thời gian gần đây. Tác phẩm dựa trên bộ truyện tranh cùng tên của Kazune Kawahara, xuất bản từ năm 1996 đến 2003. Nội dung xoay quanh chuyện tình của một nữ sinh trung học với thầy giáo. Hibiki Shimada (Suzu Hirose đóng) - 17 tuổi - là cô gái lớp 11 xinh đẹp, hướng nội, chưa từng có bạn trai. Trong buổi lễ khai giảng, cô nhìn thấy và phải lòng Kosaku Ito (Toma Ikuta đóng) - giáo viên lịch sử điển trai, lạnh lùng.
Kịch bản phim không mới so với các tác phẩm cùng mô típ. Phim mào đầu rất nhanh, ngay cảnh mở màn Hibiki đã nhen nhóm tình cảm với thầy. Câu chuyện sau đó tập trung vào tâm lý của hai nhân vật. Nữ sinh vốn là người hướng nội nên lúng túng, ngượng ngập trong việc bộc lộ tình cảm. Trong khi đó, thầy giáo là mẫu người "ngoài lạnh trong nóng". Anh giữ vẻ ngoài nghiêm nghị dù trong lòng bắt đầu có những xao xuyến nhất định. Nhịp phim khá chậm, dẫn dắt người xem theo diễn biến tâm lý nhân vật. Có lúc cô nàng mừng vui bởi chuyện tình cảm có tiến triển, lúc lại thất vọng và có ý định bỏ cuộc.
Tác phẩm mô tả chuyển đổi tâm lý nhân vật khá tinh tế qua những chi tiết nhỏ. Ở một cuộc hội thoại giữa Hibiki và Kosaku, thầy giáo - vốn trước đó luôn lạnh lùng đến mức khó chịu - nhoẻn cười, báo hiệu tình cảm đến từ phía anh. Cách thầy giáo phản ứng mạnh khi bị một nữ giáo viên hỏi về mối quan hệ với Hibiki giống như ngầm xác nhận nỗi lòng của anh. Đầu phim, thầy giáo mua cho Hibiki hộp sữa dâu, nhưng đến khoảng hai phần ba phim, anh đưa cho cô cà phê, thể hiện việc anh xem Hibiki là người lớn.
Không chỉ Hibiki mà hai người bạn của cô cũng có tình cảm với giáo viên. Trong đó, cậu nam sinh Kosuke Kawai (Ryo Ryusei đóng) yêu cô giáo dạy vẽ và mạnh dạn tỏ tình với người phụ nữ hơn tuổi. Tình cảm của Hibiki mang nét hồn nhiên, e ấp xen lẫn ngưỡng mộ dành cho thầy, còn ở Kosuke, ngoài tình yêu còn có chất nổi loạn, mong muốn chứng tỏ bản thân. Các mẩu đối thoại giữa Kosuke và cô giáo khá thú vị, khi cô giáo liên tục khẳng định ranh giới giữa người lớn và trẻ con, còn chàng trai cố gồng mình để thể hiện sự trưởng thành.
Lấy vấn đề "học sinh yêu thầy giáo" làm trung tâm, tác phẩm phản ánh rõ nét sự khác biệt tư tưởng giữa hai thế hệ người Nhật. Trong câu chuyện, các học sinh nhìn chung xem việc này khá thản nhiên, đôi khi còn lấy nó ra để bông đùa. Còn người lớn đón nhận nó nghiêm túc và có thái độ cấm đoán. Ở phân cảnh Kosaku đối mặt với hội đồng nhà trường bởi tình cảm của mình, khuôn mặt nhiều giáo viên lộ rõ vẻ khó chịu.
Phần hình ảnh của phim là điểm cộng với những khung hình trau chuốt, nhiều góc cận đặc tả biểu cảm và tôn nét đẹp diễn viên. Máy quay thường chuyển động chậm để khán giả cảm nhận rõ vẻ đẹp bối cảnh. Ở nhiều trích đoạn, khung cảnh như tái hiện những trang truyện tranh. Nhà làm phim nhiều lần tận dụng ánh sáng từ ô cửa sổ, tạo ra sắc màu chan hòa phù hợp với không khí nhẹ nhàng tổng thể. Ở giữa phim, khi Hibiki đến nhà thầy giáo tỏ tình, ánh sáng vàng từ cửa đậm hơn các cảnh khác, bao phủ lấy hai người và tạo ấn tượng thị giác đặc biệt. Cảnh này cũng là bước chuyển lớn trong mạch tâm lý của Hibiki.
Một cảnh lãng mạn trong phim. |
Các diễn viên đều có ngoại hình hợp vai và diễn xuất tròn trịa. Với khuôn mặt thanh tú và mái tóc lãng tử, Toma Ikuta thuyết phục được khán giả khi đóng nhân vật hút hồn bao nữ sinh. Ngoài sự điển trai, anh còn thể hiện được vẻ trí thức và trải đời trong ánh mắt, cách cư xử. Còn Suzu Hirose khoe nhan sắc tuổi 20 trong vai nữ sinh ngây thơ. Mẫu nhân vật rụt rè, hướng nội không đòi hỏi ở diễn viên sinh năm 1998 quá nhiều kỹ năng diễn xuất.
Ở hồi ba, tác phẩm chọn cách kết thúc nhẹ nhàng, tiết chế sự kịch tính. Tuy nhiên, lối xử lý này có phần đơn điệu, dễ gây nhàm chán cho những khán giả đã xem qua nhiều dạng phim này. Từ sau khi thầy giáo trút nỗi niềm, câu chuyện trở nên dễ đoán và lê thê, thiếu những tình tiết thử thách tình cảm hai nhân vật. Ngoài ra, tuyến phụ của chàng trai yêu Hibiki khá thừa thãi. Nhân vật này chiếm không ít thời lượng, nhưng vai trò mờ nhạt, bị gạt bỏ đột ngột khi tác phẩm tiến đến đoạn kết.