Đại diện nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh nhận giải khuyến khích tại vòng chung kết cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp toàn quốc” năm 2020.
Hưởng ứng phát động cuộc thi của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), nhóm sinh viên của Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh đã lên ý tưởng và bắt tay vào thực hiện đề tài. Nhóm có 4 thành viên Lớp Cao đẳng điện công nghiệp K24 chất lượng cao theo tiêu chuẩn của CHLB Đức gồm: Trương Quang Phát, Dương Công Trường, Phan Công Khanh, Nguyễn Hữu Tuấn.
Trưởng nhóm Trương Quang Phát chia sẻ: “Hiện nay, việc phân loại rác thải tại nguồn ở Hà Tĩnh còn rất hạn chế, đã tạo gánh nặng cho các nhà máy xử lý, lãng phí nguồn nguyên liệu tái chế từ rác. Do đó, nhóm đã nảy sinh ý tưởng chế tạo máy tự động phân loại rác thải tại nguồn để tham gia cuộc thi”.
Sản phẩm máy tự động phân loại rác thải là sự kết hợp giữa cơ cấu nghiền, lồng xoay và quạt.
Chia sẻ về quá trình thực hiện đề tài cho đến khi mang sản phẩm dự thi các cấp, thầy Lê Văn Tuyên - giáo viên Khoa Điện, người trực tiếp hướng dẫn đề tài cho biết: “Thầy trò khá vất vả bởi các thành viên là sinh viên Khoa Điện, trong khi sản phẩm thiên về kỹ thuật cơ khí. Thời gian thực hiện gấp, các em lại là sinh viên hệ đào tạo quốc tế, vừa học chuyên ngành, vừa học ngoại ngữ nên thầy trò gần như không có ngày nghỉ, có hôm phải tranh thủ buổi đêm để kịp tiến độ”.
Dưới sự hướng dẫn tận tình của thầy Tuyên, cùng sự nỗ lực của toàn đội, 1 tháng sau khi triển khai ý tưởng, sản phẩm máy tự động phân loại rác thải tại nguồn đã hoàn thành.
Sản phẩm là sự kết hợp giữa cơ cấu nghiền, lồng xoay và quạt, trong đó, cơ cấu nghiền giúp nghiền các loại rác hữu cơ và dập rác vô cơ; lồng xoay giúp phân loại rác hữu cơ, vô cơ; quạt phân loại bao nilon.
Các thành viên của nhóm rất nỗ lực khi họ đều là sinh viên ngành điện nhưng lên ý tưởng, hoàn thiện một sản phẩm thiên về kỹ thuật cơ khí.
Mục đích của việc phân ra các loại rác khác nhau là nhằm giảm lượng rác thải ra môi trường; tận dụng rác hữu cơ để ủ men vi sinh, làm phân bón…, trong khi các loại như vỏ lon, chai nhựa thì có thể tái chế.
Vượt qua 120 sản phẩm tham dự cuộc thi, máy tự động phân loại rác thải tại nguồn của nhóm đã đạt giải ba khu vực miền Trung, giải khuyến khích toàn quốc, được vinh danh tại đêm chung kết tổ chức vào đầu tháng 12/2020.
“Dù chưa đạt được kết quả cao như kỳ vọng nhưng đây cũng là niềm vui, niềm động viên để các thành viên trong nhóm tiếp tục nỗ lực, hoàn thiện sản phẩm. Đồng thời, tìm tòi nghiên cứu những đề tài mới, có tiềm năng khởi nghiệp và tính ứng dụng cao trong thực tiễn” - trưởng nhóm Trương Quang Phát chia sẻ.
Nhóm nghiên cứu mong muốn, trong những năm tới, sản phẩm sẽ được ứng dụng rộng rãi trong đời sống.
Mục tiêu mà nhóm nghiên cứu đặt ra là trong những năm tới sẽ phát triển sản phẩm với quy mô rộng hơn, hướng tới đối tượng khách hàng là các nhà hàng, khách sạn, chung cư, tổ liên gia… với mức giá phù hợp.
Thầy Nguyễn Trọng Tấn - Hiệu trưởng nhà trường tự hào chia sẻ: “Những năm gần đây, học sinh, sinh viên của nhà trường liên tục giành các giải thưởng, được vinh danh trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp toàn quốc. Những thành tích đó đã góp phần xây dựng, khẳng định thương hiệu, là động lực để thầy trò phấn đấu xây dựng trường trở thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt chuẩn cấp quốc gia vào năm 2025”.