Có thể thấy, chưa bao giờ hoạt động truyền thông xã hội lại sôi động, đa dạng như hiện nay, hơn 920 nền tảng mạng xã hội trong nước đã được cấp phép hoạt động với khoảng 130 triệu tài khoản đăng ký, hầu hết các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Instagram, Tiktok, WhatsApp, Twitter và Youtube... Đây là những công cụ có nhiều tiện ích để kết nối mọi người, hình thành nên các nhóm và cộng đồng mạng rất phong phú, mang tính xuyên quốc gia. Tuy nhiên, mạng xã hội rộng mở với những thông tin thiếu kiểm duyệt trên các nền tảng đã gây ra nhiều hệ lụy, đặc biệt là các thông tin lừa đảo, chiếm đoạt tài sản...
Công an xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) tuyên truyền, giúp người dân kịp thời ngăn chặn vụ lừa đảo qua mạng ngày 19/10/2023.
Tại Hà Tĩnh, tình trạng lừa đảo qua mạng xảy ra khá nhiều, gây thiệt hại cho người dân hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh nhiều vụ việc được người dân trình báo lên cơ quan chức năng, vẫn còn nhiều vụ việc, người dân không trình báo, gây bất lợi và tăng thêm cơ hội cho đối tượng lừa đảo.
Trước thực trạng đó, tháng 11/2021, Sở TT&TT và Công an tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp trong hoạt động đảm bảo an toàn, an ninh lĩnh vực thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Từ năm 2021 đến nay, Sở TT&TT đã phối hợp với Công an tỉnh triển khai rà soát, xử lý hơn 70 trường hợp vi phạm trên không gian mạng với số tiền hơn 370 triệu đồng. Nhắc nhở, buộc gỡ bỏ thông tin đăng trên hàng trăm tài khoản Facebook, Zalo vì đưa thông tin sai sự thật, gây dư luận không tốt trong xã hội.
Thanh tra Sở TT&TT, Công an tỉnh xử lý các trường hợp vi phạm trên không gian mạng.
Để tiếp tục vào cuộc phòng, chống lừa đảo qua mạng, Giám đốc Sở TT&TT Đậu Tùng Lâm cho biết: “Sở sẽ tăng cường giải pháp tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề truyền thông xã hội và trong mối quan hệ với thông tin trên các nền tảng mạng xã hội. Từ đó, nâng cao ý thức tự bảo vệ mình trước các thông tin trên các nền tảng mạng xã hội và trở thành bộ lọc thông tin, hướng dẫn những người xung quanh nhận biết, sàng lọc các thông tin xấu, độc hại”.
Bên cạnh đó, Sở TT&TT triển khai kế hoạch truyền thông nâng cao ý thức người dùng mạng Internet với các chuỗi chương trình cụ thể như: Chiến dịch “Tin” truyền đi thông điệp “Không gian ảo, niềm tin thật” - nâng cao khả năng nhận biết và phòng tránh tin giả, tin sai sự thật; các hội thảo, tọa đàm về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm phòng chống tin giả, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, chống phá nhà nước...
Đồng thời, phối hợp lực lượng công an tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho Nhân dân về các chiêu trò lừa đảo mới, tinh vi trên không gian mạng gắn với vấn đề an toàn thông tin cá nhân; rà soát phát hiện và khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong những lĩnh vực thường xảy ra tội phạm lừa đảo như: lĩnh vực đầu tư, huy động vốn, kinh doanh bất động sản, kinh tế số, cho vay qua ứng dụng (app), thanh toán điện tử; quản lý chặt chẽ thuê bao điện thoại di động...
Đoàn viên thanh niên Thạch Hà tìm hiểu các nội dung từ tờ rơi truyền thông phòng chống lừa đảo qua mạng do Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (Sở TT&TT) chia sẻ.
Chủ động phối hợp với các ngân hàng phong tỏa tài khoản, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt và phối hợp với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông để phát hiện, truy vết tội phạm; phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ TT&TT xử lý, gỡ bỏ các tài khoản Facebook, Youtube, Tiktok có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, chống phá nhà nước. Nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước về tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật công nghệ cao, hiện đại bảo đảm triển khai có hiệu quả các biện pháp quản lý về cả hành chính và kỹ thuật để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định pháp luật”.