Quá trình tổ chức triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, các lực lượng chức năng trên địa bàn Hà Tĩnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Theo đó, các lực lượng đã vận động Nhân dân giao nộp 2.632 khẩu súng các loại, 166 quả bom, mìn, lựu đạn, 51 kg thuốc nổ, 25.056 công cụ hỗ trợ, 1.723 vũ khí thô sơ và 215 linh kiện lắp ráp vũ khí.
Đặc biệt, Công an tỉnh với vai trò nòng cốt trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ triển khai quyết liệt, hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở nên tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đã được kiềm chế.
Kết quả, đến nay, đã phát hiện 143 vụ, bắt giữ 184 đối tượng; thu giữ 240 khẩu súng các loại, 36.079 viên đạn, 680,6 kg thuốc nổ, 2.238 kíp nổ, 29 công cụ hỗ trợ và 4 vũ khí thô sơ.
Cùng đó, các ngành, địa phương đã tổ chức trên 3.200 buổi tuyên truyền cho hơn 300.000 lượt người nắm rõ quy định của pháp luật và tổ chức ký trên 250.000 bản cam kết đối với tổ dân phố, khu dân cư, thôn, chủ hộ, học sinh, sinh viên không vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Qua đó, đã làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, Nhân dân, giúp giảm thiểu xảy ra những vụ việc đáng tiếc liên quan đến sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.
Tuy nhiên, theo Thượng tá Trần Hữu Cảnh - Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai, thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 trên địa bàn Hà Tĩnh đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, cần phải sửa đổi, bổ sung như: thực tế hiện nay tội phạm sử dụng các loại dao để gây án chiếm tỷ lệ rất cao.
Tính từ năm 2017 đến nay, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã xử lý 184 vụ, 196 đối tượng (chiếm 37,6% tổng số vụ, 35,3% tổng số đối tượng). Nhiều vụ đối tượng sử dụng dao sắc, nhọn có tính sát thương cao, gây án với tính chất rất manh động, gây bức xúc dư luận xã hội. Tuy nhiên, không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì trong luật hiện hành không quy định dao là vũ khí.
Bên cạnh đó, tình trạng đối tượng sử dụng trái phép súng tự chế chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với đối tượng sử dụng trái phép súng quân dụng, lực lượng chức năng đã xử lý 33/21 vụ, 33/21 đối tượng. Đối tượng sử dụng trái phép vũ khí thô sơ diễn biến rất phức tạp, lực lượng chức năng đã xử lý 163 vụ, 175 đối tượng sử dụng vũ khí thô sơ (chiếm 33,2% tổng số vụ, 31,5% tổng số đối tượng).
Các loại vũ khí này khi đối tượng sử dụng để gây án, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nguy hiểm như vũ khí quân dụng nhưng theo quy định của luật hiện hành thì súng tự chế, vũ khí thô sơ không thuộc danh mục vũ khí quân dụng.
Vì vậy, cần thiết phải bổ sung quy định súng tự chế vào nhóm vũ khí quân dụng; dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ; khi đối tượng sử dụng vũ khí thô sơ với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khoẻ con người trái pháp luật thì được xác định là vũ khí quân dụng nhằm mục đích điều chỉnh nhận thức, hành vi của đối tượng, giảm nguồn tội phạm.
Thượng tá Trần Hữu Cảnh cho biết thêm, trên địa bàn Hà Tĩnh hiện có trên 200 đầu mối của các lực lượng chức năng như: Công an, kiểm lâm, bảo vệ cơ quan... đang được trang bị nhiều loại vũ khí, công cụ hỗ trợ và hằng năm, các cơ quan, tổ chức thường xuyên phải thực hiện các thủ tục hành chính về cấp các loại giấy phép, giấy xác nhận về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ. Luật hiện hành có 30 điều quy định về các thủ tục này.
Tuy nhiên, có một số thành phần hồ sơ không còn cần thiết và chưa quy định cách thức thực hiện trên cổng dịch vụ công; quy định về thời hạn của giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ có thời hạn 5 năm đã có nhiều bất cập, gây hạn chế trong quá trình quản lý, sử dụng.
Do vậy, cần sửa đổi các nội dung trên theo hướng cắt giảm thành phần hồ sơ, không quy định thời hạn của giấy phép và chuyển việc cấp giấy xác nhận đăng ký sang cấp giấy phép sử dụng, đồng thời nộp hồ sơ trên cổng dịch vụ công để đảm bảo cải cách hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.
“Từ những bất cập, “lỗ hổng” trong quá trình triển khai thực tiễn, chúng tôi nhận thấy, việc sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ năm 2017 là cần thiết, nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành luật; cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các giấy tờ không cần thiết nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và người dân. Đồng thời, tạo hành lang pháp lý vững chắc trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này” - Thượng tá Trần Hữu Cảnh nhấn mạnh.