Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình
Đề án Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp thời gian qua đạt những thành tựu nổi bật, nhất là từ khi Luật Giám định tư (GĐTP) pháp có hiệu lực. Đó là nhờ sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Ban chỉ đạo Đề án 258 Trung ương, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, nhất là các tổ chức, cá nhân thực hiện yêu cầu giám định với các cơ quan giám định như công an, toà án, ngân hàng, tài chính, môi trường, y tế…
Những chuyển biến và thành tựu rõ rệt trên cho thấy công tác GĐTP ngày càng đi vào nền nếp, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Trong quá trình thực hiện Đề án 258, Ban chỉ đạo nhìn nhận và đánh giá được hiệu quả của việc thực hiện đề án tại các bộ ngành, địa phương.
Tuy vậy, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về GĐTP, nhất là giám định vụ việc phục vụ cho đấu tranh phòng chống tham nhũng; quy định chặt chẽ về thời hạn trưng cầu giám định, ban hành các quy chuẩn giám định phù hợp với từng giám định như tài chính, xây dựng, GTVT, y tế; xác định rõ cơ chế đánh giá; quy định cụ thể trách nhiệm trong kết luận giám định; quy định các biện pháp xử lý với cơ quan từ chối, né tránh giám định hoặc ban hành kết luận giám định chung chung, không rõ ràng…
Cũng sau 5 năm thực hiện Đề án 258, Ban chỉ đạo đã thành lập gần 30 đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra việc triển khai, thực hiện đề án tại một số bộ, ngành và các địa phương. Đến nay, ban chỉ đạo đã kiểm tra tại 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và một số bộ, ngành. Thông qua công tác kiểm tra đã từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp ở địa phương, trong đó tiêu biểu là các tỉnh: Vĩnh Phúc, Nghệ An, thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang.
Điểm cầu Hà Tĩnh
Đối với Hà Tĩnh, sau khi Đề án 258 của Trung ương được triển khai thực hiện, Sở Tư pháp đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án của tỉnh. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ giám định tư pháp đã hoạt động tích cực, đáp ứng tình hình thực tế của địa phương. Công tác tổ chức giám định tư pháp trong các lĩnh vực pháp y, kỹ thuật hình sự từng bước được củng cố, kiện toàn cả về nhân lực và thiết bị máy móc phục vụ cho công tác giám định tư pháp.
Sau 5 năm thực hiện, Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh đã giám định gần 3.700 vụ việc các loại; Trung tâm Pháp y tỉnh thực hiện giám định trên 570 vụ việc. Tất cả các vụ việc, vụ án giám định có yêu cầu giám định đều được tiếp nhận, tiến hành giám định theo đúng quy định của luật.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao công tác GĐTP đã có nhiều thay đổi sau khi ban hành Đề án 258. Trong 5 năm thực hiện, hầu hết các nhiệm vụ lớn của đề án đã được các bộ, ngành, địa phương thực hiện, nhất là công tác tiến hành tố tụng, hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác cải cách tư pháp, nhu cầu giám định tư pháp của các tổ chức, cá nhân trong các quan hệ hành chính, dân sự.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng chỉ ra những yếu kém trong công tác GĐTP, nhất là thực hiện giám định phục vụ cho yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng, môi trường, đất đai, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đồng thời đề nghị các cơ quan liên quan sớm nghiên cứu việc xây dựng các tổ chức giám định độc lập theo hình thức xã hội hóa và cán bộ chuyên trách giám định trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai, xây dựng... đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác giám định hiện nay.
Tại hội nghị, Bộ Tư pháp đã tặng bằng khen cho 38 tập thể và 36 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp.