Được biết hiện nay, Không quân Việt Nam đã đưa sang Nhà máy sửa chữa máy bay số 558 đặt tại Baranovichi, Belarus một cặp tiêm kích chiếm ưu thế trên không Su-27 Flanker để tiến hành đại tu giữa vòng đời.
Cần lưu ý rằng mặc dù hiện nay Nhà máy A32 - Cục Kỹ thuật, Quân chủng Phòng không - Không quân cũng đủ khả năng tự đại tu, sửa chữa lớn tiêm kích Su-27 và thậm chí đã sửa chữa cục bộ được cho Su-30MK2 nhưng tiến độ chưa đáp ứng được yêu cầu.
Để đẩy nhanh việc đưa toàn bộ phi đội Su-27 vào tình trạng trực chiến với hệ số kỹ thuật tốt, Việt Nam đã quyết định sẽ đưa một số máy bay sang Belarus để đại tu, song song với dây chuyền trong nước, đây cũng có thể là một biện pháp nhằm đối chứng chất lượng.
Mới đây hình ảnh chiếc Su-27UBK số hiệu 8523 của Việt Nam sau khi hoàn thành quá trình sửa chữa lớn và bay thử đã được đăng tải, máy bay có lớp sơn khá bắt mắt tương tự như Su-30MK2 hay những chiếc Su-27 do Nhà máy A32 đại tu.
Tiêm kích Su-27UBK số hiệu 8523 của Không quân Việt Nam bay thử tại Baranovichi, Belarus. Ảnh: Jetphotos.
Ngoài ra còn chi tiết nữa cũng rất đáng quan tâm đó là Nhà máy 558 của Belarus chính là cơ sở nổi tiếng với việc nâng cấp Su-27SK và Su-27UBK lên chuẩn Su-27SKM và Su-27UBM, không loại trừ khả năng những chiếc Su-27 của chúng ta cũng được hiện đại hóa giữa vòng đời chứ không đơn thuần chỉ là đại tu.
Su-27SKM là phiên bản xuất khẩu của tiêm kích đa năng 1 chỗ ngồi Su-27SM, nó được giới thiệu lần đầu tại Triển lãm Hàng không China Air Show 2004. Su-27SKM bao gồm những nâng cấp về buồng lái với màn hình hiển thị LCD hiện đại, hệ thống phòng vệ - tác chiến điện tử sử dụng công nghệ số tinh vi và bổ sung chức năng tiếp nhiên liệu trên không.
Su-27SKM đã thay thế radar ngắm bắn đơn nhiệm N001 bằng radar đa năng N001 VEP, giúp máy bay có thể sử dụng các loại vũ khí hàng không tiên tiến gồm tên lửa không đối không RVV-AE; tên lửa không đối đất Kh-29T/TE/L, Kh-31A/P và bom thông minh KAB-500KR/1500KR. Khung thân máy bay cùng với động cơ được kéo dài thời hạn sử dụng thêm 15 - 20 năm nữa.
Theo đánh giá, tiêm kích Su-27SK sau khi nâng cấp lên chuẩn Su-27SKM sẽ có khả năng chiến đấu tương đương Su-30MK2. Trong khi đó Su-27UBM chính là phiên bản Su-27UBK nâng cấp theo chuẩn Su-27SKM, kết cấu buồng lái 2 chỗ ngồi khiến nó giống với Su-30MK2 hơn cả Su-27SKM.