Số liệu này tổng hợp doanh số của VAMA (36.962 xe), TC Motor - hãng phân phối xe Hyundai (7.069 xe) và VinFast (2.567 xe). Do còn nhiều hãng không công bố số liệu bán hàng như Nissan, Subaru, Volkswagen hay các hãng xe sang gồm Audi, Mercedes, Volvo... nên lượng bán thực tế của thị trường còn lớn hơn.
Thị trường ôtô tháng 3 sôi động trở lại sau Tết Âm lịch, doanh số của các hãng đều tăng trưởng dương so với tháng 2. Nhờ các sản phẩm mới ra mắt liên tục , thuộc nhiều hãng như Toyota, Suzuki, Hyundai, người dùng có nhiều lựa chọn hơn. Ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ vẫn đang được áp dụng (kéo dài đến hết tháng 5) cũng giúp sức mua ôtô tăng trưởng.
Kết thúc quý I, lượng bán lũy kế của VAMA đạt 85.797 xe, tăng 19% so với cùng kỳ 2021. Ngoại trừ Ford giảm 44%, doanh số các hãng thuộc tổ chức này đều tăng trưởng. Toyota vẫn là đầu tàu khi bán 18.633 xe, kế tiếp là những thương hiệu như Kia, Mazda, Honda, Mitsubishi.
Sau 3 tháng đầu 2022, thương hiệu Hyundai có 18.670 xe đến tay khách hàng, dẫn đầu doanh số toàn thị trường nhưng xét riêng mảng xe con, Toyota vẫn là hãng về nhất. VinFast bán hơn 6.700 xe với phần đóng góp lớn nhất đến từ chiếc xe đô thị cỡ A, Fadil (chiếm gần 70% tổng lượng bán). Mẫu xe thuần điện phổ thông VF e34 đến nay có tổng 505 chiếc giao đến khách.
Đại diện các hãng xe cho biết, sức mua ôtô của người Việt tiếp tục tăng trưởng trong những tháng tới, nhất là khi ưu đãi giảm lệ phí trước bạ (Nghị định 103) chỉ còn hiệu lực hai tháng. Tuy nhiên, tình trạng khan hàng trên diện rộng , cả ở xe phổ thông lẫn cao cấp, có thể khiến lượng tiêu thụ của thị trường không như kỳ vọng.
Tình trạng cầu vượt cung khiến nhiều mẫu xe đội giá tại đại lý hàng chục triệu đồng bằng hình thức “bán bia kèm lạc”. Những trường hợp kể đến như Toyota Veloz Cross, Hyundai Santa Fe, Tucson, Ford Ranger ...