Chiều 21/11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong 10 năm số thiệt hại do tham nhũng là hơn 59.750 tỷ đồng và 400 ha đất, nhưng chỉ thu hồi được 4.676 tỷ đồng (tương đương 7,82%) và 216 ha đất.
Chiều 21/11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng chống tham nhũng. Ảnh: TTXVN
Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) cho biết, số tiền này được cử tri so sánh bằng số tiền nộp ngân sách đầu tư xây đường cao tốc giai đoạn Bắc – Nam giai đoạn 2017 – 2020 (55.000 tỷ đồng), hoặc bằng thu ngân sách trong vòng 5 năm của một tỉnh nghèo. Cử tri rất xót xa và bức xúc vì tình trạng thu hồi tài sản tham nhũng như “muối bỏ bể” này.
Theo đại biểu Thu Trang, cử tri kỳ vọng có sự bứt phá và “bàn tay thép” trong thu hồi tài sản tham nhũng trong dự thảo luật lần này nhưng vẫn chưa có quy định bứt phá.
Theo các đại biểu, pháp luật hiện hành chưa có cơ chế để xử lý đối với tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp. Thực tiễn vừa qua có một số trường hợp kê khai không đúng nhưng chỉ xử lý kỷ luật người kê khai, có thể là khiển trách, cảnh cáo, thậm chí là cách chức chứ "không thể đụng được vào khối tài sản không giải trình được nguồn gốc" của họ.
Muốn xử lý tịch thu khối tài sản này thì phải thông qua một vụ án hình sự, từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và điều này là rất khó khăn.
Do vậy, để khắc phục tình trạng này, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang cho rằng, cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó phải coi việc thu hồi tài sản là "vấn đề cốt tử". Người có tài sản phải giải trình nguồn gốc tài sản; cơ quan nhà nước chứng minh được vi phạm, tội phạm.
Đặc biệt, việc xử lý này cũng phải phù hợp với thực tiễn của người Việt Nam. Vì người Việt có thói quen sử dụng tiền mặt; sự dành dụm tích lũy từ đời này sang đời khác, vay mượn hỗ trợ nhau trong cuộc sống. Đa số công chức, công nhân vẫn có tiền mua đất xây nhà, tài sản hợp pháp có thể từ các nguồn như: lương, thưởng, hỗ trợ của người thân, vay mượn. Tuy nhiên, trong tình huống này "bắt chứng minh" là hợp pháp rất khó.
Nhiều đại biểu cho rằng cần có quy định để cơ quan Nhà nước được tham gia sớm, sâu vào truy thu, phong tỏa, kê biên tài sản tham nhũng. Đăc biệt, cần bổ sung một chương riêng về thu hồi tài sản tham nhũng, theo đó quy định cụ thể về nguyên tắc, trình tự thủ tục của một số nội dung; quy định trách nhiệm pháp lý của các cơ quan chức năng không tuân thủ nguyên tắc trên khiến tài sản bị tẩu tán, thất thoát…
Các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm thu hồi tài sản ở các nước. Đối với kinh nghiệm của Singapore, họ không chỉ ban hành luật riêng về chống tham nhũng mà Singapore còn có luật riêng về thu hồi tài sản tham nhũng, trong đó có các quy định rất cụ thể về căn cứ, điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thu hồi tài sản tham nhũng.
Hay Trung Quốc không có luật riêng về phòng, chống tham nhũng, nhưng các quy định về phòng, chống tham nhũng của Trung Quốc được đặt trong các luật chuyên ngành. Để xử lý đối với tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp thì Trung Quốc đã bổ sung vào Bộ luật Hình sự.
Theo đó, bất kỳ công chức công nào có tài sản hoặc chi tiêu vượt quá thu nhập hợp pháp, nếu có sự khác biệt lớn thì đều có thể bị yêu cầu giải trình về nguồn gốc hợp pháp của tài sản đó. Nếu công chức không giải trình được thì phần tài sản vượt quá thu nhập hợp pháp sẽ bị coi là tài sản bất hợp pháp và bị tịch thu. Ngoài ra còn có thể bị phạt tù đến 5 năm.