Một phần bên trong lăng chính của Tần Thủy Hoàng được vẽ lại
Vào năm 246 trước công nguyên, tức năm 13 tuổi khi vừa lên ngôi, Tần Thủy Hoàng bắt đầu ra lệnh xây dựng lăng mộ. Vị Hoàng đế này nổi tiếng là người bị ám ảnh bởi cuộc sống hiện tại và sau khi qua đời. Ông thường xuyên kiếm tìm trong thiên hạ phương thuốc trường sinh bất lão, đồng thời dựng lăng để đảm bảo cuộc sống ở “bên kia thế giới”.
Công trình xây dựng trong tổng thời gian 38 năm, với nguồn nhân lực khổng lồ lên tới 720,000 người. Nhằm giữ bí mật về thông tin bên trong lăng mộ cũng như khối lượng của cải cất giấu, nhà Tần đã tiêu diệt hết những người tham gia xây dựng. Trên thực tế, công trình được hoàn thiện một vài năm sau khi vị vua này băng hà.
Năm 1974, một nhóm nông dân ở Thiểm Tây trong quá trình đào giếng bỗng bắt gặp những binh sỹ bằng đất nung. Đây là dấu hiệu khởi đầu cho việc phát hiện một trong những di tích vĩ đại nhất mọi thời đại.
Suốt gần nửa thế kỷ, các nhà khoa học tìm thấy khoảng 2000 binh sỹ bằng đất nung chôn trong lăng mộ. Ước tính, đội quân đất nung lên tới 8000 người, nhưng các nhà khảo cổ vẫn chưa khai quật hết bởi phần lớn lăng mộ chưa được khám phá.
Năm 1974, một phần hầm mộ được khai quật, là đường hầm “binh mã dũng số 1”. Tại đây, các nhà khảo cổ phát hiện thấy hàng nghìn tượng binh mã bằng đất sét, có quan văn, quan võ, binh lính, người trung thành với Tần Thủy Hoàng. Dù là tượng nhưng mỗi gương mặt được trạm khắc khác nhau. Đến năm 1994, đường hầm số 2 được khai quật. Đây là nơi được coi là “tinh hoa trong tinh hoa”, bao gồm các trận chiến kỵ binh cùng cung thủ với nhiều tư thế bắn phong phú.
Tuy nhiên, việc khai quật gặp rất nhiều khó khăn và phần lớn chưa thể hoàn thành. Một trong những nguyên nhân quan trọng liên quan tới vấn đề kinh tế và trình độ khoa học thời điểm hiện tại.
Từ những năm 1976, nhiều học giả đề xuất việc khám phá lăng mộ ngầm, nhưng cản trở lớn nhất đến từ công nghệ hiện tại chưa thể ứng phó kịp với quy mô lớn của “cung điện ngầm”. Nhiều hiện vật quý được chôn dưới đất ngầm hàng nghìn năm, nếu tiếp xúc với không khí bên ngoài sẽ dễ dàng hư hỏng nặng.
Bởi vậy, việc bảo tồn hiện vật quý hiếm trong hầm mộ đang là bài toán khó. Trong tương lai, nếu nhiều công nghệ kỹ thuật hiện đại hơn nữa, phương pháp khai quật tiến bộ, nhiều bí mật bên trong mới được giải đáp.
Ngoài ra, việc khai quật gặp rất nhiều khó khăn khi trong những lần khảo cổ, các nhà khoa học nhận thấy lượng thủy nhân ở đây cao gấp 280 lần bình thường, trùng hợp với tư liệu ghi lại trong bộ sử ký của Tư Mã Thiên về “những dòng sông thủy ngân” trong lăng mộ. Được biết, khí độc của thủy ngân vừa có tác dụng diệt khuẩn, vừa là vũ khí giết chết những kẻ liều lĩnh dám xâm phạm chốn yên nghỉ của Hoàng đế.