Pho tượng Nguyễn Du bằng gỗ gù hương lớn nhất Việt Nam của ông Nguyễn Lê Huy được xác lập kỷ lục Việt Nam đang được trưng bày tại Khu lưu niệm Nguyễn Du |
Trước tác mà Nguyễn Du để lại cho đời là hai mảng sáng tác bằng chữ Hán và chữ Nôm, có cả Đường thi và lục bát, thơ trường thiên, đoản thiên. Mỗi thể tài, Nguyễn Du đều có những đóng góp lớn cho văn học dân tộc và thế giới. Trên hết thảy, vượt thoát từ các tác phẩm của cụ Nguyễn chính là tình yêu thiết tha với con người, đề cao quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc, lên án các thế lực chà đạp, bênh vực những người yếm thế (như những thân phận mà Nguyễn Du gặp trên hành trình đi sứ)... Đấy là các vấn đề mà người đời xưa, cách đây hơn 200 năm và người đời nay đều đặt ra để suy nghĩ và hành động, dù cho thời đại mới đã bổ sung các giá trị tiến bộ như: bình đẳng, dân chủ, tự do...
Không chỉ vậy, sự trăn trở của Nguyễn Du còn được thể hiện ở những chiêm nghiệm nhân sinh, đúc rút thành những câu thơ đầy minh triết. Nói theo cách của Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đinh Thế Huynh: “Nhiều câu thơ của Nguyễn Du là sự khái quát thành những triết lý nhân sinh sâu sắc về cuộc đời, con người và những cảnh huống của đời người. Đó không phải là vấn đề của một thời mà là của nhiều thời”.
Trong hành trình thời hiện đại, người ta càng cảm phục, đề cao Nguyễn Du hơn, bởi ông sống vào thời loạn lạc, chứng kiến nhiều cuộc bể dâu. Bản thân ông cũng lay lắt và trôi dạt tựa cánh bèo, dầu xuất thân trong “danh gia vọng tộc”.
Biểu diễn nghệ thuật tại Hội thảo quốc tế kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du |
Đỉnh cao trong sáng tác của cụ Nguyễn, cũng là đỉnh cao trong kho tàng văn học dân tộc ấy là kiệt tác Truyện Kiều, tác phẩm mà nói như Đỗ Lai Thúy là “trong hình dung của anh và của tôi là không giống nhau”.
Ngay khi mới ra đời, giá trị của tác phẩm đã được các nhà nho coi là tuyệt bút, từ đó, ca ngợi Nguyễn Du “có con mắt trông suốt sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời” (Mộng Liên Đường chủ nhân). Với khả năng sáng tạo thi ca bậc thầy, Nguyễn Du đã làm cho Truyện Kiều trở thành tác phẩm thi ca tiêu biểu của người Việt, mở rộng sự giao lưu và đối thoại văn hóa.
Đóng góp vĩ đại của Nguyễn Du chính là làm cho ngôn ngữ thi ca có nhiều nét mới, khẳng định giá trị của hệ thống truyện Nôm bình dân. Xây dựng trên nền tảng cốt truyện về tài tử giai nhân, nhưng Nguyễn Du - bằng kinh nghiệm nghệ thuật đã tạo dựng trong tác phẩm những chân dung sống động, chân thực thông qua cách kể chuyện linh hoạt; đã khéo léo sử dụng tiếng Việt tài tình, tạo nên những câu thơ vừa đẹp, vừa chính xác một cách “vô tiền khoáng hậu”, rất giản dị, bình dân mà cũng thấm đẫm tinh thần cao nhã.
Cũng từ sáng tạo ấy, Nguyễn Du đã đưa thể loại lục bát vốn dĩ gắn với ca dao, dân ca, với những cặp câu ngắn trở thành một truyện thơ dài 3.254 câu, chinh phục cả giới bình dân lẫn bác học và cả những chính khách quốc tế. Chính từ những đóng góp thiên tài ấy mà vị trí của Nguyễn Du trong nền văn hóa dân tộc, ở tinh thần phục hưng, đã được ví như Dante trong văn học Italia, Shakespeare trong văn học Anh. Hay nói theo nhận định của nhà văn hóa Phạm Quỳnh “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. Đấy là những nhận định vô cùng quan trọng trong giai đoạn chúng ta đang thực hiện chủ trương tìm về giá trị dân tộc để hướng tới hội nhập và phát triển.
Du khách ngắm bộ tranh phóng tác Truyện Kiều đang trừng bày trong khuôn viên Khu lưu niệm Nguyễn Du |
Với giá trị là kiệt tác, kết tinh tinh hoa ngôn ngữ và phong hóa, Truyện Kiều ngay từ sớm đã trở thành tác phẩm được người nước ngoài ưa chuộng. Từ cuối thế kỷ XIX, tác phẩm đã được dịch ra tiếng Pháp. Cho đến nay, Truyện Kiều đã có hơn 30 bản dịch ra hơn 20 thứ tiếng trên thế giới. Điều này có nghĩa, Truyện Kiều đã được đông đảo công chúng ở các nền văn hóa khác nhau tiếp nhận, từ đó, góp phần hiểu về văn hóa dân tộc nói riêng, phong tục người phương Đông nói chung. Đấy lại là một đóng góp lớn, rất quan trọng trong giai đoạn tăng cường, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế, nhất là xu hướng sử dụng “sức mạnh mềm” làm tài sản của quốc gia. Từ đây, giải thích tại sao, tháng 11/2000, ngài Bill Clinton, bấy giờ là Tổng thống Mỹ đã lẩy Kiều khi sang thăm Việt Nam: Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân. Và mới đây, tháng 7/2015, ngài Phó Tổng thống Joe Biden khi tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mượn 2 câu Kiều để “ngỏ ý”: Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời.
Sức sống từ tác phẩm đã làm cho tên tuổi của Nguyễn Du lan tỏa một cách không bờ bến, đến nhiều quốc gia, nhiều vùng văn hóa. Năm 1965, Hội đồng Hòa bình thế giới và Việt Nam đã long trọng tổ chức kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du. Nếu nhìn trong bối cảnh lúc bấy giờ, khi chiến tranh còn leo thang ác liệt thì mới thấy được sự đánh giá cao vị trí của Nguyễn Du là như thế nào.
Sau sự kiện quan trọng ấy, tác phẩm của Nguyễn Du tiếp tục được nghiên cứu, dịch, quảng bá sâu rộng trong nước và quốc tế. Vào ngày 25/10/2013, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tổ chức phiên họp lần thứ 37, nhất trí biểu quyết vinh danh 108 danh nhân văn hóa thế giới, trong đó, có Nguyễn Du, đồng thời, thông qua Nghị quyết về việc tổ chức lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du trong năm 2015.
Nguyễn Du, thi nhân của muôn đời đã để lại nhiều đồng cảm và tình yêu thương hơn lời ông nghi vấn Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như? Điều đó cho thấy, những giá trị sáng tạo của ông là muôn đời, xuyên thời đại, là giá trị chung của con người, bất luận xuất phát từ các nền văn hóa, từ thể chế và bối cảnh KT-XH khác nhau.
Sự tỏa sáng các giá trị kết tinh trong trước tác của ông cũng đã cho thấy sự quan tâm của nhân loại đối với các giá trị văn hóa cốt lõi. Đó chính là tầm vóc của Nguyễn Du - thi nhân, danh nhân văn hóa thế giới.