Anh Vi Xuân Hường (SN 1979) - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Kim Quang (xã Quang Thọ, Vũ Quang) trao đổi với các tổ liên gia về kế hoạch cắt tỉa cây xanh, vệ sinh môi trường.
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận của hệ thống chính trị, trong đó có công tác dân vận của lực lượng vũ trang. Nhờ đó đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về vai trò, vị trí, nhiệm vụ công tác dân vận nói chung, công tác dân vận ở vùng đặc thù (vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo, vùng trọng điểm về quốc phòng, an ninh…) nói riêng.
Lực lượng vũ trang tỉnh đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng, củng cố tổ chức đảng, hệ thống chính trị; xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống cháy rừng…, tạo sự đồng thuận trong xã hội và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
Tuy nhiên, công tác dân vận ở vùng đặc thù của lực lượng vũ trang còn một số hạn chế: Công tác nắm, dự báo tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có thời điểm, có địa bàn chưa kịp thời; nội dung, kỹ năng, phương pháp vận động, tiếp cận quần chúng Nhân dân ở vùng đặc thù của một số đơn vị có lúc, có nơi thiếu hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu là do một số cấp ủy, đơn vị chưa tập trung cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo; phối hợp với các ban, ngành, địa phương trong công tác dân vận chưa chặt chẽ; việc bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp, kinh nghiệm công tác dân vận ở vùng đặc thù chưa được quan tâm đúng mức; một số cán bộ chưa sâu sát cơ sở.
Tổ công tác bản Rào tre (Đồn Biên phòng Bản Giàng) hướng dẫn bà con dân tộc Chứt tích cực tham gia các hoạt động tập thể, xung kích đi đầu trong phát triển kinh tế
Để thực hiện hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của lực lượng vũ trang Quân khu 4 ở vùng đặc thù trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo” của Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các đảng đoàn, ban cán sự đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành cấp tỉnh; các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
1. Quán triệt đầy đủ, nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận ở vùng đặc thù, Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của lực lượng vũ trang Quân khu 4 ở vùng đặc thù trên địa bàn Quân khu giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo”. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa chiến lược cả về trước mắt và lâu dài của hệ thống chính trị. Từ đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và Nhân dân trong triển khai thực hiện công tác dân vận ở vùng đặc thù.
Công an xã Hương Liên (Hương Khê) hướng dẫn bà con sử dụng tài khoản định danh điện tử
2. Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của lực lượng vũ trang Quân khu 4 ở vùng đặc thù trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo” nhằm huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo sự thống nhất trong chỉ đạo triển khai thực hiện; các sở, ban, ngành cấp tỉnh và cấp huyện xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án lồng ghép với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; kết hợp ngân sách thực hiện đề án của Bộ Quốc phòng với ngân sách thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia được phân bổ hàng năm, kinh phí địa phương và nguồn ngân sách xã hội hóa để thực hiện hiệu quả đề án.
3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền và vai trò nòng cốt trong tham mưu và triển khai tổ chức thực hiện của cơ quan quân sự, công an, biên phòng và các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác dân vận ở vùng đặc thù. Tập trung xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế tham mưu, phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với các lực lượng của Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 đóng quân trên địa bàn trong nắm tình hình và tiến hành công tác dân vận ở vùng đặc thù. Chú trọng công tác tiếp dân, đối thoại với dân, giải quyết kịp thời, có hiệu quả những kiến nghị hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, nhất là ở những vùng đặc thù.
Thiếu tá Nguyễn Khắc Hào - Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (BĐBP Hà Tĩnh) xuống tận thôn bản gặp gỡ cán bộ thôn xóm để vừa nghe ngóng thông tin, nắm bắt tình hình, vừa tạo sự gần gũi, khăng khít với nhân dân.
4. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và cấp ủy, chính quyền cấp huyện tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang trực tiếp làm công tác dân vận ở vùng đặc thù. Các cơ quan chức năng phối hợp làm tốt công tác phát triển đảng và quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ địa phương cơ sở từ nguồn quân nhân xuất ngũ; tham mưu chỉ đạo một số địa phương cấp huyện, cấp xã làm trước rút kinh nghiệm và nhân rộng trong toàn tỉnh.
5. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác dân vận ở vùng đặc thù; tổ chức sơ, tổng kết định kỳ 6 tháng, hằng năm, đánh giá kết quả thực hiện, rút kinh nghiệm; biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; nhắc nhở, phê bình các tập thể, cá nhân thực hiện chưa tốt; xử lý nghiêm túc, kịp thời các sai phạm trong việc sử dụng các nguồn lực thực hiện đề án.
Lực lượng bộ đội thực hiện chương trình hành quân dã ngoại làm công tác dân vận đợt 1 tại xã Sơn Kim 1 (Hương Sơn).
6. Tổ chức thực hiện
- Các đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; các huyện, thành, thị ủy theo chức năng, nhiệm vụ, tổ chức quán triệt, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Chỉ thị nghiêm túc, kịp thời.
- Giao Đảng ủy Quân sự tỉnh chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp các cơ quan, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của lực lượng Quân khu 4 ở vùng đặc thù trên địa bàn Hà Tĩnh giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo”; lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước, ngân sách Bộ Quốc phòng và nguồn xã hội hoá để triển khai thực hiện hiệu quả đề án; theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện, định kỳ báo cáo theo quy định.
- Ban Dân vận Tỉnh ủy, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội: phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trong xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện; chỉ đạo, phối hợp vận động Nhân dân, đoàn viên, hội viên tích cực tham gia, giám sát và phản biện việc thực hiện đề án; định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Chỉ thị này phổ biến đến các chi bộ và các đơn vị, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang.