Đối tượng Trần Hồng Quân (SN 1971, trú tại TDP 4, thị trấn Xuân An, Nghi Xuân) cùng tang vật bị Công an huyện Nghi Xuân bắt trước giao thừa Mậu Tuất khoảng 15 phút
Dịp nghỉ Tết Mậu Tuất 2018 vừa qua, tình trạng đốt pháo trên địa bàn Hà Tĩnh tăng mạnh. Cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ 146 vụ/151 đối tượng tàng trữ, sử dụng pháo trái phép (tăng 74 vụ so với Tết Đinh Dậu 2017), trong đó riêng đêm giao thừa bắt giữ 135 vụ/137 đối tượng. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này?
Pháo thường thẩm lậu vào Hà Tĩnh bằng nhiều đường khác nhau, đầu tiên là qua các đường tiểu mạch các cửa khẩu (Cầu Treo, Lao Bảo), các tỉnh lân cận như: Nghệ An, Quảng Bình… rồi được vận chuyển vào địa bàn. Nhiều trường hợp đi làm ăn xa khi về quê ăn Tết cũng vận chuyển pháo để bán, sử dụng… nên tình hình sử dụng pháo rất khó kiểm soát, đặc biệt là vào đêm giao thừa.
“Các đối tượng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo thường sử dụng nhiều hình thức rất tinh vi để đối phó với cơ quan chức năng như: ngụy trang bằng cách cho pháo vào các hộp, thùng hàng ghi nhãn hiệu của các loại hàng hóa thông thường như trái cây, hàng dễ vỡ rồi dán kín, sau đó vận chuyển bằng các loại xe khách, xe buýt dưới hình thức gửi hàng có cước phí tránh sự nghi ngờ của các nhà xe cũng như cơ quan chức năng. Khi vận chuyển đến địa điểm đã hẹn trước, đối tượng thường cử người cảnh giới, nếu bị phát hiện thì đối tượng không nhận hàng của mình và tìm cách tẩu thoát”, Thượng tá Nguyễn Quang Tuệ - Trưởng Công an huyện Hương Sơn cho biết.
Công an thị xã Kỳ Anh phát hiện, tạm giữ hành chính 58 đối tượng có hành vi tàng trữ, đốt pháo nổ.
Mặt khác, hiện nay, việc đấu tranh, xử lý hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các loại pháo gặp khó khăn do Luật Đầu tư 2014 - có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017 quy định bổ sung “kinh doanh pháo nổ” là ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, còn việc kinh doanh các loại pháo khác là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo đó, hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ khi có đủ căn cứ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng các loại pháo khác (gồm pháo hoa, pháo hoa đơn, pháo hoa kép,…) là hàng hóa kinh doanh có điều kiện, không xem xét trách nhiệm hình sự.
Nếu quy định pháo hoa là mặt hàng kinh doanh có điều kiện và chỉ bị xử lý vi phạm hành chính thì chắc chắn tình hình buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo sẽ ngày càng phức tạp. Luật sư Lê Hùng (Văn phòng luật sư Lê Hùng, TP Hà Tĩnh) | ||
Theo Đại úy Nguyễn Viết Đường - Phó trưởng Công an huyện Cẩm Xuyên, việc giám định để xử phạt vi phạm hành chính đối với người vận chuyển pháo cũng gặp khó khăn. Theo quy định, trong thời hạn 7 ngày kể từ khi lập biên bản, cơ quan chức năng phải ra quyết định xử phạt hành chính, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 1 tháng.
"Thời gian ra quyết định xử phạt ngắn trong khi kết quả giám định không thể có ngay, nhiều trường hợp phải hơn 1 tháng mới có kết quả nên cũng ảnh hưởng đến hiệu quả đấu tranh và việc xử lý của các cơ quan chức năng", Đại úy Nguyễn Viết Đường chia sẻ.
Trong đợt cao điểm ra quân phòng, chống, tấn công trấn áp tội phạm từ ngày 16/12/2017 đến ngày 16/1/2018, lực lượng Công an toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 68 vụ/80 đối tượng liên quan đến hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo, thu giữ gần 900 kg pháo. Riêng đêm giao thừa, Công an Hương Sơn phối hợp phát hiện, bắt giữ 11 vụ/6 đối tượng; Công an huyện Lộc Hà phát hiện, bắt giữ 26 đối tượng; Công an thị xã Kỳ Anh bắt, tạm giữ hành chính 58 đối tượng có hành vi tàng trữ, đốt pháo nổ… Ngoài ra, lực lượng Công an còn ghi hình các trường hợp sử dụng pháo nổ để làm tài liệu xử lý các đối tượng vi phạm sau Tết. |