Luôn trong ký ức người viết là những cái tết gian khó của ngày xưa, để cứ đến đầu tháng Chạp lại thẫn thờ nhớ về ngôi nhà cấp 4 lợp ngói ta, tường ẩm mốc loang lổ rêu, nơi cả gia đình bảy người đùm rúm nhau trong tiết trời giá lạnh cuối năm. Trong mảnh ký ức còn sót lại mãnh liệt và dai dẳng là cái rét thấu xương, bầu trời mờ đục dưới màn mưa phùn lâm thâm, mấy chị em đi học về là xúm quanh lò than hoa ấm sực của bà nội, nơi đó tỏa ra mùi quết trầu cay nồng, và cái tết của chúng tôi bắt đầu từ lúc ấy, khi bà chỉ đàn gà bảo để cúng giao thừa, con lợn kia đến hăm bảy thì cân, xâu nấm nọ để dành nấu bóng, cân gạo ngon này gói bánh chưng... tất cả đều dành để ăn Tết, để cúng ông bà ông vải.
Tết là sự kiện quan trọng bậc nhất đối với tất cả mọi người lúc bấy giờ, và có lẽ đến bây giờ vẫn vậy. Rạo rực, bồn chồn từ những lời bà kể, những món bà dành dụm cho ba ngày tết, chúng tôi háo hức khoe nhau đã sắm được những gì, “năm nay nhà tao sẽ gói ba chục bánh”, “mẹ tao hứa may cho áo nhung hồng”, “bố tao bảo năm nay mua pháo Điện Quang nổ cho đanh”... Chúng tôi cứ ăn tết suông như thế từ những ngày đầu tháng Chạp, rồi cứ háo hức mong ngóng một cái gì lớn lao lắm sắp xảy ra, mà vô tư đâu biết nét lo âu hằn trên khuôn mặt mẹ, đâu biết cái món vay đảo ngói đến tết phải trả, cái món giữa năm sửa nền nhà bị trũng cũng hẹn đến tết, món giật tạm đóng tiền học cho mấy chị em mẹ hứa cuối năm sẽ hồi lại cho người ta... Tất cả đều là tết, một dấu mốc “thiêng” trong chuỗi ngày thiếu thốn, giật gấu vá vai thuở ấy...
Qua rằm tháng Chạp là thời gian trôi nhanh vùn vụt. Cứ đến dịp này tôi lại trởvề tìm nh trong ng ngày xưa ấy. Ở nơi có cái dáng gầy gò của mẹ ngồi gói bánh chưng tối 28 để ngày 29 mấy bà cháu luộc bánh. Bà nội sẽ đặt nồi nước thơm gồm lá bưởi, hương nhu, sả, bồ kết bên cạnh bếp lửa để tắm tất niên. Mẹ tất tả đi làm về rồi cầm tem phiếu sấp ngửa chạy ra cửa hàng mậu dịch xếp hàng mua “Túi hàng tết”. Chúng tôi cứ yên tâm tận hưởng hương vị tết trong tiếng pháo tép đì đẹt, trong mùi tết nồng nàn khắp không gian, còn ngoài kia đã có mẹ, một tay mẹ mang lại cả cái tết đầm ấm cho gia đình...
Rồi lại thấy dáng lưng còng của bà nội đứng trước bàn thờthắp hương đêm Giao thừa. Bà tôi, một người đàn bà không biết chữ nhưng là cuốn “từ điển sống” về hèm tục. Lời rủ rỉ của bà đã ngấm vào tâm hồn ngây thơ của những đứa cháu bé bỏng từ lúc nào, và vẫn theo chúng tôi đến tận bây giờ. Là đứa cháu ngoan của bà, nên đến Giao thừa tôi sẽ có nhiệm vụ ra vòi nước công cộng xách một xô nước nhỏ về trút vào bể, rồi sẽ được bà mừng tuổi cho một tờ bạc mới toanh. Bà đã đi vào thiên thu, nhưng một phần những lời rủ rỉ của bà đã ở lại và được truyền cho các con của chúng tôi. Cứ thế, cái tết xa xưa cùng với những hèm tục của bà, những tất bật lo toan của mẹ, những háo hức thèm thuồng trẻ thơ đã chuyển động cùng với thời gian để đến giờ này tôi còn có cái để kể lại…
Nhớ lại năm xưa cũng là lúc hoài niệm về quá khứ, nhớ lại những người đã mất để trân trọng, biết ơn cội nguồn và thấy mình phải sống có trách nhiệm hơn! Và, cho dù là cái tết của một thời gian khó hay cái tết nay đã đủ đầy, thì đó vẫn là dịp hội tụ những giá trị truyền thống của dân tộc. Dù hòa nhập, dù hiện đại thế nào thì mạch ngầm văn hóa ấy cũng cần được giữ gìn, phát huy, vì đó đã từng và vẫn luôn là những ngày sum vầy, đoàn viên của người Việt. Rất mong sao, trong cơn biến cố do đại dịch gây ra thì tất cả những người con đất Việt dù ở đâu vẫn luôn hướng về tết cổ truyền bằng sự rung cảm từ quá khứ và lạc quan hướng đến tương lai.