Tết về ngang ngõ... Ảnh Đức Anh Nguyễn
Có bao nhiêu hương vị tết thì gần như cũng có chừng ấy cách đón tết. Những ngày này, đi giữa phố phường đầy sắc hương, tôi lại nhớ những con ngõ quê lặng lẽ. Lặng lẽ thế thôi nhưng phía sau ấy là bao nhiều rộn rã. Với người quê, tết vẫn là một dịp lễ rất thiêng liêng. Bởi thế nên, trong bao nhiêu thứ tiêu pha, người ta thường nói để dành tết hoặc chuẩn bị cho tết.
Với người nông dân, tết là dịp để nghỉ ngơi, thưởng thức thành quả của một năm lam lũ, nhọc nhằn. Thế nên, khi gây một đàn gà mới, người ta đã lưu tâm gây bao nhiêu con gà trống, gây trước bao nhiêu tháng để kịp đón tết. Những con gà đẹp nhất sẽ được chăm sóc cẩn thận để dâng cúng tổ tiên.
Bởi thế nên khi làm đất trồng rau, người ta thường dành ra khoảnh đất đẹp và trồng lên đó loại rau ngon nhất để đón tết. Hay khi trồng lúa, người ta cùng dành riêng một thửa ruộng, gieo lên đó giống nếp thơm ngon để đến có xôi, có cốm, có bánh chưng… Dẫu họ không diễn đạt bằng lời nhưng trong mỗi suy nghĩ, việc làm của họ đều tha thiết một tình cảm đặc biệt với tết cổ truyền.
Mùa xuân và tết về trong những chăm bón, vun trồng...
Bởi thế nên, những ngày này, ngang qua ngõ quê nào đó, ta đã thấy vị tết xôn xao. Ấy là mùi hương trầm ấm áp, là hương cốm dậy thơm, là tiếng chẻ lạt giang chuẩn bị gói bánh, là tiếng gọi gà thân thuộc, là tiếng người í ới nhau lên rừng cắt lá dong về gói bánh… Tất cả những điều đó hầu như năm nào cũng diễn ra, vậy nhưng, mỗi dịp tết đến, ta lại thấy thật tươi mới.
Bà Lưu Thị Bình, ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà) bộc bạch: “Trang trại gia đình trồng nhiều loại cây ăn quả và tôi thường để dành mỗi loại vài gốc để dâng cúng tổ tiên, dành tặng người thân, bạn bè nhân dịp tết”.
Tết cũng là dịp đặc biệt đối với những người nông dân chuyên sản xuất hàng hóa. Không chỉ là thời điểm “hái tiền” mà đó còn là thời điểm họ bán ra những sản phẩm tốt nhất, đẹp nhất. Trên những vườn cam trong thung sâu núi đồi, người dân đã bắt đầu cắt tỉa cam để bán. Tuy nhiên, những cây cam đẹp nhất, những quả cam đẹp nhất họ vẫn để dành cho dịp tết.
Bà Bùi Thị Bình (thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Hà) nâng niu từng quả bưởi dành riêng để dâng cúng tổ tiên trong ngày tết cổ truyền của dân tộc.
Chị Nguyễn Thị Khai ở thôn Kim Lĩnh, xã Kim Hoa (Hương Sơn) cho biết: “Trồng cam nhiều năm, chúng tôi tự mặc định, cam bù là cam tết. Bây giờ, diện tích cam tăng lên rất nhiều, nếu chỉ đợi tết thì khó tiêu thụ hết, thế nên, trước tết cả tháng, chúng tôi đã bắt đầu bán. Tuy nhiên, tâm lý “cam tết” vẫn ăn sâu vào suy nghĩ, chúng tôi vẫn dành những gốc cam đẹp nhất, ngon nhất, đợi áp tết mới bán. Chỉ nghĩ đến việc cam nhà mình được người mua nâng niu bày trên ban thờ ngày tết là có động lực chăm bón rồi”.
Tết, với người trồng đào lại càng trở nên đặc biệt. Phía sau những con ngõ sâu hun hút ở làng đào Xuân Sơn (xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Hà), tết đã về trên những thân cành khô cong mà dạt dào nhựa chảy. Những nụ hoa nở bói, những búp nụ tròn căng như nói với người nông dân về một mùa tết ấm áp sắp đến.
Chị Nguyễn Thị Xuân chủ vườn đào Dung Xuân (thôn Xuân Sơn) cho biết: “Năm nay, kinh tế khó khăn nhưng tôi tin người ta vẫn dành ra một khoản tiền để chơi hoa. Những gốc, cành đào phai trên dưới 1 triệu đồng chắc chắn sẽ khiến tết vừa đấm ấm, vui tươi mà vừa tiết kiệm. Đào nhà tôi năm nay vừa đủ đẹp để bán tết. Mấy hôm nay, người đến hỏi mua khá nhiều nhưng tôi chưa bán, đợi mấy hôm nữa, hoa bung nụ đẹp bán cho người ta mình cũng yên tâm hơn”.
Anh Phạm Song Hào đưa những cảm xúc mới về mùa xuân vào tranh tết.
Khi mùa xuân trở về biếc xanh trên cành lá, tâm hồn người nghệ sỹ cũng bắt đầu xôn xao những xúc cảm để sáng tác. Bao nhiêu chắt chiu từ những thu nhận, trải nghiệm của một năm dài chỉ chờ một màu trời, một tiếng chim “xúc tác” để tuôn trào. Người viết văn, người làm thơ, người vẽ tranh, người viết nhạc… mỗi một loại hình lại đem đến những giá trị nghệ thuật khác nhau, đem đến một không khí tết khác nhau.
Anh Phạm Song Hào - chủ phòng tranh Song Long Hào cho biết: “Năm nào tôi cũng làm tranh tết nhưng không phải lúc nào cũng đủ xúc cảm để vẽ. Để có những cảm xúc mới mẻ, tôi cũng phải chờ đợi không khí tết về giữa nhà mình mới có thể vẽ được. Hơn nữa, tôi cũng phải chờ tâm lý “sắm tết” của mọi người nữa, bởi rất nhiều bức tranh tôi vẽ theo đơn đặt hàng, mà khách thì cũng đợi tết về trong lòng mới đến đặt tranh”.
Có rất nhiều dấu hiệu để nhận ra hương vị tết. Với nhiều người, tết chỉ thực sự đến khi từ đầu ngõ, bóng dáng những đứa con đi xa đã về. Một năm nén buộc bao nhiêu lo lắng, chỉ chờ khoảnh khắc ấy để thở phào nhẹ nhõm, để rổn rảng, thảnh thơi sửa soạn đón tết trong ấm áp sum vầy.
Bà Nguyễn Kim Anh ở tổ dân phố Trung Đình, phường Thạch Quý (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Con tôi đều làm việc ở miền Nam, tết đến chỉ mong ngóng con cháu trở về. Năm nay, tình hình dịch bệnh phức tạp, ngỡ rằng không có cơ hội sum vầy nhưng thật may, cuối cùng con cháu tôi cũng đã sắp xếp được. Đứa về trước, đứa về sau nhưng như thế nghĩa là tết đã về trong nhà mình rồi”.
Sáng nay, bước chân ra ngõ, cây đào phai đã bung cánh đầy xao xuyến. Dẫu đang tất bật với bao nhiêu bận rộn, tôi cũng phải dừng lại đôi nhịp để ngắm nghía, để cảm nhận sự chậm rãi của thời gian. Để thấy, tết đã về ngang ngõ…