Bác Trọng mất rồi! Tổng Bí thư kính yêu của chúng ta đã ra đi mãi mãi! Cái tin đau lòng ấy như ngọn gió lan đi khắp mọi miền đất nước trong buổi chiều định mệnh 19/7/2024 khiến người dân cả nước ai cũng thảng thốt, ngỡ ngàng, đau xót. Nhiều người, trong đó có tôi, đều không muốn tin là sự thật, dẫu trên trang cá nhân, một vài người bạn làm báo đã dẫn ra những lời của bác như là một cách báo tin thầm lặng.
Và nỗi đau xót ấy đã hiển hiện khi tôi đọc báo, khi tôi xem bản tin tối của chương trình thời sự trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam: Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã từ trần lúc 13h38 phút ngày 19/7/2024 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 80 tuổi. Mắt tôi nhòe lệ, nỗi tiếc thương trào dâng.
Tiếp đó, Đài Truyền hình Việt Nam đã phát đi phim tài liệu “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo kiên trung, trí tuệ và mẫu mực” giúp khán giả hình dung lại cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư. Các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương lần lượt thay đổi măng-sét và đăng các bài viết ca ngợi cuộc đời cống hiến cho cách mạng của Tổng Bí thư, ca ngợi phẩm chất cao đẹp, trí tuệ uyên thâm của người cộng sản, nhà lãnh đạo tài năng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đăng tải các phóng sự, các bài viết về nỗi đau xót, hẫng hụt, tiếc thương của mọi tầng lớp nhân dân cả nước khi nghe tin Tổng Bí thư từ trần.
Đêm 19/7 thực sự là một đêm thao thức, xao động tâm tư của hàng triệu người dân Việt Nam và kiều bào ta ở nước ngoài. Và không chờ đến sáng hôm sau, trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều người đã đổi hình đại diện với thông điệp để tang người đứng đầu của Đảng vừa nằm xuống.
Không gì to lớn bằng tình yêu thương của Nhân dân. Như một lẽ tự nhiên, như từ thẳm sâu niềm cảm phục và yêu mến, những ngày qua, hàng triệu người đã đăng ảnh Tổng Bí thư, viết trạng thái và bình luận trên các trang mạng xã hội bày tỏ tình cảm của mình. Rất nhiều người dành cho Tổng Bí thư những lời đẹp đẽ: “Bác vẫn còn sống mãi trong lòng chúng ta”, “80 mùa xuân, bác chưa một ngày ngơi nghỉ! Trọn cuộc đời vì nước vì dân”, “Bác sống như cây tùng, cây bách, như núi cao, sông xanh”, “Bác đi cõi Phật hồn thanh thản/người ở dương trần dạ tiếc thương”…
Có nhiều người vì quá yêu mến, kính trọng nhân cách, phẩm chất và trân trọng công lao của Tổng Bí thư mà liên tưởng đến lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Hồ Chí Minh. Có người chụp ảnh chiếc xe công mang biển số xanh mà bác Trọng đã đi mấy chục năm ròng với lời dẫn “Một đời thanh bạch chẳng vàng son” như muốn ngợi ca sự học tập theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Điều đặc biệt, trong dòng cảm xúc của nhiều người dân cả nước và kiều bào trước sự ra đi của bác Trọng là rất nhiều bài thơ hay ca ngợi tài năng, đức độ, sự tận tụy vì Đảng vì dân, sự đóng góp to lớn của Tổng Bí thư cho đất nước, sự kính phục, nỗi buồn và tiếc thương vô hạn của mỗi người. Tác giả Trương Ngọc Ánh viết: “Một tấm kiên trung hưng Tổ quốc/Đôi vầng nhật nguyệt rạng non sông”. Tác giả Trần Vũ Thìn viết: “Đất nước đang bước sang trang mới/ Có ngờ đâu, bác đã vội đi xa/ Bao khát vọng người dân mong mỏi/ Niềm tin yêu đang thắp sáng từng nhà”. Tác giả N.T.Đ.E. trên trang “Tôi yêu Việt Nam” viết: “Nhớ ông cụ đã tám mươi/Khuôn dung, ánh mắt đẹp tươi rạng ngời”…
Như người ta thường nói, khi cảm xúc tuôn trào thì thơ và nhạc cùng cất cánh. Nhiều bài hát đủ các loại hình âm nhạc dân gian và hiện đại đã ra đời, trong đó nổi bật là tổ khúc dân ca Nghệ Tĩnh “Bác Trọng trong lòng dân” của tác giả Mai Văn Lạng do Nghệ nhân Dân gian Văn Sang thể hiện. Nhạc sĩ Lê Tâm (TP Hà Tĩnh) cũng vừa sáng tác vừa hát bài “Hiến dâng đời như thép đã tôi” đầy xúc động. Thầy giáo mỹ thuật Phan Phúc ở Thạch Hà đã vẽ chân dung Bác Trọng trong vầng ánh sáng cùng những đóa cúc vàng…
Sau khi Tổng Bí thư mất, dẫu chưa có thông báo về ngày Quốc tang song một số nước đã tổ chức để tang, mặc niệm tưởng nhớ trong các cuộc hội họp; truyền thông của một số quốc gia cũng đăng tin, ảnh về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với lời lẽ trân trọng… Trong nước, một không khí trầm lắng bao trùm lên các đường quê, ngõ phố. Nhiều cơ quan, đơn vị treo cờ rủ sớm, nhiều địa phương, đơn vị hoãn các chương trình kỷ niệm, liên hoan, nhiều cá nhân tự nguyện hoãn các cuộc vui… Ai cũng chăm chú theo dõi báo, đài để tìm hiểu về cuộc đời hoạt động, chương trình tang lễ của Tổng Bí thư. Câu chuyện hằng ngày trong mỗi gia đình, các cuộc hội ngộ bạn bè, bên lề các cuộc họp… những ngày qua đều xoay quanh chủ đề ca ngợi bác Trọng.
Chị Trần Hồng Sương - nguyên cán bộ giảng dạy Trường Cao đẳng Sư phạm TP Hồ Chí Minh bày tỏ: “Đáng trân quý nhất trong đường lối lãnh đạo của bác là bằng mọi cách giữ được chính trị ổn định, để người dân được sống trong hòa bình, không có chiến tranh. Trong lúc thế giới có nhiều bất ổn thì người dân Việt Nam vẫn được bình yên. Bác ra đi, thương bác nhiều lắm”.
Trong dòng cảm xúc tiếc thương người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng, đức độ của bạn bè quốc tế, tôi may mắn được trò chuyện với bà Bua-Khăm Thip-pha-vong, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lào. Bà chia sẻ: “Tôi từng học và làm luận văn Tiến sĩ ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, sau này làm ở Quốc hội Lào nên có dịp gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần ở Việt Nam và Lào. Ông là người lãnh đạo mẫu mực, gần gũi, sống cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Tôi rất kính trọng, trân quý, tin tưởng ông. Ông ra đi, không chỉ người dân Việt Nam mà cán bộ, đảng viên và Nhân dân Lào cũng vô cùng thương tiếc!”.
Thương tiếc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một con người trọn cuộc đời vì nước, vì dân, toàn Đảng, toàn dân đang biến đau thương thành hành động. Soi vào cuộc đời ông, mỗi một chúng ta đều cảm thấy mình còn thiếu khuyết, có lúc còn chưa thực sự tâm huyết với công việc, có lúc việc công, việc tư chưa rõ ràng, có lúc còn ngại khó, ngại khổ… Soi vào những lời dạy của cố Tổng Bí thư, toàn Đảng, toàn dân thấy còn nhiều việc phải làm để xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, phát huy di sản tiền nhân để lại, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ… Soi vào tấm gương đạo đức của ông, những di sản ông để lại, chúng ta thêm vững niềm tin vào con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn, tiếp tục đi lên CNXH, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, Nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thêm một lần nữa đánh thức những gì trong sáng, đẹp đẽ trong mỗi chúng ta, làm cho chúng ta lớn thêm, thêm động lực và niềm tin để sống tốt sống đẹp, giữ gìn danh dự của người đảng viên như Tổng Bí thư lúc sinh thời đã nói: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì, đời người chỉ sống có một lần. Vì vậy, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn”.
Sáng nay, khi việc tổ chức tang lễ đã hoàn thành, nỗi buồn vẫn còn đó nhưng trên biên giới, ngoài đảo xa…, trái tim người chiến sĩ đã lại ngời sáng tin yêu; trong những công sở, trên bao công trường, trên mênh mông ruộng đồng, sông nước… tất cả không ai bảo ai đều nỗ lực hơn cho công việc của mình. Ai cũng mong muốn lấy hiệu quả công việc để có thể góp phần tiếp nối những thành quả cách mạng của Đảng…
Tổng Bí thư hãy yên lòng về với thế giới người hiền, với Bác Hồ kính yêu. Toàn Đảng, toàn dân Việt Nam sẽ luôn ghi nhớ lời dặn của Tổng Bí thư. Ánh sáng tỏa ra từ trí tuệ, tâm hồn, nhân cách của đồng chí sẽ tiếp tục soi đường cho các thế hệ người Việt. Mạch nguồn cha ông sẽ được bồi đắp. Từ gốc cội vững bền, cây sẽ nảy cành xanh lá - “Thác là thể phách, còn là tinh anh”.