Từ độ cao gần 1.300m so với mực nước biển đổ xuống chân núi Giăng Màn thuộc dãy Trường Sơn, thác Vũ Môn là địa danh được nhiều người mong muốn tìm đến khám phá.
Ngược ngàn tìm thác
Từ Đồn Biên phòng Phú Gia, cả đoàn ngồi lên 3 chiếc xe công nông đi qua hơn 10 con suối và những đoạn đường lầy lội, lởm chởm đá. Chiếc xe liên tục lắc lư như muốn hất tung người lên không trung. Chừng một giờ đồng hồ, chúng tôi đến ngã ba, xe dừng, từ đây, đoàn bắt đầu hành trình đi bộ.
Theo lời người dẫn đường, có con đường ngắn hơn để lên tới thác mất chừng 4 giờ đi bộ nhưng dốc thẳng đứng, vách đá cheo leo, nguy hiểm. Chúng tôi đành chọn con đường đi vòng qua núi với độ dài gấp đôi. Đi được gần 1 giờ, hết trèo đèo lại lội suối trong tiết trời nắng đẹp thì những cơn mưa rừng bất chợt đổ xuống. Càng đi sâu vào rừng, trời mưa càng to. Mưa quất vào mặt, có lúc cả đoàn phải dừng hành trình. Chưa hết, đường trơn trượt và những kẻ thù “không đội trời chung” như vắt, muỗi liên tục đeo bám chúng tôi.
Để đến được thác Vũ Môn, phải vượt đường rừng, trèo đèo, lội suốt mất khoảng 8 giờ đi bộ.
Trong khi đường lên thác vẫn là một ẩn số, có thành viên tưởng chừng bỏ cuộc, nhưng rồi những câu chuyện huyền bí về thác, hình ảnh ngọn thác tung bọt trắng xóa lại càng thôi thúc bước chân và khát khao khám phá thiên nhiên của chúng tôi. Mỗi đoạn đường, ngước lên thấy thấp thoáng từ xa bóng thác hiện ra, khi thì như làn khói sừng sững giữa trời xanh, lúc lại như dải lụa trắng mềm vắt qua ngọn núi. Chúng tôi tự nhủ lòng và động viên nhau cùng quyết tâm chinh phục ngọn thác huyền thoại.
Đường đi ban đầu còn có lối mòn, nhưng càng đi vào sâu, đường là do những người dẫn đường mở, họ chặt cây sẻ rừng, vừa đi, vừa bẻ cành làm dấu cho người phía sau. Đến lúc này, chúng tôi chẳng còn ai có thể định vị nổi, chỉ biết dấn thân về phía trước. Hết lên dốc lại xuống dốc, có những đoạn, cả người như bổ nhào về phía trước. Sau hơn 8 giờ đi bộ, đúng 5h chiều, cả đoàn như vỡ òa khi đặt chân đến thác.
Một khung cảnh hoang sơ hiện ra dưới vách đá dựng đứng, phảng phất mùi cỏ cây. Trước mắt là dòng nước trắng xóa đổ xuống không ngớt, tạo nên tiếng reo như tiếng nhạc đồng vọng của đá núi, cây rừng. Một khung cảnh như thực, như hư, huyền ảo, đẹp đến nao lòng! Chúng tôi quyết định dựng lán nghỉ ngơi, lấy sức cho hành trình chinh phục đỉnh thác vào ngày hôm sau.
Từ chân lên đỉnh thác, thoạt nhìn “cứ bám vách đá mà leo”. Nhưng không, “đố ai mà trèo lên đường này được, muốn lên đỉnh phải đi đường vòng, xẻ lèn mà đi, trèo qua 3 đỉnh núi rồi đi dọc, đi ngang mới tới được ngọn thác” – lời người bản địa nói chắc nịch.
Sáng hôm sau, sau hơn 1 giờ chỉ bám vách đá mà leo rồi đi đường vòng, chúng tôi đặt chân tới đỉnh thác. Một mặt bằng, khoảng rộng khá phẳng, không cây cối, nhưng rợp bóng râm của cây cối và vách núi hiện ra, cạnh đó có con suối nhỏ với làn nước mát lạnh, trong veo.
Một cảm giác lâng lâng khi có mặt trong đoàn khảo sát đầu tiên chinh phục đỉnh Giăng Màn, đặt chân lên đỉnh thác Vũ Môn. Cảm xúc ấy sẽ chẳng bao giờ chúng tôi quên được!
Theo lời người dân bản địa, cảnh tượng thác còn hùng vĩ hơn vào những hôm trời quang, mây tạnh, vào chiều muộn, khi nắng xuyên qua làn nước, đứng dưới chân núi nhìn lên sẽ thấy cầu vồng!
Tiếng gọi Vũ Môn
Nằm ở độ cao 1.280m so với mực nước biển, dòng chảy đổ xuống hơn 200m, thác Vũ Môn có 4 cấp nước, mỗi cấp nước có hình chài và các cấp nước chênh nhau từ 25–86m, lòng thác rộng 27,5m, lượng nước nhiều, quanh năm không cạn. Tạo hóa khéo xếp đặt, ngay ở chân thác Vũ Môn có những tảng đá lớn gối lên nhau hình thành nên các hang hốc, từ chân thác chảy xuôi qua các khe đá, hốc đá tạo thành các vòng xoáy, vực nước tuyệt đẹp. Dưới chân thác còn có những phiến đá lớn, trong đó, nổi bật là phiến đá rộng, phẳng, tương truyền được coi là “bàn cờ tiên”.
Tại đỉnh thác ngược về thượng nguồn hướng về phía nước bạn Lào là dòng sông Trắng, nước đổ xuống thác khoảng 12-15m, hai bên dòng sông là đồi thoải, địa hình tương đối bằng phẳng với diện tích mỗi bên khoảng 70 ha chạy dọc theo chiều dài đến cột mốc biên giới trên 1,5 km.
Không những đẹp về khung cảnh, khí hậu mát mẻ, thác Vũ Môn còn ẩn chứa nhiều truyền thuyết huyền bí. Đặc biệt, câu chuyện Cá chép hóa rồng Mồng bảy cá đi ăn thề/ Mồng tám cá về vượt thác Vũ Môn được lưu truyền trong dân gian. Hằng năm, cứ đến ngày tám tháng tư, cá chép vượt thác, con nào qua được thì hóa rồng. Phường chài thường bảo nhau, mấy ngày trước không bủa chài lưới. Và đúng ngày đó, thác Vũ Môn mây mù dày đặc, không ai dám đến gần. Gắn với huyền thoại, những người dân địa phương truyền tai nhau rằng, nếu vào ngày cá chép vượt thác mà trời mưa, nước thác về nhiều, cá vượt thác hóa rồng, đồng nghĩa với năm đó mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; còn ngược lại, sẽ là một năm đại hạn khốn khó, người dân cần có phương án phòng bị.
Hòn ngọc Vũ Môn cần thêm sự mài giũa
Ông Lê Ngọc Huấn - Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết: Từ thời Pháp thuộc, cùng với Sapa (Lào Cai), Đà Lạt (Lâm Đồng), thác Vũ Môn (Hương Khê, Hà Tĩnh) được đánh giá là một trong 3 địa danh có khí hậu ôn đới đạt tiêu chuẩn du lịch. Qua khảo sát, có thể khẳng định, thác Vũ Môn có tiềm năng, lợi thế du lịch hết sức to lớn, đặc biệt là độ cao, nhiệt độ, khí hậu, khu rừng nguyên sinh... Được thiên nhiên ưu đãi cùng với những câu chuyện huyền bí về thác, đây sẽ là điểm đến đầy tiềm năng. Việc khai thác Vũ Môn thành khu du lịch đã được đưa vào chương trình nghị quyết của Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020.
“Ngay sau chuyến khảo sát, với những số liệu đo đạc được đầy khả quan, chúng tôi sẽ tham mưu BCH Đảng bộ huyện lập dự án cụ thể để kêu gọi, thu hút nhà đầu tư xây dựng nơi đây thành khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng” - ông Huấn chia sẻ thêm.
Còn với những người dân bản địa, mỗi lần có đoàn khảo sát đến với Vũ Môn là thêm một lần niềm tin được thắp lên. Anh Lê Thanh Hóa (thôn Phú Lâm, xã Phú Gia) bộc bạch: “Chúng tôi rất mong các cấp, ngành có sự đầu tư thỏa đáng, khai thác Vũ Môn trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn để vừa bảo vệ rừng, vừa phát huy lợi thế, tiềm năng địa phương và giúp cuộc sống bà con dân bản khởi sắc hơn”.
Cùng với quần thể di tích lịch sử văn hóa quốc gia Thành Sơn Phòng - đền thờ Vua Hàm Nghi, miếu Trầm Lâm và những con thác Cam, Hang Dơi, Trời Mưa… (những nhánh thác được chảy ra từ Vũ Môn) kết nối khai thác thác Vũ Môn hứa hẹn sẽ là quần thể khu du lịch tầm cỡ. Đi đường bộ dành cho những ai ưa mạo hiểm, muốn chinh phục, khám phá và nếu được đầu tư, hệ thống cáp treo sẽ thỏa mãn du khách khi muốn thưởng ngoạn cảnh đẹp núi rừng.
Như một hòn ngọc cần thêm sự mài giũa, Vũ Môn đang rất cần những nhà đầu tư lớn khai thác tiềm năng xứng tầm với vẻ đẹp kỳ vĩ mà tạo hóa đã ban tặng.