Theo báo cáo của UBND huyện Thạch Hà, toàn huyện hiện có 7.554 đối tượng hưởng trợ cấp bảo trợ thường xuyên theo Nghị định 136/2013 của Chính phủ với tổng kinh phí chi trả cả năm 2016 đạt 31.599 triệu đồng. Trong số này, nhóm đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng có 7.055 người với số tiền 26.712 triệu đồng; nhóm nuôi dưỡng, chăm sóc có 499 người với số tiền 1.465 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thúy Loan - Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Thạch Hà: Việc triển khai chi trả chế độ qua bưu điện đang gặp khó khăn như: được thực hiện gấp rút vào thời điểm sát tết, cơ sở vật chất tại các điểm bưu điện còn thiếu thốn, nhân viên chi trả chưa được tập huấn đầy đủ, các đối tượng chi trả già yếu nên không thể đến nhận...
Ngoài hỗ trợ mai táng phí 191 người, hỗ trợ bảo hiểm y tế 4.410 người, năm 2016, huyện cũng tiến hành cứu trợ đột xuất 29.440 lượt khẩu/9.066 lượt hộ bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển và do thiên tai 775 tấn gạo trị giá hơn 7,5 tỷ đồng, 10.639 suất quà có tổng trị giá trên 8 tỷ đồng...
Ông Nguyễn Quốc Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà: Trong thời gian tới mong các sở, ngành chuyên môn tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để Thạch Hà thực hiện các CSTGXH theo Nghị định 136 tốt hơn. Các vấn đề còn tồn tại mà đoàn khảo sát chỉ ra huyện sẽ tập trung chỉ đạo để sớm khắc phục, tháo gỡ...
Việc thực hiện các CSTGXH theo tinh thần Nghị định 136 đã được huyện Thạch Hà thực hiện đúng quy định, minh bạch và kịp thời theo hướng có lợi cho đối tượng. Trong quá trình thực hiện, các cơ quan chức năng cũng đã tiến hành các thủ tục đúng quy trình, đảm bảo thời gian, đơn giản hóa thủ tục và giảm thời gian cho đối tượng...
Ông Nguyễn Hữu Thông - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH: Là địa phương có số lượng đối tượng lớn, quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời và các phòng/ngành chức năng đã tập trung vào cuộc cao nên Thạch Hà là nơi thực hiện các CSTGXH tốt nhất tỉnh.
Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND huyện thì việc thực hiện các SCTGXH trên địa bàn Thạch Hà gặp một số khó khăn như: một số đối tượng thụ hưởng là người cao tuổi đã rời khỏi địa phương, hộ khẩu chưa cắt nhưng vẫn đề nghị thực hiện chế độ tại địa phương nên rất khó quản lý và kiểm soát chế độ tại nơi cư trú mới; khó xác định mức độ khuyết tật đối với người già trên 80 tuổi, bị đau ốm lâu dài, tuổi cao sức yếu phái nằm một chỗ...
Để nắm rõ tình hình, có đánh giá khách quan và toàn diện, đoàn khảo sát đã tiến trực tiếp trao đổi, tìm hiểu tại nhà một số đối tượng và làm việc với UBND các xã Thạch Bàn, Thạch Văn.
Đoàn trực tiếp tìm hiểu thông tin, trao đổi với đối tượng được hưởng BTXH Đậu Xuân Ba ở thôn Nam Văn, xã Thạch Văn
Qua đó, phát hiện và yêu cầu khắc phục một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế như: một số cán bộ chính sách chưa nắm rõ quy trình thực hiện, chưa phát huy tốt vai trò tham mưu cho chính quyền giải quyết các trường hợp vướng mặc cụ thể; một số hồ sơ giải quyết quá thời gian quy định, còn sai sót; công tác tuyên truyền chưa thực sự sâu rộng; vẫn còn sót đối tượng; có địa phương gộp Hội đồng xét duyệt mức độ khuyết tật với Hội đồng xét duyệt đối tượng; việc rà soát, cập nhật thông tin về đối tượng chưa kịp thời...
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải: Việc thực hiện các CSTGXH luôn gặp nhiều khó khăn nên đòi hỏi ngành LĐ-TB-XH và cấp ủy chính quyền các cấp ở Thạch Hà phải nỗ lực nhiều hơn, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Trong quá trình thực hiện cần huy động, lồng ghép các nguồn lực khác để hỗ trợ các đối tượng yếu thế được nhiều hơn; hạn chế tình trạng bỏ sót đối tượng; thực hiện theo hướng có lợi cho đối tượng thụ hưởng nhưng phải tránh việc lợi dụng chính sách để trục lợi...
Kết thúc buổi làm việc, Trưởng đoàn khảo sát Đoàn Đình Anh yêu cầu huyện Thạch Hà tiếp thu nghiêm túc các ý kiến phán ánh của đoàn để sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế, nhằm thực hiện các CSGTXH trên địa bàn tốt hơn trong thời gian tới...