Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh và lãnh đạo huyện Hương Khê trao biểu trưng hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn tại xã Hương Liên. Ảnh: Dương Chiến
Tất cả vì mục tiêu giảm nghèo bền vững
Nhắc đến Hà Tĩnh, trước đây, nhiều người thường hay nói đến vùng đất nghèo với cái đói ăn hiển hiện trong từng câu hát giặm: Ra đến tết giêng hai/ Ngông (trông) vô chum, chum nỏ có ló (lúa)/ Ngông vô chạn (giàn) chạn nỏ có khoai/ Tui mới lấy một đọi (bát) đỗ/ Hai vợ chồng ngồi nhai/ Sướng ra răng là sướng.
Những hình ảnh ấy giờ đã thành quá vãng. Nhiều người trẻ hiện nay khi nghe ông bà, mẹ cha kể về những năm tháng đói rét cơ hàn, thiếu ăn thiếu mặc, ăn cơm độn khoai, mì hột thay cơm, áo quần vá víu… thì không tin, tưởng chuyện đùa. Nhưng đó là hình ảnh thật của đất nước, của Hà Tĩnh mấy chục năm khi chưa đổi mới. Người thường đã thế, người đau ốm, tàn tật, người gặp thiên tai, hoạn nạn lại càng khổ cực trăm đường.
Nhờ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nông nghiệp ngày càng phát triển mang lại những mùa vàng no ấm cho người dân Hà Tĩnh.
Nhờ công cuộc đổi mới đất nước, sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực vươn lên không ngừng của người dân, doanh nghiệp nên công cuộc xóa đói giảm nghèo đã đạt được những thành quả to lớn, góp phần thay đổi bộ mặt quê hương và đổi thay trong từng gia đình, con phố, làng quê, thay đổi những cuộc đời, vun đắp thêm niềm tin của Nhân dân với Đảng, thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sáng lên truyền thống nhân văn của Nhân dân Việt Nam. Các chính sách về giảm nghèo luôn song hành và là biểu hiện rõ nét của chương trình phát triển KT-XH.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh, các chính sách về giảm nghèo gắn với phát triển KT-XH, tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế cho người dân được triển khai kịp thời, đồng bộ, góp phần quan trọng hỗ trợ thoát nghèo bền vững, hạn chế tối đa nguy cơ tái nghèo như: hỗ trợ BHYT cho 21.997 người thuộc hộ nghèo, 42.071 người thuộc hộ cận nghèo, 300.491 người thuộc hộ làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình với tổng kinh phí 82.200 triệu đồng.
Nhà máy luyện thép tại Khu kinh tế Vũng Áng. Ảnh: Thu Trang
Cùng với BHYT là các chính sách hỗ trợ: tiền điện, giáo dục, nhà ở, vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH). Bà Bùi Thị Ngọc Hà - Giám đốc Ngân hàng CSXH Hà Tĩnh cho biết: “Chúng tôi luôn xác định việc giải ngân nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách vừa là trách nhiệm, vừa là niềm vui khi được góp phần nhỏ vào sự nghiệp giảm nghèo bền vững cho người dân trên quê hương Hà Tĩnh. Đến hết tháng 9/2022, Ngân hàng CSXH Hà Tĩnh đã cho vay ưu đãi hộ nghèo với tổng dư nợ 331.459,46 triệu đồng; cho vay giải quyết việc làm tổng dư nợ: 834.821,47 triệu đồng; cho vay nhà ở xã hội với tổng dư nợ: 322.598,46 triệu đồng”.
Các vùng quê nông thôn khởi sắc. Ảnh: Đường vào trung tâm xã Tượng Sơn (Thạch Hà)
Các chính sách an sinh xã hội theo các nghị quyết của HĐND tỉnh tiếp tục được cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả. Nhờ làm tốt công tác xã hội hóa trợ giúp xã hội, với tinh thần tương thân tương ái, nhiều tổ chức, cá nhân đã trợ giúp những người thiệt thòi, yếu thế, tạo điều kiện để các đối tượng có điều kiện khắc phục khó khăn, vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Nhiễu điều phủ lấy giá gương…
Truyền thống bao đời của Nhân dân ta là “lá lành đùm lá rách”, yêu thương đồng bào “máu chảy ruột mềm” “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”. Khơi dậy nguồn lực từ truyền thống đó, MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh đã phát động nhiều chương trình hướng tới người nghèo, trọng tâm là xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”.
Các chương trình hỗ trợ, tặng quà cho người nghèo được vận động tổ chức thường xuyên. Ảnh tư liệu
Ông Trần Nhật Tân - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Năm 2021, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã vận động được trên 33,5 tỷ đồng; nguồn an sinh xã hội vận động được trên 154,6 tỷ đồng, hỗ trợ cho hàng nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo làm mới và sửa chữa nhà ở, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, tặng quà tết, hỗ trợ đột xuất, khám chữa bệnh và hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó học giỏi.
Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, toàn tỉnh đã vận động và trao tặng 108.508 suất quà, tổng trị giá 55.001.263.000 đồng; Quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ làm mới 445 nhà, trị giá trên 19,6 tỷ đồng và sửa chữa 91 nhà, trị giá gần 750 triệu đồng; hỗ trợ khám chữa bệnh cho 155 lượt người, trị giá gần 230 triệu đồng và hỗ trợ học sinh học tập cho 830 lượt đối tượng với số tiền trên 430 triệu đồng; hỗ trợ phương thức sản xuất 631 hộ với số tiền gần 2 tỷ đồng...
Hỗ trợ bò giống cho người nghèo huyện Cẩm Xuyên. Ảnh tư liệu
Bên cạnh đó, nguồn an sinh xã hội các cấp vận động đã hỗ trợ làm mới 290 nhà ở với số tiền gần 19 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất 276 hộ với số tiền trên 1,5 tỷ đồng; hỗ trợ khám chữa bệnh, học tập 838 lượt người với số tiền 6,3 tỷ đồng; hỗ trợ các công trình dân sinh 510 công trình với số tiền gần 112,6 tỷ đồng, thăm hỏi tặng quà, hỗ trợ khác 36.263 lượt với số tiền trên 15,3 tỷ đồng.
“Qua cơn hoạn nạn mới hiểu lòng nhau”, người nghèo được tặng quà, hỗ trợ xây nhà, giúp đỡ vốn làm ăn càng thấm thía hơn đạo lý, truyền thống của dân tộc: Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng, càng quyết tâm vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo.
Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Tĩnh luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận tín dụng ưu đãi.
Nhiều cách làm hay, việc làm tốt đẹp
Hà Tĩnh là điểm sáng trong xây dựng NTM của cả nước. Hơn 1 thập kỷ tập trung xây dựng NTM, không chỉ tạo ra những khu dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp mà quan trọng nhất là người dân, trong đó có người nghèo được hưởng thụ nhiều thành quả từ các tiêu chí về nhà ở, vệ sinh môi trường, giao thông, văn hóa… về nông thôn bây giờ, hiếm gặp những ngôi nhà xập xệ, tạm bợ. Các hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi thiên tai đều được cộng đồng góp sức giúp đỡ.
Quỹ “Hỗ trợ học sinh đạt điểm cao, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào học đại học” là một chủ trương, cách làm nhân văn ý nghĩa đang tạo cơ hội cho hàng trăm học sinh mở cánh cửa vào đại học. Trong ảnh: Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng trao tặng quà cho các em sinh viên tiêu biểu, xuất sắc được quỹ hỗ trợ. Ảnh Thu Hà
Hai năm qua, Hà Tĩnh cũng vận động tài trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ. Hà Tĩnh cũng đã thành lập Quỹ “Hỗ trợ học sinh đạt điểm cao, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào học đại học”, quỹ khuyến học tích cực vận động đóng góp nhằm tạo ra nguồn lực nâng bước các học sinh con các gia đình nghèo vươn lên học giỏi. Ngoài các nguồn quỹ do tỉnh phát động, công tác khuyến học - khuyến tài còn phát triển mạnh mẽ tới các thôn xóm, cộng đồng dân cư, dòng họ, trường học… góp phần giúp đỡ học sinh, sinh viên vượt qua hoàn cảnh khó khăn, vươn lên học tập tốt.
Nhà văn hóa cộng đồng trở thành phao cứu sinh cho bà con vùng lũ. Trong ảnh: Nhà văn hóa cộng đồng thôn Tiền Phong (xã Quang Vĩnh) - ảnh Văn Đức
Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị và toàn dân, các doanh nghiệp, đến nay, Hà Tĩnh không có huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, xã đặc biệt khó khăn miền núi. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo mới áp dụng cho giai đoạn 2022-2025: 4,68% (17.848 hộ nghèo), tỷ lệ hộ cận nghèo 5,09% (60.896 hộ cận nghèo). Đây thực sự là những con số “biết nói”, phản ánh tình cảm, lương tâm, trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và Nhân dân, làm sáng thêm truyền thống nhân văn, nghĩa tình của người Hà Tĩnh.