Ông Mai Khắc Mão - người có công lao trong việc phục dựng đình làng kể: “Làng này xưa kia có tên là Vạn Bửu, lịch sử đã hơn 300 năm. Những năm 60 của thế kỷ trước, tôi cùng bạn bè thường ra khu vực đình đánh trận giả, đánh đùng. Khi ấy, cây cối rậm rạp, trước đình có giếng, hai bên có gò đất cao. Đình làng được tế tự vào ngày khai hạ đầu năm, lễ kỳ phúc giữa năm và lễ kỳ yên trung tuần tháng 10. Khi tế tự, nhân dân xóm Trong, xóm Nhà Vụ và xóm Tây Ngoài cùng nhau chuẩn bị và tiến hành nghi lễ”.
Đình làng Quần Ngọc được người dân và con em xa quê phục dựng.
Tiếp cận văn bia và sắc phong được chuyển ngữ, cho thấy, đình làng Quần Ngọc được làm từ triều Minh Mạng thứ sáu, thờ thần Tam Lang và Đức thánh Phúc Tuy Đại Vương. Khi ấy, đình làng lợp bằng tranh, tọa lạc trên một khu đất rộng, có nhiều cây cổ thụ bốn mùa rậm rạp, xanh tươi, hai bên đình có hai gò đất chầu lại. Năm Khải Định thứ tư, đình được tôn tạo, lợp bằng ngói chạm trổ tinh vi.
Toàn bộ di tích cùng tín ngưỡng được gìn giữ gần như nguyên vẹn cho đến thời điểm rơi vào “nỗi buồn lịch sử”. Ông Mai Khắc Mão còn nhớ những ngày dân làng dỡ đình để làm trường học, nhà ở cho giáo viên. Rồi sau đó, kèo cột của đình được sử dụng vào các mục đích khác nhau. Trong trí nhớ của ông Mão, hình ảnh đoàn xiếc Phi Sơn Hải ở miền Nam ra biểu diễn vẫn còn in đậm. Khi ấy, để thử thách “nội công” của diễn viên xiếc, người ta đã đến đình làng bê văn bia lên sân khấu, đặt lên bụng diễn viên và đập bể. Cái còn lại của văn bia, hiện lưu giữ tại đình là một phần nhỏ của đế bia, bằng đá. Làng đã coi đó là kỷ niệm khó quên của một thời nông nổi. Nằm cạnh phần còn lại của bia đá ấy là “hòn đá thiêng” khá lớn, trước đây đặt trước cầu vào giếng, trước đình với những câu chuyện truyền lại trong dân gian về sự linh thiêng của nó.
Ngày nay, với mong muốn được phục hồi, phát huy các giá trị di sản cha ông để lại và để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, đình làng Quần Ngọc được dân làng và con em xa quê xây dựng lại với kết cấu ba gian hai chái, mái cong, trên đỉnh nóc khắc chạm lưỡng long chầu nguyệt. Đình ngoảnh về hướng Đông với hệ thống cổng và tường rào bao quanh kiên cố. Phía trước đình là hồ nước, cây đa, xung quanh làng mạc yên bình. Để tỏ lòng tôn kính và ghi nhớ công ơn, dân làng đã bố trí các cung thờ rất có chủ ý. Gian giữa thờ thành hoàng, phía trên bài trí long ngai bài vị, hai bên có câu đối; gian trái thờ các vị tiền bối của làng; gian phải thờ những người con của làng đã ngã xuống trong 2 cuộc trường chinh lịch sử.
Thật khó để nói hết ký ức ngôi làng được hội tụ tại đình làng - nơi sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng chung, song, những gì người dân Quần Ngọc hôm nay chung tay khôi phục cũng đủ để nói lên những thăm thẳm trong chiều sâu tâm linh của làng. Nét đẹp của làng quê xưa đã thấp thoáng trong dáng vẻ tươi mới của làng quê nay với đình làng, bến nước, cây đa, nhà văn hoá… Đó là giá trị lớn lao mà quần thể tại đình làng Quần Ngọc, Khánh Lộc gợi mở cho các vị khách đến với làng.