Thanh niên xung phong Hà Tĩnh: “Sống thật đẹp như tuổi trẻ đã từng...”

(Baohatinh.vn) - Không nhớ mình đã tham gia đào bao nhiêu chiếc hào, làm bao nhiêu con đường, vận chuyển bao nhiêu tấn lương thực, hàng hóa, chỉ biết khi chiến tranh kết thúc, trở về với đời thường, cô đã mang trên mình thương tật. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng với nghị lực của một TNXP, cô đã vượt qua tất cả… Đó là cựu TNXP Dương Thị Hiểu (thôn 5, Cẩm Huy, Cẩm Xuyên).

>> Thanh niên xung phong Hà Tĩnh: Trẻ xông pha, già mẫu mực!

Thoáng ngỡ có người gọi tên mình đầu ngõ, rồi đúng với tác phong của người lính Trường Sơn, cô Dương Thị Hiểu vồn vã kéo chúng tôi vào nhà, vừa pha trà, vừa ríu rít hỏi thăm như người thân lâu ngày đi xa về: “Phóng viên Báo Hà Tĩnh à? Chồng con chưa?... Hỏi chuyện đường Trường Sơn huyền thoại chứ gì?... Uống nước đi rồi cô kể cho mà nghe!”.

thanh nien xung phong ha tinh song that dep nhu tuoi tre da tung

Cô Dương Thị Hiểu chia sẻ những kỷ niệm bên đồng đội.

Giống như nhiều chị em khác trong trung đội, “chuyện chiến trường” của cô Hiểu bắt đầu ở độ tuổi đẹp nhất khi các cô tham gia TNXP, có mặt trên khắp các tuyến đường Trường Sơn chạy qua địa phận Hà Tĩnh. Vào đơn vị 217, Đội N23, Đoàn 559, cô cùng các đồng đội tham gia hoạt động tại Đường 9 Nam Lào với công việc tiếp tế lương thực, giao liên, chuyển thương binh về tuyến sau điều trị. Một ngày không kể nam hay nữ, cô cùng mọi người làm đủ thứ việc, dù khó khăn thế nào cũng gắng để hoàn thành nhiệm vụ. Thế rồi, những kỷ niệm về Trường Sơn một thời gian khổ mà hào hùng, cứ thế chắp nối, hồi tưởng rồi trở nên gần gũi.

Sau hơn 1 năm nhập ngũ, tháng 3/1966, cô cùng đồng đội chuyển về đường 20 Quyết Thắng (sau này gọi là đường mòn Hồ Chí Minh) nhận nhiệm vụ mở đường Trường Sơn. Tại đây, cô Hiểu được giao trọng trách Tiểu đội trưởng của tiểu đội gồm 13 nữ TNXP. Rừng Trường Sơn với thời tiết thất thường, nhiều muỗi, vắt, ruồi vàng và vô vàn thứ côn trùng khác. Trên những con đường âm u, ẩm ướt với nam giới đã vất vả, nữ giới còn cực gấp nhiều lần. “Thiếu thốn, khó nhọc, vậy nhưng cô và mọi người không ngại. Chỉ mong có sức mà thông đường cho xe qua, công việc phải hoàn thành thật tốt, dù có phải ăn quả hái trên rừng, rau tàu bay dưới núi thì mọi người cũng hăng hái đi làm nhiệm vụ” - cô Hiểu chia sẻ.

Tháng 6/1967, khi máy bay đánh bom ác liệt tại đường cua chữ A, cô Hiểu không may bị thương. Thế nhưng, tự thấy vết thương nhẹ, cô xin điều trị tại trạm xá rồi tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ. Ngày nghỉ, đêm đi, dò dẫm theo cảm tính, thói quen, kinh nghiệm và cả trọng trách trên vai, cô luôn động viên, nhắc nhở đồng đội không được chùn bước. Ngoài mở đường, chuyển thương binh, cô cùng các thành viên trong tiểu đội biểu diễn văn nghệ, làm liên lạc viên những lúc cần.

Tuyến đường Trường Sơn đạn bom máu lửa ấy - nơi cô Hiểu 2 lần chứng kiến những người chị em thân như ruột thịt hy sinh, tận tay chôn cất đồng đội là những kỷ niệm đau thắt lòng mỗi khi nhắc về quá khứ. Sau này, dù tuổi đã cao, tóc đã ngả màu sương gió nhưng cô Hiểu vẫn đưa được mộ của đồng đội từ huyện Minh Hóa (Quảng Bình) về quê hương Cẩm Xuyên.

thanh nien xung phong ha tinh song that dep nhu tuoi tre da tung

Niềm vui nho nhỏ bên những vườn chè tự tay cô vun xới, chăm sóc

Trở về từ chiến tranh, cô Dương Thị Hiểu tiếp tục làm công chức UBND xã. Cô luôn làm tốt công việc được giao, nhiều năm liền nhận giấy khen của xã. Không chỉ vậy, cô Hiểu còn thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ của xóm làng, sinh hoạt cựu TNXP của xã, hăng say làm đẹp cho đời. Tuổi thanh xuân qua đi trong đại ngàn với những cơn sốt rét và mưa bom bão đạn, những tưởng hòa bình lập lại thì hạnh phúc cũng sẽ đến, ấy vậy mà, tuy tuổi đã cao, mang thương tật chiến tranh, sức đã yếu, cô vẫn phải sống một mình. Chồng mất cách đây không lâu vì bệnh tai biến, hơn chục năm chăm sóc chồng nên kinh tế gia đình không lấy gì làm dư dả. Cô có 3 người con lớn đều thoát ly và có cuộc sống riêng, thi thoảng mới về nhà. Khi tôi đến, cô cũng vừa mới qua cơn bạo bệnh.

Cô Lê Thị Vòng cùng tiểu đội tâm sự: “Là đồng chí, đồng đội nhưng chị Hiểu cũng giống như người chị em thân thiết của chúng tôi. Chiến trận xảy ra, chị Hiểu luôn là người đầu tàu gánh vác mọi trọng trách được giao. Sau này, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng chị vẫn luôn nặng lòng với những người đã ngã xuống. Tôi tin rằng, tiểu đội trưởng của mình vẫn luôn nỗ lực vươn lên sống thật đẹp như tuổi trẻ đã từng...”.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Phó Thủ tướng gửi thư khen Công an huyện Thạch Hà

Phó Thủ tướng gửi thư khen Công an huyện Thạch Hà

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Nguyễn Hoà Bình vừa gửi thư khen Công an huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh về thành tích xuất sắc triệt phá thành công đường dây buôn bán hơn 6.000 điện thoại di động giả. Trong thư Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình viết:
Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Dưới sự chủ trì phối hợp của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, các lực lượng công an, quân sự, hải quan, kiểm lâm… đã cùng vào cuộc hiệu quả chung tay bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Trước diễn biến phức tạp của bão số 6, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

Mô hình “Mẹ đỡ đầu” đối với những trẻ em mồ côi của Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần giúp các cháu vơi bớt khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.