Đại biểu Đinh Quốc Thị - Hiệu trưởng Trường Chính trị Trần Phú: Các NQ có ý nghĩa rất thiết thực đối với sự phát triển kinh tế trong bối cảnh hiện nay; thể chế kinh tế thị trường, định hướng XHCN được tỉnh vận dụng khá tốt nhằm tạo sự bứt phá cho phát triển KT-XH
Thảo luận Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 3/6/2017 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, các đại biểu đã chỉ ra những tồn tại trong hoạt động của DN hiện nay.
Đó là, một số DN trong lĩnh vực dịch vụ - thương mại vẫn hoạt động bình thường nhưng trong báo cáo lại kê khai thua lỗ; tình trạng lách thuế, đặc biệt tại các DN nhỏ lẻ còn diễn ra; liên tiếp nhiều DN khai thác khoáng sản (nhất là khai thác đá) phải giải thể; DN về nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn; nhiều DN tư nhân thành lập nhưng không hoạt động; lãnh đạo DN hạn chế về trình độ chuyên môn, khả năng quản lý...
PGĐ Sở KH&ĐT Hoàng Văn Sơn: Phải có sự phối hợp trong công tác hậu kiểm, rà soát DN; có giải pháp mạnh đối với các ngành thuế và hải quan trong kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh của DN
Một số ý kiến cho rằng, việc định hướng thị trường trong bối cảnh hiện nay còn hạn chế dẫn tới việc chậm giải quyết khâu tiêu thụ; cần có nhận thức sâu sắc và đồng bộ về kinh tế thị trường định hướng XHCN; công tác đánh giá hỗ trợ hoạt động của các hộ sản xuất kinh doanh, DN chưa hiệu quả; thủ tục hành chính còn bất cập, rườm rà gây khó khăn cho DN…
Giám đốc Sở Xây dựng Trần Xuân Tiến: Khối kinh tế tư nhân hiện hoạt động khá hiệu quả song lại không nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước
Từ thực trạng đó, đại biểu tham dự đã “hiến kế” một số giải pháp quan trọng nhằm "hồi sức" cho DN, góp phần thúc đẩy nền kinh tế như: thường xuyên cập nhật cơ chế, chính sách và tuyên truyền, phổ biến cho DN, người dân; tập trung quản lý đầu vào của DN; thu hồi, đình chỉ các dự án cấp phép nhưng không hoạt động.
PGĐ Sở Công thương Nguyễn Hiền Lương: Hiện có 25 cụm công nghiệp nằm rải rác; chợ đi theo hướng xã hội hóa; đề án phát triển nghề nông thôn gắn với thương mại đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, công tác đánh giá hỗ trợ hoạt động của các hộ sản xuất kinh doanh và DN hiện chưa hiệu quả
Có cơ chế chính sách, hỗ trợ phát triển DN, nhất là trong lĩnh vực chế biến thủy sản hay mở rộng thị trường xuất khẩu đối với DN khai thác đá; tạo ra cơ chế bình đẳng trong thực hiện chính sách; thường xuyên rà soát cơ chế, chính sách để có sự điều chỉnh hợp lý và kịp thời.
Cần có giải pháp mạnh cho các ngành Thuế, Hải quan trong kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh của DN; quan tâm kinh tế tư nhân và các DN tư nhân; tập trung thu hút đầu tư, ưu tiên cho DN trong tỉnh. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo DN về công tác quản lý; có cơ chế hỗ trợ để DN, hộ kinh doanh cá thể tự vươn lên, tránh tình trạng thành lập DN để được hưởng lợi; phát huy tối đa vai trò tạo động lực, kết nối của các cấp chính quyền đối với chính sách, vốn, thị trường cho DN...
Tổng kết thảo luận, Bí thư Đảng uỷ Khối CCQ tỉnh Trần Thế Dũng khắng định, các nghị quyết ra đời kịp thời, giải quyết được nhiều vấn đề bức xúc, yêu cầu phát triển kinh tế hiện nay.
Về vấn đề phát triển DN, cần có sự phối hợp của sở, ngành trong việc đánh giá chính xác sức khoẻ DN trong giai đoạn hiện nay; tháo gỡ vướng mắc cho DN; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hộ kinh doanh cá thể để chuyển sang DN.
Về phát triển kinh tế tập thể, cần xem xét vai trò của Nhà nước trong việc định hướng; rà soát lại cơ chế, chính sách của tỉnh để có sự điều chỉnh hợp lý.
Nhiệm vụ trước mắt, các cơ quan, đơn vị cần tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết cho đội ngũ cán bộ cốt cán và đơn vị cấp cơ sở; xây dựng chương trình thực hiện nghị quyết theo yêu cầu.