Đam mê ca hát từ nhỏ nên mặc dù được bố mẹ định hướng nghề nghiệp nhưng thầy Bùi Đức Ái (SN 1984) vẫn quyết tâm thi vào ngành văn hóa nghệ thuật. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Du, thầy Ái tiếp tục thi vào Học viện Âm nhạc Huế với mong muốn được học sâu hơn về chuyên ngành âm nhạc.
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thầy Ái đã có một số sáng tác được dùng trong các hoạt động văn hóa của địa phương, trường học.
Các sáng tác của thầy đã được phổ biến trong một số sự kiện văn hóa của địa phương và hoạt động ca múa hát sân trường
Trở thành giáo viên dạy âm nhạc là cơ hội để thầy thỏa niềm đam mê với những nốt nhạc lời ca. Từ yêu cầu của việc dạy nhạc cho học trò trong bối cảnh không có nhiều sáng tác mới cho thiếu nhi, thầy Ái đã tự viết nhiều bài hát về mái trường, thầy cô, tuổi học trò.
“Sự hồn nhiên, tinh nghịch của các em học sinh chính là chất liệu cho những sáng tác của tôi. Mỗi giờ lên lớp là một lần tôi nuôi dưỡng cảm xúc của mình để cho ra đời những tác phẩm phù hợp với lứa tuổi học trò. ” - thầy Ái chia sẻ.
Sự hồn nhiên, trong sáng của lứa tuổi học trò là nguồn cảm hứng, chất liệu sáng tác trong các ca khúc của thầy Ái
Đến nay, thầy Ái đã sáng tác khoảng 30 ca khúc, trong đó hơn 10 ca khúc được sử dụng nhiều trong các hoạt động biểu diễn tại một số sự kiện văn hóa của địa phương như: “Đất mẹ Kỳ Anh”, “Lộc Hà biển hát tình em”, “Nắng sân trường”, “Tuổi học trò”, “Thầy cô mến yêu”…
Ngoài sáng tác những ca khúc với âm hưởng hiện đại, điều mà thầy Ái tâm huyết nhất vẫn là đưa dân ca ví, giặm vào giảng dạy trong nhà trường. Mặc dù đây là chương trình đã được triển khai từ lâu, nhưng theo thầy Ái, việc dạy dân ca ví, giặm trong trường học hiện nay đang gặp nhiều khó khăn và chưa thực sự hiệu quả. Hiện có khoảng 300 làn điệu, tổ khúc dân ca ví, giặm được sưu tầm, nhưng tài liệu để phục vụ cho việc dạy trong trường học không có.
Hầu hết các giáo viên âm nhạc đều đang tự mày mò soạn giáo án, lựa chọn ca khúc theo cảm nhận chủ quan của mình, một bộ phận sáng tác lời mới dựa trên các làn điệu dân ca. Cách làm này mang tính tự phát, hiệu quả không cao.
Ngoài giờ lên lớp, thầy Ái say mê với công việc sáng tác ca khúc
Mong muốn có một giáo trình dạy học dân ca ví, giặm trong nhà trường chính thống, bài bản, phù hợp với tâm lý lứa tuổi học trò đã thôi thúc thầy tìm đến các nghệ sỹ, nghệ nhân dân gian của Nghệ An, Hà Tĩnh như Hồng Lựu, Khánh Cẩm, Văn Sang… để “thỉnh giáo” về mặt chuyên môn. Bằng việc lựa chọn các ca khúc, làn điệu cũng như một số bài hát do các tác giả viết lời mới, cuốn “Ví giặm học đường” đang trong quá trình được thầy “thai nghén”.
Ngoài ra, bằng niềm đam mê và tâm huyết, thầy Ái còn tự biên soạn tài liệu phục vụ việc dạy âm nhạc trong trường học, đặc biệt là dân ca ví, giặm.
Thầy Bùi Đức Ái chia sẻ: “Hầu hết các ca khúc trong cuốn “Ví giặm học đường” đã được những người có chuyên môn thẩm định về mặt nội dung nghệ thuật. Sắp tới tôi sẽ trình lên Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, Nghệ An và Trung tâm Bảo tồn dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh (Nghệ An) để xin được cấp phép, sử dụng trong hoạt động dạy học”.
Dù thu nhập của một giáo viên âm nhạc không dư giả gì, nhưng thầy giáo Bùi Đức Ái đã tự lo kinh phí từ hoạt động sáng tác, biên soạn tài liệu cho đến phổ biến ca khúc, truyền dạy văn hóa dân gian. Thầy tâm niệm, tất cả đều xuất phát từ niềm đam mê, cái tâm của một người thầy với mong muốn mang đến những điều tốt đẹp nhất cho trẻ thơ.