Đánh bom đẫm máu tại sân bay Thổ Nhĩ Kỳ: 36 người thiệt mạng và gần 150 người khác bị thương khi ba kẻ đánh bom tấn công sân bay quốc tế Ataturk ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ tối ngày 28/6. Hiện vẫn chưa có bất kỳ một nhóm khủng bố nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công, tuy nhiên, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim nhận định những dấu hiệu ban đầu cho thấy tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS) đứng đằng sau vụ việc. Ngay sau vụ đánh bom, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Tayyip Erdogan đã lên án những kẻ khủng bố và tuyên bố đây sẽ là bước ngoặt trong trong cuộc chiến của nước này chống lại các nhóm phiến quân. (Ảnh: Hiện trường vụ đánh bom đẫm máu tại sân bay Thổ Nhĩ Kỳ khiến hơn 180 người thương vong)
Putin lần đầu gọi điện cho tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ bắn rơi Su-24: Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 29/6 đã gọi điện cho người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ để cám ơn bức thư chia buồn ông mới gửi về vụ bắn rơi cường kích Su-24 của Nga vào tháng 11/2015. Các nguồn tin thân cận văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, cuộc đàm thoại đã diễn ra rất tích cực. Trước đó Tổng thống Nga đã gửi lời chia buồn đến Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ xả súng và đánh bom khủng bố tại sân bay Ataturk khiến 36 người thiệt mạng và gần 150 người khác bị thương. Đây là đối thoại đầu tiên giữa hai lãnh đạo kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Sukhoi Su-24 của Nga tháng 11 năm ngoái ở khu vực gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria. (Ảnh: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nguồn: thepeninsulaqatar)
Lực lượng nổi dậy Syria chiếm sân bay quân sự từ tay IS: Ngày 29/6, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết các tay súng thuộc lực lượng nổi dậy Syria được sự hỗ trợ của các lực lượng đặc nhiệm do Phương Tây hậu thuẫn, đã giành quyền kiểm soát sân bay quân sự Hamadan từ tay nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Sân bay này nằm gần sào huyệt chiến lược Al-Bukamal của IS, giáp biên giới với Iraq. Theo SOHR, chiến dịch quân sự có sự tham gia của lính dù nước ngoài đã diễn ra từ sáng sớm cùng ngày. Giao tranh ác liệt đã xảy ra do IS kháng cự mạnh mẽ. (Ảnh: Các tay súng thuộc lực lượng nổi dậy ở Syria. Nguồn: Reuters)
LHQ bầu 5 thành viên không thường trực mới của Hội đồng Bảo an: Ngày 28-6 (giờ Mỹ), Đại hội đồng Liên hiệp quốc (ĐHĐ LHQ) đã tiến hành bầu chọn 5 thành viên không thường trực mới cho Hội đồng Bảo an (HĐBA). Các quốc gia được trúng cử là Thụy Điển, Ethiopia, Bolivia và Kazakhstan với nhiệm kỳ 2 năm. Việc bầu thành viên không thường trực thứ năm của HĐBA, ĐHĐ LHQ đã phải tiến hành 5 vòng bỏ phiếu, song hai ứng cử viên Hà Lan và Italy vẫn nhận được số phiếu ngang nhau. Do đó, Chủ tịch ĐHĐ LHQ Mogens Lykketoft đã phải chủ trì hai cuộc họp kín và đi đến kết luận cả 2 nước sẽ cùng chia sẻ nhiệm kỳ ủy viên không thường trực. Theo đó, Italy sẽ giữ chức ủy viên không thường trực năm 2017 và Hà Lan sẽ tiếp tục giữ vị trí này vào năm 2018. (Ảnh: Một cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Nguồn: un.org)
Ngân hàng trung ương Anh rót 4,1 tỷ USD để trấn an thị trường: Ngân hàng trung ương Anh (BoE) vừa rót 3,1 tỷ Bảng (4,1 tỷ USD) để hỗ trợ các ngân hàng trong nước cân bằng tình hình tài chính trước cú sốc Brexit (Anh rời EU). BoE đến nay đã rót hơn 9 tỷ bảng Anh cho các ngân hàng thông qua ba đợt cấp vốn nhằm bình ổn thị trường sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6. Đây là lần đầu tiên BoE tổ chức nhiều hơn một đợt đấu giá cấp vốn trong một tháng. Các đợt cung cấp tín dụng khẩn cấp tương tự đã diễn ra hồi năm 2008, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra. (Ảnh minh họa. Nguồn: ibtimes.co.uk)