Theo bước chân Người

(Baohatinh.vn) - Tôi sinh ra ở miền đất Hà Tĩnh, khi vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc đã đi xa. Những nhận thức đầu đời về Người bắt nguồn từ những câu thơ, bài hát, câu chuyện… mà những người lớn trong gia đình răn dạy con cháu. Lớn lên, biết đọc, biết viết, biết nhìn nhận, đánh giá thế giới quanh mình, tôi thầm yêu quý, cảm phục, tôn thờ và hướng theo một con người đã hy sinh cuộc đời mình vì độc lập, tự do cho Tổ quốc; no ấm, hạnh phúc cho nhân dân; dân chủ, hòa bình, tiến bộ cho nhân loại.

theo buoc chan nguoi

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Tôi đã chọn chuyên ngành tư tưởng Hồ Chí Minh theo học để thỏa mãn mơ ước, lý tưởng của mình. Xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi của công việc, trong quá trình dạy, tôi đã giúp học viên xác định: Học để làm gì? Học để phục vụ ai? Có được những nhận thức đó là nhờ tiếp cận được với quan điểm của Bác về lĩnh vực giáo dục: “Các thầy cô giáo phải tìm cách dạy. Dạy cái gì, dạy thế nào để học trò hiểu đúng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh. Dạy và học phải theo nhu cầu của dân tộc, của Nhà nước” và triết lý giáo dục lý luận chính trị của Bác “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”.

Để bài giảng về tư tưởng Hồ Chí Minh thêm phong phú, sâu sắc, tôi tìm tòi, nghiên cứu nắm vững tiểu sử, hoạt động, các bài nói, bài viết của Người liên quan đến việc hình thành các quan điểm, các nguyên lý lý luận, bởi ở Bác có một sự nhất quán cao giữa tư tưởng và hành động, lời nói và việc làm. Những luận điểm quan trọng của Người đều là sự đúc rút từ khảo sát lý luận và tổng kết thực tiễn, từ sự trải nghiệm trong cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian khổ của mình, nên mỗi một luận điểm, quan điểm, tư tưởng… đều có nguồn gốc, hoàn cảnh ra đời và quá trình phát triển, hoàn thiện của nó.

theo buoc chan nguoi

Những câu chuyện về Bác luôn thấm sâu, soi sáng cho các tầng lớp nhân dân Việt Nam học tập, noi theo. Trong ảnh: Em Nguyễn Thị Út Quyền - học sinh lớp 12A2, trường THPT Lê Quảng Chí (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) kể câu chuyện "Bác Hồ đến thăm người nghèo" trong lớp học.

Với mong muốn bài giảng về tư tưởng của Bác có tính thuyết phục cao, tạo niềm tin cho người học, trong quá trình giảng dạy, tôi lựa chọn những nhận định, đánh giá của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà Hồ Chí Minh học trong nước và thế giới để minh chứng cho nội dung bài giảng. Đây chính là hướng tiếp cận đảm bảo tính Đảng và tính khoa học trong nghiên cứu, giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh, tính hiện thực trong việc vận dụng. Mặt khác, việc đưa những nhận định đó vào bài giảng để chứng minh rằng, tư tưởng của Bác vừa mang tính dân tộc, vừa mang tính thời đại và việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác rất quan trọng và cần thiết, là nhiệm vụ cách mạng trong thời đại mới.

Một yêu cầu có tính nguyên tắc trong học tập và làm theo Bác đó là cần sáng suốt, bình tĩnh để phân biệt đúng sai, thật giả, nghiêm túc hay cẩu thả, vô trách nhiệm trong các ấn phẩm về Hồ Chí Minh. Từ đó lên tiếng bảo vệ những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Mặt khác, có cơ sở để bác bỏ một cách khoa học, thuyết phục những nội dung sai trái trong các luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ, hạ bệ lãnh tụ, củng cố cho mình và học viên niềm tin về lãnh tụ tối cao của Đảng và dân tộc, khẳng định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản và toàn thể dân tộc.

Là linh hồn của dân tộc, nên từ lâu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã là hình tượng tiêu biểu của văn học, nghệ thuật, đã có nhiều sáng tác về Bác Hồ rất thành công, đi sâu vào tâm tư, tình cảm của nhân dân Việt Nam qua nhiều thế hệ. Phát huy thành tựu đó, tôi đã sưu tầm những tư liệu về Người để minh họa cho những nội dung bài giảng. Qua quan sát thái độ của học viên, tôi vui mừng, cảm động vì hiệu quả từ hình ảnh minh họa mang lại.

Trong quá trình giảng dạy, cũng có lúc tôi thấy day dứt, trăn trở, băn khoăn bởi các thế lực thù địch, phản cách mạng… lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin đưa lên các trang mạng xã hội, mạng Internet, những nội dung xuyên tạc, bóp méo sự thật về Hồ Chí Minh quá trình giảng dạy tôi đã giải thích cho học viên rằng: Thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ… nhưng những giá trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh được UNESCO công nhận ngày càng được hiện hữu ở các văn bản của Liên hợp quốc; những mục tiêu thiên niên kỷ, mục tiêu phát triển bền vững mà cả thế giới cùng nhau đề ra và đang nỗ lực thực hiện đã được Hồ Chí Minh nói đến từ những thập niên 50, 60 của thế kỷ XX.

Niềm vui của tôi là được làm việc và cống hiến cho công việc mà mình yêu thích, đam mê, có điều kiện để tự rèn giũa mình, giáo dục con cái có một vốn kiến thức văn hóa - xã hội nhất định, có phương pháp nhìn nhận, đánh giá các sự kiện hiện tượng đã và đang diễn ra khách quan, có niềm tin mãnh liệt vào Đảng, vào chế độ và truyền tải được niềm tin đó cho học viên của mình, giúp họ tự tin hơn, nhiệt thành hơn với công việc họ đang đảm nhiệm.

Tôi nguyện tu dưỡng đạo đức suốt đời, học tập, nghiên cứu, giảng dạy, góp phần nhỏ hoàn thành mục tiêu cách mạng mà Người đã hy sinh cả cuộc đời mình để phấn đấu, dựng xây.

Chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Đọc thêm

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải ghi nhận các ý kiến tâm huyết của cử tri và giao các sở, ngành Hà Tĩnh và các địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.