Dự thảo của Bộ GD&ĐT về kỳ thi THPT 2017 có nhiều điểm đổi mới, khiến học sinh không khỏi lo lắng ( Ảnh minh họa). |
Ngày 8/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo phương án thi THPT quốc gia 2017. Theo dự thảo này, kỳ thi THPT 2017 sẽ có nhiều thay đổi so với 2 năm 2015 và 2016 cả về hình thức tổ chức thi và đề thi. Trong đó đáng chú ý là thí sinh dự thi kỳ thi THPT năm 2017 sẽ có 5 bài thi gồm 3 bài thi bắt buộc: Ngữ văn, Ngoại ngữ, Toán và một trong 2 bài thi tự chọn là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) Khoa học xã hội (Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân). Bài thi môn Toán được thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Cũng theo dự thảo, thì năm tới các thí sinh sẽ phải thi 6 môn thay vì 4 môn như trước đây.
Trả lời trước báo chí, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã khẳng định việc thay đổi này được thực hiện theo lộ trình có tính toán khoa học từ trước, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, giúp kì thi nhẹ nhàng hơn.
Dù vậy, việc thay đổi nhiều nội dung trong khi chỉ còn chưa đầy 9 tháng nữa các thí sinh sẽ chính thức bước vào kỳ thi THPT quốc gia khiến không ít học sinh và cả các trường THPT loay hoay.
Các trường đang "đứng ngồi không yên"
Bộ đã công bố dự thảo phương án thi THPT từ đầu tháng, hiện tại vẫn đang trong quá trình xem xét lấy ý kiến. Nhìn lại trường hợp năm 2006, hình thức thi Toán trắc nghiệm cũng đã được nhen nhóm đưa ra nhưng sau đó bị dập tắt vì lý do chưa phù hợp.
Đến nay, sau 10 năm đổi mới giáo dục, trả lời trên VTV, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng thí sinh cũng không còn quá xa lạ với hình thức này. Nhưng việc dự thảo có trở thành chính thức hay không, vẫn đang trong quá trình cân nhắc. Do đó không chỉ học sinh, phụ huynh mà hơn cả là các trường THPT cũng vẫn đang mong ngóng quyết định chính thức từ Bộ.
Thầy Phạm Đức Doanh, hiệu trưởng trường THPT Trần Phú, Hà Nội cho biết hiện tại việc dạy và học trong nhà trường vẫn được triển khai như cũ, chưa dám có bất kỳ thay đổi nào do đây mới chỉ là dự thảo. Đặt ra trường hợp nếu dự thảo không được thông qua, mà trường đã thay đổi thì học sinh không thể trở tay kịp. Trường vẫn sẽ chú trọng giảng dạy cho các em nắm vững kiến thức, nếu vậy dù có thay đổi thế nào học sinh vẫn có thể xoay chuyển được.
Trái lại cô Lưu Thị Lập, Hiệu trưởng trường THPT Hoàng Cầu, Hà Nội lại tỏ ra khá lo ngại trước những thay đổi của được đưa ra trong dự thảo. Cô Lập cho rằng việc đổi mới là phù hợp, tuy nhiên vẫn có những băn khoăn về vấn đề này. Cô Lập cho rằng với những học sinh học tốt sẽ không quá khó để các em thích nghi nếu có thay đổi, nhưng với những học sinh học ở mức độ trung bình, đầu vào lớp 10 đã không cao, thì việc bắt kịp với những đổi mới lại là cả một nỗi lo lớn, không chỉ của các em mà còn của các thầy cô và gia đình. Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra dự thảo về phương án kỳ thi THPT 2016, trường đã triển khai những nội dung trong dự thảo đến với phụ huynh và học sinh để các em và gia đình chuẩn bị sẵn sàng nếu như có thay đổi.
Theo cô Lập, việc đầu tiên các trường có thể làm là trấn an học sinh, để các em không quá lo lắng, hoang mang. Còn về phương pháp dạy và học, chỉ khi Bộ ra quyết định chính thức, các trường mới dám thay đổi nếu cần.
Nói về môn Toán, Cô Tạ Thị Hải Minh, giáo viên dạy Toán trường THPT Hoàng Cầu cho rằng: “Khi dạy giáo viên vẫn chủ yếu dạy các kiến thức đáp ứng nhu cầu thi của các con. Với môn Toán rất hoang mang, vì chưa từng thi trắc nghiệm. Khi dạy chúng tôi vẫn hướng dẫn các con về kỹ năng trình bày, tính toán. Bây giờ chuyển sang thi trắc nghiệm cũng là một sự khó khăn”. Cô Minh cho biết, trong các bài giảng của mình, cô cũng có những lồng nghép hướng dẫn các em thêm về kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm. “Thi trắc nghiệm quy trình từng bước không thay đổi, nhưng thời gian làm bài sẽ ngắn hơn, nên tốc độ phải rất nhanh” do vậy kỹ năng về máy tính cực kỳ quan trọng. Nếu như trước đây các em chỉ học những cách sử dụng máy tính thông thường, thì nay phải học tất cả các cách giải toán trên máy tính để có kết quả nhanh và chính xác nhất.
Với trường THPT Cầu Giấy, thầy Nghiêm Chí Thành, Phó hiệu trưởng trường nhà trường cho biết hiện tại trường vẫn đang đợi thông tin cuối cùng từ Bộ Giáo dục và Đào tạo trước khi có những định hướng, thay đổi trong việc giảng dạy.
Học sinh không biết học thêm Giáo dục công dân ở đâu?
Chia sẻ về vấn đề này, em Nguyễn Hồng Nhung, học sinh lớp 12 ( THPT Cầu Giấy, Hà Nội) lo lắng: “Em thấy rất sốc khi Bộ đưa ra những thay đổi quá lớn như vậy. Từ trước tới nay em đã ôn môn Toán theo hình thức tự luận. Đã thế lại thi thêm tổ hợp môn. Chúng em học lệch theo khối, vì vậy việc phải học đều các môn là rất khó. Nếu có đổi mới các bác trên Bộ nên thông báo sớm”.
Nhiều học sinh lo lắng trước phương án tuyển sinh mới của Bộ, nên đã chủ động tìm cách học mới. Hà Thùy Linh, học sinh lớp 12 ( THPT Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Sau khi nghe dự thảo của Bộ, chương trình học ở trường vẫn chưa có gì thay đổi. Em phải lên mạng tìm đề thi thử đánh giá năng lực của trường ĐHQG để làm cho quen trong khi ngồi chờ Bộ đưa ra đề thi minh họa”.
Em Nguyễn Thu Hà Trang học sinh lớp 12 (THPT Hoàng Cầu, Hà Nội) cho biết, trước thông tin về đổi mới thi cử trong năm tới, em đã cấp tốc tìm lớp học thêm môn Hóa và Sinh, do ban đầu chỉ xác định thi khối A1.
Một số học sinh theo khối xã hội, lại lo ngại về đề thi môn Giáo dục công dân. Học như thế nào, ôn ở đâu vẫn còn là nỗi băn khoăn lớn. Có hướng thi khối C, Thu Ngân (THPT Hoàng Cầu, Hà Nội) cho biết: “Từ trước đến nay bọn em chỉ chú trọng học các môn thi, những môn như Giáo dục công dân hay công nghệ chúng em rất ít học. Năm nay Bộ thông báo môn này được đưa vào thi THPT em thấy rất bất ngờ, không biết học thế nào với môn này”. Các bạn học khối tự nhiên có thể đi học thêm ngay, nhưng với môn Giáo dục công dân “ làm gì có lớp mà học thêm”, Ngân chia sẻ.
Còn chưa đầy 9 tháng nữa học sinh lớp 12 trên toàn quốc sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2017. Để học sinh có đủ thời gian kịp chuẩn bị cho kỳ thi này, Bộ cần nhanh chóng đưa ra đề thi minh họa cũng như quyết định chính thức về phương án tổ chức thi, xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển CĐ, ĐH 2017./.