Thị xã Hà Tĩnh những ngày tổng khởi nghĩa

(Baohatinh.vn) - Cuộc tổng khởi nghĩa 19/8/1945 đã trở thành một mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Dù đã trải qua 7 thập kỷ nhưng kỷ niệm về những ngày lịch sử hào hùng ấy vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí người dân Thành Sen ngày nào.

Dù đã bước qua tuổi 82, nhưng khi kể về cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, cụ Nguyễn Thị Hảo (khối phố Phú Hào, nay là tổ 6, phường Bắc Hà) vẫn say sưa đến lạ thường.

Sông Phủ là một trong những nơi gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử của thành phố Hà Tĩnh.

Sông Phủ là một trong những nơi gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử của thành phố Hà Tĩnh.

Cụ kể: Năm 1945, tuy còn nhỏ (13 tuổi - PV) nhưng nhờ có năng khiếu văn nghệ nên tôi được các anh chị thanh niên cho vào đội văn nghệ luyện tập chuẩn bị chào đón chính quyền cách mạng. Những ngày đầu tháng 8, khẩu hiệu “Đánh đổ phát xít Nhật và chính phủ bù nhìn tay sai” giăng kín các ngả đường. Ban đêm, trống giục liên hồi, nhà nào cũng chuẩn bị cờ đỏ sao vàng, khẩu hiệu, gậy gộc, giáo mác. Thanh niên tập trung thành từng nhóm có vũ trang tập dượt khắp các khối phố. Ở các xã phụ cận, việc chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa cũng được tổ chức rầm rộ. Không khí hết sức khẩn trương, sôi sục càng làm cho bọn địch hoang mang, lo sợ. Ai cũng trông chờ từng giờ, từng phút.

Từ mờ sáng 18/8/1945, nhân dân thị xã khắp các ngả đường ở Đại Nài, Trung Tiết, Đại Tiết và các xã lân cận thuộc huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên phối hợp tổ chức biểu tình với hàng vạn người giương cao cờ đỏ, sao vàng, vừa đi, vừa hô vang: “Chính quyền về tay Việt minh”, “Việt Nam độc lập muôn năm”... Dòng người tập trung về sân vận động thị xã để đón chào sự ra mắt của chính quyền cách mạng tỉnh nhà. Thị xã đỏ rực cờ hoa và rạng ngời những khuôn mặt.

“Đó là ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi. Mặc dù còn trẻ nhưng lúc đó tôi đã hiểu được giá trị của độc lập, tự do. Chúng tôi tay trong tay cùng hát vang lời ca: Yêu hòa bình Tổ quốc chúng ta” - cụ Hảo xúc động nói.

Đầu tháng 5/1945, phong trào kháng Nhật cứu nước ở TX Hà Tĩnh phát triển mạnh mẽ. Từ tháng 7/1945 trở đi, thị xã bắt nhịp với phong trào chung toàn tỉnh. Tầng lớp thanh niên, trí thức đã tiếp thu và kịp thời tuyên truyền các chỉ thị của cấp trên cho quần chúng. Những cuộc mít tinh, biểu tình, thị uy, diễu hành, biểu dương lực lượng diễn ra khắp các tỉnh lỵ và vùng phụ cận. Cao trào kháng Nhật ở TX Hà Tĩnh đã góp phần vào việc chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đang đến gần.

Trước diễn biến nhanh chóng của tình hình, căn cứ vào chỉ thị của Trung ương, ngày 8/8/1945, Việt minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh tổ chức đại hội bàn nhiệm vụ, kế hoạch tổng khởi nghĩa. Theo quyết định của đại hội, TX Hà Tĩnh nằm trong phân khu 6 (còn gọi là phân khu Nam Hà). Thực hiện nhiệm vụ chung của Mặt trận Việt minh liên tỉnh, việc khởi nghĩa giành chính quyền ở trung tâm tỉnh phải biết chớp lấy thời cơ, tránh tổn thất. Hoạt động khởi nghĩa đã được các tổ chức hội thanh niên, phụ nữ trong 8 khối phố dẫn đầu làm nòng cốt, với chủ trương “gấp rút xây dựng lực lượng tự vệ vững mạnh, phối hợp trong quần chúng chuẩn bị bạo động giành chính quyền và tuyệt đối không được manh động khi chưa có lệnh”.

Trước khí thế ào ạt của cách mạng, kẻ địch hết sức hoảng loạn. 5h sáng 18/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa phân khu Nam Hà gửi tối hậu thư cho quân Nhật đóng tại TX Hà Tĩnh yêu cầu không được can thiệp vào nội bộ của địa phương, đồng thời huy động hàng nghìn người dân thị xã và các vùng phụ cận chuẩn bị biểu tình kéo vào dinh tỉnh trưởng.

Tỉnh trưởng Hà Tĩnh lúc này là ông Hà Văn Đại, là quan chức trong chính phủ Trần Trọng Kim nhưng lại là người có lòng yêu nước thương dân, sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ những người chống Nhật, ghét Pháp. Được lãnh đạo Việt minh cảm hóa, Hà Văn Đại ngỏ ý muốn tiếp xúc với cán bộ Việt minh ở Hà Tĩnh. Buổi tiếp xúc lịch sử ấy diễn ra trong hơn 1h đồng hồ vào sáng 18/8/1945 tại tỉnh đường, giữa tỉnh trưởng Hà Văn Đại và đại diện Việt minh Nam Hà đã thu được kết quả tốt đẹp. Tỉnh trưởng Hà Văn Đại rút lui và ký vào biên bản bàn giao sổ sách, giấy tờ, súng đạn, tiền bạc cho Mặt trận Việt minh Nam Hà. Khởi nghĩa giành chính quyền ở TX Hà Tĩnh nhanh, gọn và là một trong những địa phương giành được chính quyền sớm nhất trong toàn quốc.

Ngày 25/8/1945, chính quyền nhân dân cách mạng lâm thời TX Hà Tĩnh được thành lập do đồng chí Nguyễn Văn Tám làm Chủ tịch. Sự kiện này là một mốc son trong trang sử đấu tranh giành độc lập của quê hương. Từ đây, cùng với nhân dân cả tỉnh, cả nước, TX Hà Tĩnh bước sang một trang sử mới.

Khí thế của cuộc khởi nghĩa tháng Tám luôn là tài sản tinh thần to lớn tiếp sức cho Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân Hà Tĩnh nói chung, TP Hà Tĩnh nói riêng vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, giành độc lập, tự do cho dân tộc và xây dựng CNXH, đi đầu trong công cuộc đổi mới quê hương, đất nước, xây dựng TP Hà Tĩnh giàu mạnh, văn minh

* (Ghi theo lời kể của cụ Nguyễn Thị Hảo và sử dụng một số tư liệu lịch sử Đảng bộ TP Hà Tĩnh)

Đọc thêm

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải ghi nhận các ý kiến tâm huyết của cử tri và giao các sở, ngành Hà Tĩnh và các địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.