Mô phỏng tiểu hành tinh bay trong vũ trụ. Ảnh: iStock.
2008 GO20 đang được theo dõi bởi Trung tâm nghiên cứu vật thể bay gần Trái Đất (CNEOS) của NASA.
Các nhà khoa học cho rằng tiểu hành tinh này có thể đạt đường kính 66 - 220m, dù chưa có con số chính xác. So với nó, tượng đài Washington ở Mỹ cao 169 m.
Khi 2008 GO20 bay sượt qua hành tinh của chúng ta, nó sẽ di chuyển ở tốc độ khoảng 29.611 m, nhanh hơn tàu con thoi bay quanh quỹ đạo Trái Đất.
Dù tiểu hành tinh này ở cách Trái Đất khá gần về mặt không gian, nó sẽ không gây nguy hiểm cho con người.
Khoảng cách gần nhất giữa 2008 GO20 và Trái Đất là hơn 4,5 triệu km, gấp hơn 11 lần quãng đường tới Mặt Trăng. Đúng như tên gọi, giới nghiên cứu lần đầu tiên quan sát tiểu hành tinh này năm 2008.
CNEOS định nghĩa vật thể gần Trái Đất là sao chổi hoặc tiểu hành tinh bay qua vùng lân cận hành tinh ở điểm nào đó trên quỹ đạo của chúng quanh Mặt Trời.
Giới nghiên cứu ngày càng quan tâm đến tiểu hành tinh bởi chúng là mảnh vỡ còn sót lại từ khi hệ Mặt Trời hình thành cách đây 4,6 tỷ năm.
Nếu có thể tìm hiểu thành phần cấu tạo của tiểu hành tinh, các nhà khoa học sẽ có manh mối về vật liệu hình thành các hành tinh trong hệ Mặt Trời. Việc theo dõi tiểu hành tinh cũng giúp những chuyên gia dự đoán nếu chúng có khả năng đâm vào Trái Đất, theo CNEOS, Trái Đất hứng khoảng 100 tấn vật liệu từ không gian mỗi ngày, nhưng vật liệu đó nhỏ tới mức rơi xuống mặt đất dưới dạng hạt bụi tí hon.
Cứ cách 10.000 năm, Trái Đất lại có khả năng va chạm với tiểu hành tinh có đường kính lớn hơn 100 m. Điều này có thể dẫn tới thảm họa ở khu vực va chạm và lực tác động có thể gây ra sóng thần.
Với xác suất hiếm gặp hơn là vài trăm nghìn năm, tiểu hành tinh lớn hơn một kilomet có thể đâm vào Trái Đất, gây ra thảm họa trên toàn cầu.
Hiện nay, các nhà khoa học đang phát triển công nghệ làm chệch hướng thiên thạch từ Trái Đất nếu chúng trở thành mối đe dọa.