Tuy nhiên, thực tế cho thấy, điều này không hoàn toàn đúng.
Đánh trúng tâm lý của những người sử dụng ô tô, nhiều cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa xe chào hàng các sản phẩm thiết bị tiết kiệm xăng, với những lời quảng cáo “có cánh” như: đi 80 km mà chỉ tốn 1 lít xăng, mua 3 tặng 1, giá thành cực hấp dẫn, miễn phí chi phí lắp đặt... Không ít chủ xe đã tin và mua sử dụng những sản phẩm này.
Thiết bị tiết kiệm xăng cho ô tô được chào bán với những lời quảng cáo hấp dẫn.
Các thiết bị được lựa chọn chủ yếu là bugi siêu dẫn điện, bộ tiết kiệm xăng, tăng áp đánh lửa... với chi phí chỉ trong khoảng 150.000 đồng - 280.000 đồng. Không chỉ là thiết bị có sẵn, những thiết bị tự chế với giá siêu rẻ cũng được tung ra thị trường một cách tràn lan mà người ta thường gọi là “dây nối bugi siêu áp”.
Anh Trần Đức Duy (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội), một tài xế taxi chia sẻ: "Thấy trên mạng giới thiệu sản phẩm tiết kiệm xăng cho xe ô tô xuất xứ từ Hàn Quốc, tiết kiệm được 20 - 30% nhiên liệu, tôi đã mua với giá 3,5 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau khi lắp thiết bị này, xe đi được khoảng 5 ngày, đến ngày thứ 6, xe của tôi đột ngột chết máy khi về số, thậm chí lúc đang đi bình thường thì tự nhiên vọt lên tăng tốc, lúc lại giật giật khi dừng lại. Quá hoảng sợ, tôi đã phải đến một cơ sở tháo thiết bị tiết kiệm xăng ra, dù chưa hết bảo hành”.
Trả lời VTC News, kỹ sư ô tô Trần Văn Chung, Giám đốc gara Trần Chung (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trên thực tế, những thiết bị tiết kiệm xăng khi lắp vào ô tô không biết có tiết kiệm được xăng hay không nhưng những phiền phức gần như chắc chắn phát sinh như: xe hay chết máy, thậm chí xe đang đi trên đường bỗng giật cục, gầm rú...
“Vấn đề quan trọng nhất trong tiết kiệm xăng là kỹ thuật lái xe của mỗi tài xế và việc nhà sản xuất triển khai các kỹ thuật hiện đại cho ô tô. Khi lắp thiết bị tiết kiệm xăng vào, nếu không phải hàng chuẩn và thực sự có hiệu quả thì không chỉ gây ra những ẩn họa với phương tiện mà còn gây mất an toàn với tài xế và người đi đường. Đồng thời, các hãng cũng sẽ không bảo hành nếu chủ xe tự ý thay đổi các bộ phận trong xe”, anh Chung nói.
Theo anh Chung, tốt nhất là không nên lắp thiết bị tiết kiệm xăng. Nếu sử dụng, nên cân nhắc lựa chọn những cơ sở uy tín và các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tem mác bảo hành cẩn thận để tránh “chữa lợn lành thành lợn què’”.
“Cũng không nên quá lạm dụng thiết bị này, bởi nếu không cẩn thận có thể làm tắc nghẽn đường dẫn nhiên liệu, bào mòn bugi và gây nguy hiểm cho người đang sử dụng xe khi xe không may đột ngột chết máy hoặc tăng tốc”, anh Chung nói.