Rời bỏ vùng đất quen…
Cu kỳ - loài chim quý gắn bó với người dân vùng biển Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh) hàng mấy chục năm qua, với cảnh từng đàn đậu trên những mỏm đá xanh nhấp nhô sóng biển giờ đã thành dĩ vãng.
Vùng biển tuyệt đẹp ở Kỳ Xuân từng là bãi đáp của cu kỳ
Gặp lão nông Trần Văn Hạnh (SN 1962, thôn Lê Lợi, xã Kỳ Xuân), người sống ngay phía dưới chân núi Chóp Cờ sát vách biển, nghe ông kể câu chuyện về loài chim này mới cảm nhận hết được sự tiếc nuối: “Tôi sống ở đây, cũng từng là người đi săn bắt cu kỳ để mưu sinh, nhưng đã lâu lắm rồi tôi từ bỏ nghề đi săn. Cu kỳ giờ không thấy đâu, mà người đi săn ở các vùng lân cận vẫn ngày đêm sục sạo khắp nơi.
Hồi xưa cha ông bẫy bằng tre nứa thô sơ, cả buổi may ra được một đôi con. Sau này, cu kỳ được thu mua với giá cao, người ta sử dụng mọi phương tiện để tận diệt, chim vì thế mà cũng rời bỏ vùng đất này…”.
Ông Hạnh chỉ tay về phía đỉnh núi Chóp Cờ, nơi trước đây loài chim cu kỳ hay cư ngụ
Từ tháng 4 âm lịch, theo kinh nghiệm xưa là thời điểm bắt đầu loài chim cu kỳ di trú về Kỳ Xuân nhiều nhất. Loại chim quý hiếm này có thời điểm được thu mua lên đến gần cả triệu đồng mỗi con, chính vì vậy, cánh thợ săn vẫn không thể từ bỏ “miếng mồi” ngon.
Nguy hại hơn, việc săn bắn cu kỳ đang trở thành một thú chơi, thu hút một bộ phận dân chơi thị thành đổ về đây vào những ngày nghỉ.
Loài chim cu kỳ gắn liền với hình ảnh Kỳ Xuân nay không còn mấy ai thấy
Ông Trần Văn Lực (SN 1968, thôn Lê Lợi, xã Kỳ Xuân) nói: “Tôi ở ngay gần sát khu vực thường hay săn bắn cu kỳ của cánh thợ săn, họ dấu các khẩu súng hơi có ống ngắm ở trên rừng rồi cứ thế mà bắn trộm.
Cu kỳ đang càng ngày bị tận diệt, rất mong chính quyền địa phương vào cuộc để bảo vệ loài chim gắn liền với hình ảnh thân quen của Kỳ Xuân…”.
Chính quyền và người dân chung tay bảo vệ
Anh Nguyễn Xuân Tân (SN 1977, thôn Xuân Thắng, Kỳ Xuân), chủ nhà hàng Hải Âu - một trong những nhà hàng lớn nhất nhì ở Kỳ Xuân cho biết: “Là người con của Kỳ Xuân, việc loài chim cu kỳ dần biến mất cũng khiến chính bản thân tôi phải suy nghĩ, mặc dù nó đem lại giá trị kinh tế cao trong kinh doanh.
Các nhà hàng ở bãi biển Kỳ Xuân đã cam kết không thu mua cu kỳ dù đang sống hay đã chết, thay vào đó là khuyến khích tiêu dùng các món hải sản khác
Hiện tại, việc đầu tiên mà chúng tôi có thể làm là không thu mua các loài chim này, gạch tên danh sách trong thực đơn bán hàng. Hiện trên trang Facebook của nhà hàng thông báo rộng rãi việc không thu mua và tổ chức bán thịt loại chim này. Qua đây chúng tôi cũng mong muốn chính khách hàng chung tay bảo vệ loại chim quý bằng cách không gọi các món ăn liên quan đến cu kỳ.”
Cặp chim trống mái được ông Lực nâng niu, dù giá cao đến mấy cũng không bán
Là người nuôi 1 cặp trống mái cu kỳ còn sống, ông Trần Văn Lực, chủ nhà hàng Bảy Lài khẳng định: “Giờ có ai trả giá cao bao nhiêu tôi cũng không bán.
Bởi khi nhìn thấy chúng nhắc nhớ cho tôi nhiều kỷ niệm. Tôi nuôi chúng là để bảo tồn giống chim quý ở vùng biển Kỳ Xuân. Quán chúng tôi cũng cam kết với chính quyền địa phương sẽ không thu mua loài chim này để kinh doanh, buôn bán…”.
Chính quyền và người dân cùng vào cuộc chung tay bảo vệ cu kỳ, hy vọng thời gian tới Kỳ Xuân sẽ trở lại thành nơi trú ngụ của loài chim quý
Trước thực trạng loài chim cu kỳ ở Kỳ Xuân đang bị tận diệt, chính quyền xã, trực tiếp là Công an xã Kỳ Xuân đã tổ chức vận động tuyên truyền, ký cam kết việc không săn bắn, thu mua nhằm bảo tồn giống chim quý của địa phương.
Đại úy Nguyễn Cao Khoa - Trưởng Công an xã Kỳ Xuân chia sẻ: “Không chỉ chính quyền địa phương mà rất nhiều người dân bày tỏ mong muốn bảo tồn chim cu kỳ, bởi vì đây không chỉ là loài chim quý mà còn là hình ảnh gắn liền với đời sống văn hóa của người dân địa phương…”.