Thợ sửa chữa điện lạnh ở Hà Tĩnh phải làm việc hết công suất trong những ngày nắng nóng cao điểm.
Từ đầu tháng 6 đến nay, tốp thợ gồm 3 người của cửa hàng sửa chữa điện lạnh Tường Nguyễn (TP Hà Tĩnh) phải tăng ca, làm việc hết công suất vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng.
Theo anh Nguyễn Văn Tường - chủ cơ sở thì trung bình mỗi ngày, cơ sở nhận được 25 - 30 cuộc điện thoại đặt lịch sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa của khách, khối lượng công việc của thợ cao gấp 3 lần so với trước đó.
Anh Nguyễn Văn Tường - chủ cửa hàng sửa chữa điện lạnh Tường Nguyễn (TP Hà Tĩnh) đang “bắt bệnh” điều hòa cho khách.
Lí giải về tình trạng trên, anh Tường cho hay: “Thông thường, điều hòa chỉ sử dụng một mùa vào nắng nóng còn một mùa “để không” nên bám bụi, nấm mốc. Do đó, nhu cầu vệ sinh máy trước khi vận hành cao; ngoài ra, nhiều máy bị hỏng mạch, dàn nóng, dàn lạnh, hết gas… nhưng khi nắng nóng, cần sử dụng bật lên mới biết hỏng hóc.
Do đó, đầu mùa nắng nóng, nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng tăng đột biến. Đặc biệt, mùa hè năm nay, các nhà hàng, khách sạn đồng loạt hoạt động trở lại, nhu cầu bảo dưỡng máy lạnh càng cao nên anh em chúng tôi tăng ca, làm hết công suất vẫn không hết việc”.
Do điều hòa chủ yếu chỉ sử dụng một mùa vào nắng nóng còn một mùa “để không” nên bám bụi, nấm mốc.
Cũng theo anh Tường, mỗi ngày 1 người thợ lành nghề có thể sửa được 5 - 7 chiếc điều hòa, trung bình tiền công nhận được vào những ngày cao điểm hơn 700 nghìn đồng.
Tuy nhiên, công việc hết sức vất vả. Ngoài kỹ thuật, thành thạo tay nghề ra còn phải có sức khỏe khi làm việc liên tục từ sáng sớm tinh mơ đến 11 - 12h đêm, nhất là đối với các nhà hàng, khách sạn, trường học… đều đặt lịch sửa chữa, vệ sinh máy lạnh sau giờ tan tầm. Bên cạnh đó, môi trường làm việc cũng rất nguy hiểm.
Anh Trần Xuân Tuân - nhân viên làm việc tại cửa hàng điện máy Lửa Xanh (thị trấn Thạch Hà) đang vệ sinh máy và sửa quạt nóng điều hòa cho khách.
Có thâm niên làm nghề điện tử, điện lạnh gần 10 năm, khoảng thời gian này, anh Trần Xuân Tuân - nhân viên làm việc tại cửa hàng điện máy Lửa Xanh (thị trấn Thạch Hà) làm không hết việc.
Theo anh Tuân, từ giữa tháng 5 đến nay, nhu cầu về lắp đặt, sửa chữa điều hòa nhiệt độ trên địa bàn tăng mạnh. Trong đó, nhiều khách hàng có nhu cầu vệ sinh điều hòa sau nhiều tháng không sử dụng hoặc thay gas mới. Bên cạnh đó, nhiều khách hàng lắp đặt điều hòa mới để ứng phó với thời tiết nắng nóng gay gắt.
Đối với những điều hòa lỗi nặng, anh Tuân phải đưa về nhà để sửa chữa.
“Thông thường, tiền công vệ sinh máy điều hòa công suất làm lạnh 9000 BTU là từ 150 - 200 nghìn đồng, bơm gas từ 200 - 600 nghìn đồng, sửa chữa thì giá cao hơn. Việc vệ sinh điều hòa chỉ mất 30-40 phút, còn sửa chữa thì tùy từng lỗi mà thời gian xử lý khác nhau, có những lỗi tôi phải mang cả điều hòa về nhà khắc phục. Dù vất vả nhưng tôi vẫn cố gắng hoàn thành cho khách để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống” - anh Tuân cho biết.
Theo chia sẻ của nhiều thợ sửa chữa điện lạnh, với công suất làm việc liên tục trong những ngày này, mỗi thợ có thể thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng. Tuy làm không hết việc, thu nhập khá nhưng nghề sửa chữa điện lạnh vẫn rất “kén” người học và làm nghề do đặc thù vất vả, phải di chuyển nhiều trong tiết trời nắng nóng".
Công việc tuy thu nhập khá cao nhưng nghề sửa chữa điện lạnh cũng rất vất vả và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. (Trong ảnh: anh Nguyễn Quý Thịnh - chủ cửa hàng thiết bị điện Quý Thịnh (TP Hà Tĩnh) đang tranh thủ thời gian buổi tối kiểm tra và sửa chữa điều hòa cho khách).
Do nhu cầu sửa máy lạnh tăng đột biến nên đã xảy ra tình trạng thiếu thợ. Bà Nguyễn Thị Hoa (phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Do hỏng máy nén nên phải mất ba ngày cánh thợ sửa chữa điều hòa mới khắc phục xong cho gia đình. Dù hơi muộn nhưng đang cao điểm mùa nắng nóng nên gia đình rất chia sẻ”.
Theo dự báo, những ngày tới, thời tiết tiếp tục nắng nóng. Do đó, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện lạnh sẽ tiếp tục tăng và tình trạng quá tải, hư hỏng các thiết bị là điều khó tránh khỏi.